[links()]
(Tiếp theo)
Từ ngày 16-10 đến ngày 25-11-1949, bộ đội địa phương Giao Thuỷ và dân quân du kích xã đã đánh 31 trận chặn địch hành quân, 25 trận quấy rối vị trí địch, trong đó có những trận đánh tiêu diệt như trận Hoành Nha (29-10), trận Hải Yến (12-11), Kiên Lâm (17-11).
Hỗ trợ cho cuộc chiến đấu của quân dân sáu huyện phía nam, chi bộ công nhân Nhà máy sợi Nam Định đã tổ chức ném lựu đạn, phá vỡ cuộc mít tinh đón tên đầu sở nguỵ quyền Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí. Bộ đội chủ lực, tự vệ thành phố Nam Định tổ chức các trận tập kích và bắn pháo vào các vị trí địch ở nội thành trong hai đêm 8 và 9-11, gây cho địch nhiều thiệt hại, buộc chúng phải rút một bộ phận quân cơ động về bảo vệ thành phố.
Sau hai tháng dũng cảm chiến đấu chống cuộc hành binh Ăngtơraxit, quân dân Nam Định đã giết và làm bị thương trên 1.000 tên địch, bắt sống 20 tên, thu và phá huỷ một số vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.
Tuy nhiên, do lực lượng quân sự của ta còn yếu, nên chưa có những trận đánh lớn, chưa ngăn chặn có hiệu quả các mũi tiến công của chúng. Công tác nghiên cứu nắm tình hình địch của ta còn thiếu sót nên đã đánh giá không đúng âm mưu, thủ đoạn và khả năng tác chiến của chúng; công việc chuẩn bị còn nhiều lúng túng và thiếu toàn diện. Khi nhận được Chỉ thị của Liên khu uỷ về chuẩn bị chiến dịch Thu - Đông, đề phòng địch đánh ra vùng tự do, các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện, đều họp bàn kế hoạch thực hiện, song công việc chưa kịp triển khai tới cơ sở, kế hoạch tác chiến còn thiếu cụ thể, không được tập luyện trên thực địa thì địch đã bất ngờ đánh tới gây nên một số thiệt hại ở địa phương.
Giải phóng bốt Vô Tình, huyện Trực Ninh, năm 1952. |
Mặt khác, do nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương chuẩn bị tổng phản công của Trung ương, trong chỉ đạo đã nảy sinh tư tưởng chủ quan nên việc chuẩn bị chống lấn chiếm thiếu tích cực và cụ thể. Hội nghị Tỉnh uỷ Nam Định tháng 10-1949 còn đề ra chương trình sửa chữa đường sá, cải tổ hương thôn, xây dựng đời sống mới là trọng tâm công tác ở vùng tự do. Thậm chí, khi địch bắt đầu đánh Xuân Trường ta vẫn cho là địch chỉ quấy rối vùng tự do chứ không có khả năng chiếm đóng. Đến khi địch đổ bộ, chia cắt, đánh chiếm từng khu vực, đường liên lạc từ tỉnh tới cơ sở bị đứt thì rơi vào tình trạng bị động ngay từ đầu. Ta cũng chưa lường hết âm mưu lợi dụng đạo Thiên Chúa của địch nên thiếu kế hoạch đối phó toàn diện, không tranh thủ được giáo dân mà cũng không kịp thời trấn áp, kìm chế bọn phản động khiêu khích và mất phương hướng, có nơi tiến hành trấn áp tràn lan như ở Phú Ninh, Tân Khai (Giao Thuỷ) tạo điều kiện cho địch lợi dụng phản tuyên truyền, càng làm cho tình hình thêm phức tạp, khó khăn.
