Chống địch mở rộng chiếm đóng trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển chiến tranh du kích (Kỳ 5)

07:03, 30/03/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Tại thành phố Nam Định, Thành uỷ bố trí một số cán bộ xen với dân hồi cư trở về, xây dựng được chi bộ ở cả bốn khu phố. Trong Nhà máy sợi Nam Định, Chi bộ Hà Huy Tập đã phát triển số đảng viên lên tới 90 đồng chí, tổ chức công đoàn có tới 900 đoàn viên.

    Đây là lúc các huyện phía nam tỉnh tập trung vào nhiệm vụ khôi phục cơ sở thì ở vùng tạm chiếm cũ cơ sở chính trị đã ổn định và được củng cố, ta có điều kiện trấn áp nguỵ quyền, hạ uy thế của chúng trong nhân dân. Nguỵ quyền nhiều xã thuộc huyện Mỹ Lộc tê liệt dần. Chính quyền ta ở những vùng này tuy hoạt động bí mật nhưng có ảnh hưởng lớn, do đó ta đã có thể đẩy phong trào đấu tranh chính trị và quân sự lên bước mới. Huyện Nam Trực đã phát động quần chúng đấu tranh chống đi phu, chống nộp tre, gỗ làm bốt; không chịu chụp ảnh, làm giấy thông hành; kiện tề, kiện bảo an khi chúng đàn áp cướp bóc. Bộ đội địa phương huyện Mỹ Lộc đã đột nhập vị trí Tuộc (Phú Ốc) diệt địch, cướp súng phá vị trí địch.

Đại hội luyện quân lập công lần thứ hai của Trung đoàn Tất Thắng, tại huyện Hải Hậu, năm 1949
Đại hội luyện quân lập công lần thứ hai của Trung đoàn Tất Thắng, tại huyện Hải Hậu, năm 1949

    Thiết thực chuẩn bị cho tổng phản công và chống địch mở rộng đánh chiếm khu tự do còn lại, Tỉnh uỷ Nam Định đã chú ý củng cố và phát triển lực lượng vũ trang. Trước đây bộ đội địa phương tỉnh có hai đại đội (C26 và C91) nay đã xây dựng thêm một đại đội (C33). Ở ba huyện phía bắc tỉnh Nam Định và huyện Nam Trực, mỗi huyện đã phát triển từ một trung đội lên ba trung đội bộ đội địa phương. Lực lượng du kích tăng lên gấp rưỡi so với cuối năm 1949. Ở vùng tạm chiếm, hầu hết thôn lương đã có các đội du kích, thành phố Nam Định cũng xây dựng được ba đội tự vệ bí mật.

    Ngoài việc tăng cường và kiện toàn lực lượng vũ trang, các Đảng bộ từ huyện đến xã đã tiến hành một đợt kiểm điểm sâu sắc, chống tư tưởng cầu an, xác lập tinh thần quyết chiến. Các đội tuyên truyền vũ trang được thành lập và xác định hướng hoạt động chính là vùng Thiên Chúa giáo và nhiệm vụ chính là tuyên truyền giáo dục chính sách trong quần chúng giáo dân; cô lập bọn phản động, hạn chế việc cấu kết với giặc của chúng. Các huyện uỷ viên, cán bộ các ngành, giới, bộ đội địa phương được phân công về các xã để nắm chắc cơ sở và trực tiếp chỉ đạo chiến đấu khi địa bàn bị địch chia cắt.

    Sau Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng, Hội nghị cán bộ Liên khu uỷ III tháng 3-1950 đã đề ra hai nhiệm vụ lớn cho toàn Liên khu là: Tích cực chống âm mưu chiếm đóng đồng bằng của địch; gấp rút cùng nhân dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Ngày 1-5-1950, Tỉnh uỷ Nam Định đã mở Hội nghị cán bộ. Sau khi kiểm điểm những thắng lợi và những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết ngày 6-1-1950 của Tỉnh uỷ, Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cơ bản cho toàn tỉnh là: "Phá cho bằng được âm mưu lợi dụng công giáo của giặc, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, tích cực hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công". Hội nghị thông qua Nghị quyết về những mặt công tác quan trọng: công tác giáo vận; xây dựng căn cứ vùng địch hậu; chuẩn bị chiến trường; xây dựng chi bộ lãnh đạo chiến tranh nhân dân.

