[links()]
(Tiếp theo)
Hỗ trợ cho lực lượng vũ trang địa phương, bộ đội chủ lực đã mở nhiều trận tiến công các vị trí đạt nhiều kết quả như trận tập kích vị trí Man (Vụ Bản) vào đêm ngày 25-3, giết 9 tên địch; tiến công tất cả các vị trí địch tại Nam Trực đêm 10-8, làm chủ chiến trường suốt ngày 11-8, tiêu diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí, phá hoại đường sắt, cầu cống trên đường 21 và 55 làm gián đoạn giao thông địch. Cũng trong ngày 11-8-1948, Đại đội 77 đánh mìn trên đường 21 làm chết tên quan tư Têriu. Khi địch đem 400 quân nhảy dù xuống núi Bô (Ý Yên) ngày 10-12-1948 nhằm tiêu diệt chủ lực, phá kho xăng, công binh xưởng, chúng đã bị Tiểu đoàn 69 (thuộc Trung đoàn 34) cùng quân dân du kích chặn đánh, diệt trên 100 tên và buộc phải rút lui.
Chiến tranh nhân dân phát triển ngày càng phong phú, nhất là qua hai kỳ thi đua luyện quân lập công. Trình độ chiến thuật, kỹ thuật của bộ đội địa phương và dân quân du kích được nâng cao. Ngoài những hoạt động quấy rối hằng ngày, du kích còn có các trận đánh mìn, phục kích ở Đỗ Xá (Nam Trực), Trình Xuyên, Tân Cốc (Vụ Bản), Ngã sáu Năng Tĩnh (nội thành Nam Định). Từ tháng 6 đến tháng 12-1948, dân quân du kích đã tổ chức đánh 110 trận, trong đó có 51 lần quấy rối, 21 lần phục kích, 19 trận đột kích, 19 trận diệt tề trừ gian; phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công địch 18 trận.
Đội du kích Hồng Phong, huyện Nghĩa Hưng trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954) |
Đánh giá về phong trào dân quân du kích Nam Định, Bộ tư lệnh Liên khu III đã nhận xét: "Đặc biệt nhất có tỉnh Nam Định, tuy không có điều kiện đánh xe lửa... nhưng đứng về mặt hoạt động, Nam Định được xếp hạng nhì trong Liên khu, đặc biệt chiến thuật quấy rối là chiến thuật sở trường nhất của dân quân du kích Nam Định".
Đầu năm 1949, Tỉnh uỷ mở Hội nghị tổng kết kinh nghiệm công tác vùng địch và đã đề ra chủ trương tích cực xây dựng lực lượng tự vệ và du kích, đẩy mạnh hoạt động vũ trang trong lòng địch, thực hiện khẩu hiệu bám lấy giặc đánh giặc, tích cực xây dựng cơ sở, xúc tiến bao vây vị trí, tiến tới đánh mạnh vào nội thành, đồng thời đề cao và giữ vững chính quyền ta.
Tiếp theo đó, Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng tháng 3-1949 đã đề ra chủ trương chuyển hướng mọi mặt hoạt động theo yêu cầu tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công. Hội nghị đại biểu toàn tỉnh lần thứ IV (7-1949) đã đề ra nhiệm vụ chú trọng củng cố Đảng hơn là phát triển; xây dựng Mặt trận, phát triển phong trào vùng địch tạm chiếm và vùng đồng bào theo đạo; dân chủ hoá và cách mạng hoá bộ máy chính quyền; kiện toàn du kích tập trung, phát triển du kích xã; phối hợp tranh đấu mọi mặt; động viên phong trào thi đua lập thành tích. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 15 uỷ viên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm năm đồng chí do đồng chí Trần Xuân Bách làm Bí thư.
Nhằm tăng cường sự chỉ đạo đẩy mạnh phong trào kháng chiến tiến lên một bước mới, Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng tháng 8-1949 đề ra cuộc vận động lớn nhằm tích cực động viên rèn luyện cán bộ, giáo dục đảng viên; đẩy mạnh phong trào cải cách hương thôn; xúc tiến việc thanh toán nạn mù chữ; phát động phong trào thi đua lập thành tích.
Từ cuối năm 1947, một số huyện ở Nam Định đã tổ chức các nhóm Nghiên cứu chủ nghĩa Mác (do Ban Tuyên huấn phụ trách) để tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền đưòng lối, chủ trương kháng chiến của Đảng trong quần chúng. Trước tình hình nhiệm vụ mới, tháng 9- 1949 tỉnh và các huyện thành lập các Phân hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Một số xã tổ chức được các chi hội. Hoạt động của các phân, chi hội đến hết năm 1949 đã tổ chức được 45 cuộc nói chuyện cho 15.925 lượt người tới dự. Phân hội của tỉnh còn ra tờ báo chuyên đề tuyên truyền chủ nghĩa Mác và xuất bản hai cuốn sách Cộng sản là gì? và Nhiệm vụ của nông dân (mỗi cuốn in 2.000 bản). Việc phát hành sách, báo và những buổi nói chuyện rộng rãi của Hội đã sơ lược giới thiệu về chủ nghĩa Mác và tuyên truyền về vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ và để phối hợp với các chiến dịch trong toàn quốc, quân dân Nam Định đã hăng hái thi đua giết giặc lập công. Những hoạt động du kích như quấy rối, phục kích, đột kích các vị trí địch, đánh địa lôi trên các đường giao thông phát triển mạnh mẽ. Đồng thời quân dân ta mở nhiều trận tập kích, kết hợp với công tác vận động binh lính địch, tiêu diệt các vị trí An Thuần (Nam Trực, 2- 1949), Đồn Thự (Nam Trực, 6-1949), vị trí Dương A (Nam Trực, 6-1949) phục kích ở Dốc Mai, chợ Viềng (Mỹ Lộc, 20-8- 1949) diệt 50 tên, phá huỷ 2 xe tải, thu 1 đại liên, 1 trung liên. Đặc biệt đơn vị Đề Thám (Đội Tuyên truyền vũ trang của tỉnh) đã hai lần đánh địch ở nội thành Nam Định, gây ảnh hưởng lớn trong nhân dân thành phố.
(Còn nữa)