Bác Hồ dự báo về ngày toàn thắng

09:04, 28/04/2015

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm được Người viết lâu nhất, từ năm 1965 đến 1969. Nhưng mỗi năm, Người chỉ dành một khoảng thời gian vào dịp sinh nhật, từ 10 đến 19-5, mỗi ngày một giờ đồng hồ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng để suy ngẫm, trăn trở, sửa lại, bổ sung… Quá trình đó thể hiện tâm nguyện, tình cảm, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong bản Di chúc được Người bắt đầu viết vào ngày 10-5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định niềm tin tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, dù vào thời điểm ấy, cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước đang trong giai đoạn vô cùng gay go, quyết liệt: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Trong bản Di chúc đề ngày 10-5-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán chính xác vấn đề mang tính vận mệnh dân tộc: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Những dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã trở thành hiện thực. Chỉ 6 năm sau khi bản Di chúc được công bố, năm 1975, dân tộc ta đã được ca khúc khải hoàn.

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh: TL
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh: TL

Xung quanh những dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có người cho rằng, dự báo đó chỉ là lời động viên “thuần tuý” của các nhà lãnh tụ, là “khẩu hiệu tuyên truyền” trong nhân dân trước cuộc chiến “không cân sức”, “không biết ngày nào ra”. Những quan điểm trên là hoàn toàn sai trái vì dự báo trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ một trí tuệ mẫn tiệp với tư duy khoa học, nhạy bén; từ việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm chắc và vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của phép biện chứng duy vật vào trong nhận định, đánh giá, giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam; dự báo khoa học ấy còn xuất phát từ niềm tin mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, vào truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của dân tộc, vào chân lý chính nghĩa sẽ chiến thắng bạo tàn.

Dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thể hiện một tầm nhìn chiến lược với một tư duy biện chứng luôn bám sát sự vận động của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu kể lại: Chiều 7-5-1954, sau khi nhận tin Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã lên xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có điều lạ là Người rất bình tĩnh nói với ông: “Đây chỉ là chiến thắng bước đầu. Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Không khéo ta phải đánh nhau với Mỹ còn lâu dài, gian khổ đấy!”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể về lần gặp Bác khi ông từ Tây Bắc về Việt Bắc sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bác đã nói với Đại tướng: “Thắng lợi tuy lớn nhưng chỉ bước đầu đấy!... Còn phải đánh Mỹ…”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn những công việc mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải làm sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, đó là “mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh”. Người cho rằng: “Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn… phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”. Để hàn gắn vết thương chiến tranh và tiến hành xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” và đầu tiên phải quan tâm đến con người. Từ những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu; các liệt sĩ; cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ); những chiến sĩ trẻ tuổi trong các LLVT nhân dân và thanh niên xung phong; những người phụ nữ cho đến những nạn nhân của chế độ xã hội cũ… Chủ tịch Hồ Chí Minh đều căn dặn Đảng, Nhà nước ta phải có những chính sách để động viên, giúp đỡ, bồi dưỡng, giáo dục và cải tạo họ.

40 năm trôi qua kể từ ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi. Việt Nam, Hoa Kỳ đã chủ trương “gác lại quá khứ”, quan hệ ngoại giao hai nước được cải thiện. Đất nước ta gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, những vết thương chiến tranh vẫn còn nhức nhối. Do vậy, Đảng, Nhà nước ta cần phải tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, quan tâm, giúp đỡ những người có công với cách mạng, những nạn nhân chất độc da cam; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” theo ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Nguyễn Đức Nhuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com