Nằm trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 30-4, trung tuần tháng 3-2015, ông Ngô Duy Cuông ở thôn Đống Lương, xã Tân Khánh và ông Vũ Trung Ấn ở xóm Cùng, xã Thành Lợi (Vụ Bản) là một trong số những người được Bộ Quốc phòng mời đi thăm lại Trại giam tù binh Phú Quốc - nơi các ông có những tháng ngày “nằm gai”, “nếm mật” nhưng luôn giữ vững ý chí kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.
“Đảng, Nhà nước đã cho chúng tôi cuộc sống hôm nay”! Đó là tâm sự đầy xúc động của ông Ngô Duy Cuông khi trò chuyện với chúng tôi. Lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khi mới 17 tuổi, ông là lính Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Sau khi vào Nam, ông được phân vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Gia Định. Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đơn vị ông đã đánh vào Bộ Tổng tham mưu của nguỵ quyền Sài Gòn, sau khi chiếm được trụ sở 2 giờ thì được lệnh rút lui. Trong đợt tấn công thứ 2 vào đường sắt khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông bị sức ép của đạn pháo phải đi bệnh viện dã chiến C12, sau đó lui về làm công tác hậu cần, bảo vệ. Ngày 28-10-1969, khi ông đang nằm trong hầm bí mật ở xã Hoà Phú, huyện Củ Chi chờ lấy lương thực mang về cho đơn vị thì địch bất ngờ càn quét và ông bị bắt. Sau một tuần tra khảo, đánh đập, địch đưa ông về giam giữ tại Trại giam Hố Nai (Biên Hoà) rồi đến ngày 19-12-1969 chúng đưa ông ra Trại giam tù binh Phú Quốc. Cũng như các tù binh khác, ông Cuông bị địch đánh đập thường xuyên. Dưới sự cai quản của Trần Văn Nhu (Bảy Nhu), tên cai ngục khét tiếng, kẻ đã nghĩ ra hàng trăm cách hành hạ tù nhân, ông và những người ở trại giam phải chịu hình thức tra tấn dã man như thời Trung cổ: ngồi chuồng cọp, lộn vỉ sắt, đánh bằng chày, vồ, gậy, roi cá đuối, gõ thùng, đục và bẻ răng, lấy móng tay, móng chân, bớt cơm nước… Ông nhớ nhất kỷ niệm ngày mới nhập trại, khi đứng ra nhận tội thay cho một người bạn tù vô tình làm lộ bí mật tài liệu sinh hoạt cách mạng. Bọn cai ngục đã cho người đánh ông vô cùng tàn bạo để bắt ông khai ra tổ chức cách mạng đấu tranh trong tù nhưng ông vẫn im lặng. Bên cạnh sự đau đớn về thể xác với những trận tra tấn của bọn cai ngục, ông và những người tù cách mạng còn phải luôn đấu tranh với các thủ đoạn hành hạ của kẻ thù. Dưới sự tra tấn, đàn áp của kẻ thù cũng có người do không chịu được đòn tra tấn đã quay lại làm tay sai cho địch. Chúng bố trí những người này trà trộn vào các phòng giam, theo dõi mọi hoạt động, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đấu tranh trong tù. Vì vậy, để đảm bảo giữ bí mật, nguyên tắc được đặt ra là mỗi người chỉ biết một người, lấy lý do cùng quê, cùng nhập ngũ để động viên kéo về phe ta, về với chính nghĩa, “thêm bạn, bớt thù”. Sau hơn 3 năm chịu cảnh tù đày, đến ngày 21-3-1973 ông Cuông được địch trao trả tại sân bay Tây Ninh. Sau khi nghỉ dưỡng mấy tháng, ông trở về đơn vị cũ tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu. Đất nước thống nhất, ông ra Bắc an dưỡng, học Trường Trung cấp Tài chính - Kế toán ở tỉnh Ninh Bình, rồi về công tác ở Cty Xuất nhập khẩu các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản, đến năm 1993 thì nghỉ hưu.
