Kiên trì cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện (Từ 1-1948 đến 10-1949) - Kỳ 4

07:03, 10/03/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 20-8-1949 về mua thóc gạo khao quân nhân ngày Quốc khánh 2-9-1949, toàn tỉnh đã bán 1.333,083 tấn gạo vượt mức trên 30% (mức khu giao là 1.000 tấn). Các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên, Trực Ninh bán vượt 50% mức tỉnh giao. Trong các công xưởng, công nhân hăng hái sửa chữa vũ khí và sản xuất được nhiều mìn, lựu đạn trang bị cho dân quân du kích và bộ đội đánh giặc. Thông qua những việc làm cụ thể đó, Đảng bộ đã giáo dục tinh thần yêu nước và động viên mọi người tham gia công tác kháng chiến một cách thiết thực.

    Đảng bộ rất chú trọng tới việc xây dựng hậu phương, chăm lo bồi dưỡng sức dân, tiếp tục thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ như thực hiện giảm tô, giảm tức, tạm giao, tạm cấp ruộng đất của Việt gian cho những hộ nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng đất để cày cấy. Kỳ giảm tô vụ chiêm năm 1949, toàn tỉnh có 12.530 mẫu ruộng của địa chủ cho cấy tô thì 8.670 mẫu đã giảm đúng 25%; 2.707 mẫu mới giảm từ 15 đến 20%. Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh quyết định giao 3.000 mẫu ruộng đất của Vũ Ngọc Hoánh ở đồn điền Xuân Thuỷ cho nông dân cày cấy. Có nơi chi bộ còn lãnh đạo nông dân theo đạo Thiên Chúa đấu tranh buộc Nhà chung phải trả 113 mẫu ruộng đất công chiếm đoạt trái phép chia cho nông dân cày cấy. Chính quyền thực hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi cho các gia đình quân nhân, thương binh, liệt sĩ được hưởng phần ruộng gấp đôi so với người khác.

    Từ phong trào thi đua ái quốc, Đảng bộ đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự cấp, tự túc. Hai vụ lúa chiêm, mùa năm 1948 đều khá tốt, bình quân mỗi mẫu thu hoạch 6 tạ một vụ, đưa tổng sản lượng năm 1948 lên 227.000 tấn thóc (năm 1947 là 222.000 tấn), về hoa màu và cây công nghiệp cũng cho thu hoạch khá, riêng cây bông phát triển mạnh. Năm 1947 có 420 mẫu bông, năm 1948 phát triển lên tới 2.947 mẫu, thu hoạch tăng từ 11 tấn bông năm 1947 lên 150 tấn bông năm 1948. Sản xuất muối được mở mang thêm, sản lượng muối tăng nhiều, đồng thời giá muối được nâng từ 35 đồng lên đến 75 đồng một gạt (24 kg) đã đáp ứng yêu cầu lớn cho kháng chiến.

    Công nghiệp và thủ công nghiệp cũng được đẩy mạnh như nghề kéo sợi, dệt vải, dệt lụa ở Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; nghề làm giấy, thuỷ tinh, thuộc da, đúc gang đồng, làm ngòi bút ở Ý Yên, Hải Hậu, Trực Ninh đã sản xuất được nhiều mặt hàng đáp ứng yêu cầu về đời sống, sinh hoạt và học tập của quần chúng, phục vụ cho sản xuất và chiến đấu.

    Lưu thông buôn bán ở vùng tự do vẫn sầm uất, nhộn nhịp, nhất là các chợ lớn ở Cổ Lễ, Cồn, Đông Biên. Các mặt hàng nội hoá chiếm đại bộ phận trên thị trường. Phong trào hợp tác hoá cũng phát triển. Đến tháng 10-1949, toàn tỉnh đã có 38 tổ chức hợp tác xã về sản xuất, tiêu thụ, tín dụng.

    Đi đôi với việc xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc và khuyến khích hàng nội hoá, công tác bao vây kinh tế địch cũng được đẩy mạnh. Trong năm 1949 đã tịch thu 1.134 tấn hàng ngoại hoá các loại, trị giá trên 40 vạn đồng Đông Dương, đảm bảo cho hàng nội hoá phát triển, về tài chính, ta tích cực vận động nhân dân tiêu tiền Việt Nam bằng cách thu bớt số lượng đồng tiền Đông Dương trên thị trường.

    Thực hiện chủ trương phá kinh tế địch, anh chị em công nhân đã bằng mọi cách để phá hoại máy móc, nguyên vật liệu của địch. Đặc biệt, công nhân Nhà máy sợi trong dịp hưởng ứng tuần lễ tổng phá tề toàn Liên khu cuối tháng 12- 1948 đã phối hợp với lực lượng vũ trang tổ chức phá 76 máy dệt, 500 con suốt, 2 thùng vải (100 tấm), làm gãy 2 trục của 2 công tơ điện, đổ axít vào môtơ điện. Song, trong công tác phá hoại kinh tế địch, Huyện uỷ Thành Mỹ có chủ trương sai lầm là đã vận động 400 công nhân Nhà máy sợi bỏ việc ra vùng tự do để nhà máy phải ngừng sản xuất. Chủ trương này thất bại vì chủ nhà máy đã tuyển ngay thợ mới và tiếp tục sản xuất, ngược lại, đời sống của anh chị em bỏ việc gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới việc xây dựng cơ sở của ta ở nhà máy cũng như ở nội thành. Tỉnh uỷ đã có chủ trương uốn nắn và đề ra những biện pháp để bảo vệ phong trào, phục hồi cơ sở và ổn định đời sống cho số anh chị em công nhân này.

    Trên mặt trận văn hoá, giáo dục, trong những năm 1948 - 1949 cũng đạt được những thành tích đáng kể. Phong trào bình dân học vụ tiếp tục phát triển mạnh. Đến tháng 10- 1949, toàn tỉnh đã có 250.908 người thoát nạn mù chữ. Các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu đã thanh toán được 80% số người mù chữ. Nhiều lớp bình dân học vụ cũng được mở ra để tiếp tục nâng cao trình độ cho nhân dân. Nền giáo dục phổ thông được chú trọng chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển. Toàn tỉnh có 341 trường tiểu học với 16.789 học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp năm học 1948-1949 có 1.824 thí sinh (tăng so với năm học trước là 781) đã trúng tuyển 1.392 em. Ngoài trường Trung học Nguyễn Khuyến đã có thêm sáu trường tư thục: Nguyễn Trường Tộ, Nam Hải (Hải Hậu); Nội Hoàng, Trí Thành, Trung học Ý Yên (Ý Yên); Quang Trung (Xuân Trường). Đội ngũ giáo viên trung học có 24 giáo viên và số học sinh có 620 em. Kỳ thi tốt nghiệp năm học 1948-1949 có 45 thí sinh, trúng tuyển 31 em. Đảng bộ còn phát động đấu tranh chống văn hoá nô dịch đồi trụy của địch trong vùng tạm chiếm và đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống mới ở vùng chưa bị địch kiểm soát.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com