    Nhiệm vụ xây dựng Đảng đã gắn liền việc xây dựng chi bộ cơ sở với nhiệm vụ chính trị trung tâm lúc đó là lãnh đạo chiến tranh nhân dân. Để tạo điều kiện phát triển, Nghị quyết xác định chi bộ phải hết sức quan tâm giữ vững khối đoàn kết toàn dân; phục hồi, củng cố các cấp chính quyền, các đơn vị vũ trang và nửa vũ trang, các tổ chức quần chúng; các chi bộ phải được kiện toàn về mặt tổ chức, nâng cao về mặt tư tưởng, phải được rèn luyện, thử thách qua đấu tranh.

    Hội nghị ngày 1-5-1950 còn nghiêm khắc phê phán những tư tưởng hữu khuynh, sợ địch như: chạy dài, không dám trở về hoạt động vùng địch, hoặc ra trình diện với giặc; không dám phá tề... Những biểu hiện của tư tưởng chủ quan, khinh địch như hoạt động lộ liễu, công khai, quan hệ bừa bãi với tề... những biểu hiện thoái hoá về mặt phẩm chất đạo đức như tham ô, hủ hoá, buôn lậu... Hội nghị đã chỉ ra biện pháp khắc phục trên cơ sở nâng cao ý thức Đảng, ý thức giai cấp, quan điểm quần chúng cho toàn Đảng bộ mà tiến hành đấu tranh tư tưỏng; phải nắm vững quyền lãnh đạo tập trung của các cấp uỷ Đảng mà khuyến khích tính chủ động của mỗi cá nhân; phải thực hiện dân chủ đi đôi với đề cao kỷ luật; biết động viên lòng quả cảm, hy sinh của cán bộ đảng viên, đồng thời coi trọng việc bảo vệ cán bộ.

    Ngày 16-1-1950, địch thọc ra Vụ Bản, đánh Bất Di, núi Gôi; càn quét lập tề ở Báng Già (Kim Thái), Côi Sơn (Thanh Côi), Phú Thứ (Tam Hào), Hổ Sơn, Đại Lại (Vĩnh Hào) thiết lập vành đai an toàn bảo vệ Gôi, một cao điểm đồng thời là trận địa pháo rất lợi hại.

    Ngày 29-4-1950, địch mở chiến dịch Đavít 2 từ thành phố Nam Định theo sông Đáy và đường 10, chiếm thị xã Ninh Bình, chốt một số vị trí mới trên đường 10 và sông Đáy. Từ các vị trí này, địch tung quân ra càn quét các thôn xóm xung quanh, luồn chỉ điểm vào vùng tự do để dò xét.

    Cùng ngày đánh chiếm thị xã Ninh Bình, tại Nam Định, địch mở cuộc hành quân Đavít 3 đánh chiếm ba huyện phía bắc tỉnh (chủ yếu là huyện Ý Yên). Từ thành phố Nam Định, chúng cho một cánh quân xuống đánh chiếm huyện Ý Yên. Một mũi khác gồm 1 tàu chiến, 2 ca nô chở quân ngược sông Đáy đổ bộ đánh chiếm Ứng Uy, Yên Khang (Yên Khánh, Ninh Bình) làm chỗ đứng chân rồi toả ra càn quét miền hạ Ý Yên, đóng một loạt vị trí tại cầu Tào, Yên Ninh - Cát Đằng, Yên Tiến - Đinh Tuần, Yên Bằng và Vĩnh Trị - Yên Trị, hình thành hành lang bảo vệ đường 10, nối liền thành phố Nam Định với thị xã Ninh Bình.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com