Ông Vũ Trung Ấn và ông Ngô Duy Cuông (thứ sáu và thứ bảy từ trái sang) thăm lại Trại giam tù binh Phú Quốc. Ảnh: Do nhân vật cung cấp |
Về xóm Cùng, xã Thành Lợi (Vụ Bản), hỏi ai cũng biết về ông Vũ Trung Ấn, người cựu tù Phú Quốc kiên trung. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, có anh là liệt sĩ chống Pháp, tháng 4-1963, ông Ấn xung phong lên đường đánh giặc thuộc biên chế Trung đoàn 38, Sư đoàn 308, sau đó là chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc. Cuối năm 1966, Trung đoàn 174 được lệnh vào Nam, đến đầu năm 1967 vào đến Tây Nguyên. Trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, Trung đoàn 174 được lệnh đánh vào Thị trấn Tân Cảnh, huyện Đăk Tô do Trung đoàn 42, Sư đoàn 22 của nguỵ trấn giữ. Ông được giao nhiệm vụ trinh sát, rải truyền đơn kêu gọi địch đầu hàng. Sau khi chiếm được ấp Chí Đạo của Thị trấn Tân Cảnh, trung đội của ông gồm 7 người nhận nhiệm vụ chốt lại bảo vệ. Địch đưa xe tăng, pháo, máy bay quay lại tấn công khiến một số đồng chí hy sinh, riêng ông bị thương, bị địch bắt đưa ra trại tù Quy Nhơn. Đến tháng 5-1968 địch đưa ông ra giam giữ tại Trại giam tù binh Phú Quốc. Cũng như bao cựu tù nhân Phú Quốc khác, khi mới ra ông phải làm “thủ tục nhập trại” bằng một trận đòn “thừa sống, thiếu chết”. Ông Ấn nhớ nhất trận đòn vào khoảng 10h sáng ngày 2-9-1969, khi bọn quản ngục bất ngờ gọi ông lên tra hỏi. Bọn chúng bắt ông chào, ông không chào nên bị đánh tới tấp, lấy vồ đập gẫy 2 chiếc răng cửa rồi bắt ông nuốt cả máu lẫn răng vào bụng. Sau đó, chúng tiếp tục đánh bằng gối vào ngực đến khi ông thoi thóp chúng đưa vào chuồng cọp. Chuồng cọp làm lồng bằng thép, dài 1,4m, cao không quá 40 cm gây khó khăn cho người tù bởi luôn phải co chân, không xoay xở được người, được đặt giữa trời chịu ánh nắng thiêu đốt, một ngày chỉ có 2 bát cơm và ca nước. Thương ông, anh em tù nhân đã giấu dưới bát cơm một chút muối, con cá long hội nhỏ để ông có sức chịu đựng. Sau 7 ngày 7 đêm nằm ở chuồng cọp, chúng đưa ông vào phòng biệt giam 19 ngày đêm. Đến ngày 18-2-1973, sau gần 5 năm bị địch bắt, tù đày ông được trao trả trên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Sau khi an dưỡng tại Móng Cái (Quảng Ninh), ông trở về quê gắn bó với HTX Dệt Thành Lợi một thời gian rồi nghỉ hưu.
Qua chuyến đi thăm lại trại giam tù binh xưa, hai chiến sĩ kiên cường Ngô Duy Cuông và Vũ Trung Ấn cùng cảm thấy tự hào vì đã đóng góp vào trang sử hào hùng của dân tộc những dấu mốc oanh liệt. Cuộc sống đời thường dẫu còn khó khăn nhưng các ông luôn lạc quan, răn dạy con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với công sức, trí tuệ mà lớp lớp cha anh đã mang lại hoà bình, độc lập cho quê hương, đất nước hôm nay./.
Thanh Ngọc