Chống địch mở rộng chiếm đóng trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển chiến tranh du kích (Kỳ 4)

06:03, 26/03/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngay sau khi các huyện phía nam tỉnh bị tạm chiếm, các đảng phái phản động trước đây đã có cơ sở ở vùng này như Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt duy dân - lại ngóc đầu dậy câu kết với giặc. Nhưng nguy hiểm hơn là bọn Liên hiệp dân chúng, một đảng phái do bọn phản động Thiên Chúa giáo lập ra, có khuynh hướng thân Mỹ. Khi cải tổ nguỵ quyền, bọn phản động đội lốt tu sĩ vì quá lộ liễu phải rút vào bí mật thì bọn Liên hiệp dân chúng luồn vào mọi vị trí chủ chốt trong nguỵ quyền các cấp. Chúng tiến hành chiến tranh tâm lý, gây ảo tưởng là chúng có chỗ dựa vững chắc là đế quốc Mỹ. Súng đạn của bọn can thiệp Mỹ đã tăng thêm sức mạnh cho giặc Pháp sát hại nhân dân. Các loại văn hoá phẩm phản động của chúng lại tiếp tay cho giặc Pháp đầu độc thanh niên.

    Trước tình thế rất khó khăn và cấp bách đó, Tỉnh uỷ Nam Định đã họp mở rộng ở Tiêu Bảng (xã Yên Sơn, huyện Ý Yên) ra Nghị quyết ngày 6-1-1950 với ba nhiệm vụ:

    - Gấp rút phục hồi và phát triển các tổ chức Đảng, chính quyền và quần chúng trong vùng tạm chiếm (ở vùng mới tạm chiếm thì căn bản là phục hồi).

    - Chống phá âm mưu bình định vùng lấn chiếm của địch, đả phá những luận điệu phản tuyên truyền, chống tuyển mộ nguỵ binh, phá tề, phá các tổ chức phản động, tranh thủ giáo dân, phá âm mưu lợi dụng đạo Thiên Chúa giáo của địch.

    - Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát triển các lực lượng vũ trang, "quân sự hoá Đảng" tăng cưòng địch vận, đẩy mạnh đấu tranh ở vùng địch hậu, cải thiện đời sông nhân dân, đào tạo cán bộ cho tổng phản công. Các chi bộ Đảng phải tự động hoạt động; tập trung lãnh đạo các tổ chức Đảng và quần chúng.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ phục hồi cơ sở vùng mới bị địch tạm chiếm, hội nghị đề ra một số biện pháp cụ thể:

    - Lập ở mỗi huyện một trung đội tuyên truyền vũ trang, thành phần của đội này gồm các cán bộ quân dân chính Đảng và một số bộ đội địa phương. Nhiệm vụ của đội là đi sâu vào các thôn xóm tuyên truyền, giáo dục quần chúng, chắp nối và gây lại các cơ sở đã bị đứt liên lạc, trừng trị những tên tay sai của giặc có nhiều tội ác.

    - Nhân lúc quần chúng hồi cư đông, cán bộ, đảng viên, du kích phải trở về bám đất, bám dân. Trong ba tháng đảng viên phải về hết.

    Trong Hội nghị này, Tỉnh uỷ còn phổ biến kinh nghiệm công tác địch hậu, thảo luận kế hoạch thành lập những đội tuyên truyền vũ trang và tổ chức đưa cán bộ, đảng viên, du kích trở lại vùng tạm chiếm. Ngay sau đó, Nghị quyết Tỉnh uỷ ngày 6-1-1950 được truyền đạt sâu rộng tới các đảng viên.

    Cùng trong thời gian này, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Liên Xô (cũ) và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu lần lượt công nhận nước ta và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Vòng vây của chủ nghĩa đế quốc đối với nước ta đã bị đập tan. Thắng lợi về mặt ngoại giao cùng với thắng lợi quân sự dồn dập trên các chiến trường toàn quốc đã tiếp thêm niềm phấn khởi lạc quan cho Đảng bộ và quân dân trong tỉnh. Những điều kiện đó đã góp phần thuận lợi cho các Huyện uỷ, các chi bộ tiến hành đấu tranh tư tưởng mạnh mẽ từ trong Đảng ra ngoài quần chúng, đả phá tư tưởng hữu khuynh, cầu an; đề cao dũng khí chiến đấu, quyết tâm bám đất, bám dân và động viên cán bộ, đảng viên trở về vùng sau lưng địch. Đồng thời huấn luyện cho họ phương pháp công tác vùng địch hậu. Nhân lúc địch chiêu hồi dân chúng hồi cư, nguỵ quyền còn chưa ổn định, cán bộ, đảng viên, du kích đã lần lượt trở về. Một số đồng chí đã hy sinh ngay trên đường trở lại vùng địch hậu.

    Chỉ trong một thời gian ngắn, phần lớn huyện uỷ viên, 90% cán bộ, đảng viên vùng bị địch tạm chiếm đã lần lượt trở về. Muôn vàn khó khăn, gian khổ đã đến với những người cán bộ hoạt động địch hậu: đói khát, rét mướt, ăn hầm, ở bụi, bị bắt bớ, tra tấn, tù đày và hy sinh cũng không ít. Nhưng với tinh thần tất cả vì Đảng, vì dân, khó khăn không từ, gian nan không nản, các đồng chí đã kiên trì lặn lội giành giật với địch từng quần chúng, sống và hoạt động trong lòng địch, phần lớn đảng viên vẫn giữ vững tinh thần cách mạng. Chi bộ Liên Phương (Hải Hậu) mất liên lạc với cấp trên một thời gian vẫn sinh hoạt đều, lãnh đạo duy trì các tổ chức quần chúng và vạch chủ trương đối phó với tề. Chi bộ Việt Nhân (Trực Ninh) vừa phục hồi đã phát động quần chúng đấu tranh chống thuế. Đồng bào lương cũng như giáo ngày càng thấy rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, bộ mặt phản động của bọn tay sai, đồng thời hiểu rõ mục đích kháng chiến vì dân, do Đảng ta lãnh đạo, nên sẵn sàng chịu đựng hy sinh gian khổ, ủng hộ cách mạng. Vì vậy, khi cán bộ, đảng viên trở về, chỉ trong hai, ba tháng các cơ sở kháng chiến dần dần được khôi phục ở hầu hết các thôn lương. Đầu tiên là tổ chức Đảng và du kích. Nơi phục hồi nhanh là huyện Xuân Trường rồi đến Nam Trực, Trực Ninh, miền trung huyện Nghĩa Hưng. Khó khăn nhất là ở huyện Giao Thuỷ, do hậu quả những sai lầm của ta đối phó với bọn phản động khi địch mới đánh chiếm các huyện phía nam tỉnh.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com