[links()]
Ngành y tế cũng tăng cường hoạt động khám và chữa bệnh cho nhân dân. Năm 1948, tỉnh đã thành lập các ban y tế xã, 8 trạm cứu thương, 30 nhà hộ sinh (đã đỡ cho 2.384 sản phụ). Các huyện đều có phòng phát thuốc, đã phát thuốc cho hàng vạn lượt người bệnh, hàng năm tiêm chủng đậu cho nhân dân. Bệnh viện dân y tỉnh đã phân chia làm hai phân viện để tiện phục vụ nhân dân. Phân viện ở phía bắc tỉnh gồm 1 bác sĩ, 6 y tá, 6 hộ lý; phân viện ở phía nam tỉnh gồm 1 y sĩ, 10 y tá, 10 hộ lý. Năm 1948 bệnh viện đã chữa cho 1.740 người bệnh.
Ngành y tế đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ làm hộ sinh và vệ sinh phòng bệnh cho các cơ sở; tổ chức tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh; phát triển hội viên Hội Hồng thập tự...
Trong điều kiện kháng chiến, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay theo đời sống mới. Những hủ tục như đồng bóng, bói toán, nghiện ngập được xoá bỏ. Lối sinh hoạt xa hoa lãng phí trong việc tổ chức đám cưới, đám ma, lễ hội đã giảm hẳn. Đặc biệt mối quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng thân thương, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Tất cả đều hướng tới mục tiêu kháng chiến mau thắng lợi và tuyệt đối tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Những kết quả trên đây đã làm cho đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân trong tỉnh được cải thiện từng bước trong quá trình kháng chiến và kiến quốc, động viên mọi người hăng hái sản xuất và phục vụ chiến đấu.
Chính quyền dân chủ nhân dân và Mặt trận dân tộc thống nhất ngày càng được củng cố và phát triển trên nền tảng công nông liên minh vững chắc. Uy tín của chính quyền nhân dân và Mặt trận dân tộc thống nhất ngày càng ăn sâu và lan rộng trong quần chúng nhân dân, kể cả trong vùng đồng bào theo đạo Thiên Chúa và vùng địch tạm chiếm. Nhiều xã ở vùng địch hậu cũng đã có cơ sở chính quyền tại khắp các thôn xóm. Tháng 10-1949, thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc được tách thành hai đơn vị riêng cho phù hợp với thực tiễn địa phương lúc đó. Ở thành phố, Ban cán sự Đảng và Uỷ ban Kháng chiến hành chính được thành lập và có cơ sở chính quyền tại các khu phố. Huyện uỷ Mỹ Lộc và uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Mỹ Lộc cũng được thành lập.
Trong hoàn cảnh chiến đấu gay go và phức tạp, Đảng bộ các cấp càng hết sức chú trọng tới công tác xây dựng Đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực. Chủ trương xây dựng Đảng thành một đảng quần chúng mạnh mẽ được Đảng bộ Nam Định tích cực thực hiện. Trong năm 1948, lực lượng Đảng phát triển khá nhanh, từ 1.010 đảng viên lên 5.304 đảng viên. Toàn tỉnh có 206 chi bộ Đảng (165 chi bộ xã). Số lượng uỷ viên các Ban Huyện uỷ cũng tăng gần gấp đôi so với năm 1947. Tỉnh uỷ đã mở 7 lớp huấn luyện cho 306 Huyện uỷ viên và cán bộ Việt Minh, 2 lớp cho 103 bí thư chi bộ và 32 lớp cho 1.186 đảng viên. Tính đến hết năm 1949, số lượng đảng viên toàn tỉnh đã lên tới 12.328 đồng chí, gồm phần lớn là công nhân, nông dân, tiểu tư sản đã được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu và sản xuất. Đảng bộ đã xây dựng được cơ sở Đảng ở hầu hết các vùng nông thôn, trong các đơn vị bộ đội, trong các cơ quan, xí nghiệp và cả trong vùng sau lưng địch. Các cơ quan quân, dân, chính đều có đảng viên giữ vai trò chủ chốt.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo cán bộ được chú trọng. Đảng bộ đã quán triệt sâu sắc các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong cán bộ, đảng viên và phổ biến rộng rãi cho quần chúng thông suốt; tiến hành cuộc vận động tổng kiểm thảo trong toàn Đảng bộ, qua đó giúp cấp uỷ hiểu thêm tình hình tư tưởng, tinh thần ý thức của đảng viên, nâng cao phê bình, tự phê bình. Trong năm 1949, Đảng bộ đã có 8.840 đồng chí đi học các lớp huấn luyện.
Bên cạnh những nỗ lực cố gắng trong công tác xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu của kháng chiến, Đảng bộ cũng có những lệch lạc cần phải được khắc phục, nhất là trong việc phát triển Đảng, chưa nhấn mạnh phương hướng giai cấp và tiêu chuẩn kết nạp đảng viên. Nhiều địa phương thi đua phát triển Đảng một cách ồ ạt, sao cho đủ mức giao và thời gian quy định, do đó thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu thận trọng cân nhắc khi xem xét đối tượng kết nạp, không đảm bảo tiêu chuẩn, thủ tục và việc củng cố chưa kịp với đà phát triển. Một số nơi còn kết nạp đảng viên theo kiểu cảm tình, nể nang, lôi kéo bạn bè, họ hàng vào Đảng; thậm chí kết nạp nhầm cả những phần tử xấu.
Trước tình hình đó, Đảng bộ đã có biện pháp uốn nắn và chỉ đạo các cấp uỷ Đảng thực hiện kế hoạch Hai tháng củng cố Đảng của Liên khu uỷ đề ra. Đến tháng 9-1950, Trung ương Đảng có quyết định ngừng phát triển Đảng để tiến hành củng cố.
Bốn năm, kể từ tháng 9-1945 đến tháng 10-1949, trong điều kiện hết sức khẩn trương vừa xây dựng và củng cố chính quyển dân chủ nhân dân, vừa tiến hành kháng chiến và xây dựng hậu phương vững mạnh, Đảng bộ, quân và dân Nam Định đã có những bước tiến vượt bậc. Lực lượng kháng chiến ngày càng phát triển và củng cố. Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ngày càng được đẩy mạnh. Đảng bộ đã nắm vững phương châm chỉ đạo chiến tranh và vận dụng một cách linh hoạt trong điều kiện thực tế ở địa phương. Ở vùng địch tạm chiếm, chủ trương của Đảng bộ là duy trì, giữ vững cơ sở, phát động nhân dân đấu tranh kinh tế, chính trị với địch, tiến lên diệt tề trừ gian, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, phát động chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Tại vùng tự do, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân xây dựng hậu phương toàn diện và vững chắc, làm hậu thuẫn thúc đẩy kháng chiến tiến lên. Đó là cơ sở có tính chất quyết định đối với cuộc kháng chiến lâu dài.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Tuy còn có những thiếu sót khuyết điểm trong việc phát triển Đảng nhưng với đội ngũ đảng viên đông đảo trên các lĩnh vực công tác đã đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của Đảng bộ đối với công cuộc kháng chiến và kiến quốc ở địa phương.
Công việc chuẩn bị chống địch chiếm đóng Nam Định theo chỉ thị của Liên Khu uỷ được xúc tiến, nhưng do nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, còn chủ quan, đánh giá quá thấp khả năng của địch nên công tác chỉ đạo chuẩn bị thiếu khẩn trương và cụ thể. Đó là một tồn tại, thiếu sót lớn, ảnh hưởng một phần tới phong trào sau này.
(Còn nữa)