Trước tình hình đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng trước đây chủ quan nay chuyển sang hoang mang dao động. Phần lớn cơ quan tỉnh, huyện, xã, nhiều đơn vị bộ đội, khá đông cán bộ, đảng viên, du kích đều "bật" lên phía bắc tỉnh hoặc chạy sang Thái Bình. Nhiều kho muối, kho thóc khao quân, "thóc tổng phản công" của Nhà nước...; nhiều tài sản của nhân dân bị địch cướp phá, thiêu huỷ. Toàn bộ các huyện phía nam tỉnh trở thành vùng tạm chiếm của địch. Đầu tháng 1-1950, quân Pháp tập trung về thành phố Nam Định sửa soạn đánh Thái Bình. Một toán quân khác thọc ra chiếm núi Gôi, đóng ở Bất Di (Vụ Bản), mở rộng vùng tạm chiếm ra nhiều xã thuộc huyện Vụ Bản, phía bắc huyện Nghĩa Hưng, nhằm mở rộng vành đai phòng thủ thành phố, uy hiếp vùng tự do còn lại, chuẩn bị cho bước lấn chiếm sau này.
Ở phía nam tỉnh, địch chỉ đóng lại hai đồn lính Âu - Phi làm chỗ dựa cho 173 vị trí vệ sĩ và dõng vũ trang. Chúng đã lập được một hệ thống nguỵ quyền, nguỵ quân để tiếp tục bình định vùng mới tạm chiếm. Ở mỗi thôn xã có trung đội "tự vệ công giáo". Các ban chỉ huy "tự vệ công giáo" phần lớn do các tu sĩ phản động nắm giữ, thực chất là một kiểu nguỵ quyền - quân sự - công giáo. Chúng lập ra "khu công giáo tự trị Bùi Chu" do tên trùm phản động Phạm Ngọc Chi trực tiếp điều khiển. Được Pháp trang bị vũ khí, chúng bắt thanh niên công giáo lập ra tiểu đoàn tự lực 2, có nhiệm vụ cơ động trong toàn miền.
Nắm trong tay bộ máy đàn áp, bọn phản động ra sức càn quét, tàn sát rất dã man, hòng triệt phá tận gốc các cơ sở kháng chiến, xoá sạch ảnh hưởng của cách mạng, thực hiện công giáo hoá hoàn toàn địa bàn Bùi Chu. Một số tên phản động gian ác khoác áo thầy tu như Vũ Đức Khâm, Lương Huy Hân... đã trực tiếp chỉ huy những cuộc vây quét, tra tấn vô cùng man rợ những người bị bắt như: áp bàn là nung đỏ vào bụng, tẩm dầu vào chân đốt, buộc đá trôi sông... Riêng Vũ Đức Khâm đã giết 400 cán bộ, du kích và đồng bào ta, quẳng xác xuống Ngòi Cau (Hải Hậu). Nhiều nhà thờ như Lục Thuỷ, Kiên Lao, Phú Nhai, Bùi Chu... đã biến thành những nhà tù dã man của giặc, mỗi nơi giam từ 200 đến 400 người. Chúng tước bỏ mọi thành quả của cách mạng dân chủ, thu hồi phần công điền của phụ nữ được chia trong Cách mạng Tháng Tám; bắt nông dân phải hoàn lại cho địa chủ số tô đã giảm, thu lại các thứ thuế cách mạng đã bãi bỏ, tịch thu ruộng đất, tài sản của cán bộ, du kích. Chúng điên cuồng xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản, vu cáo Chính phủ ta phá đạo, khoét sâu thêm mối hận thù hiềm khích lương - giáo. Chúng thúc ép hàng ngàn giáo dân theo chúng cướp phá các làng của đồng bào bên lương; đốt phá chùa chiền, khủng bố dân lương, ép họ phải đi đạo. Tượng thần, tượng Phật bị chúng đập phá và thay vào đó là tượng Chúa; bắt sư nữ chùa Mới (Hải Hậu) phải bỏ áo cà sa khoác áo cô mụ. Chúng buộc cả thôn Thanh Khiết (Giao Thuỷ) phải theo đạo. Trong một thời gian ngắn "khu tự trị Bùi Chu" đã có 25.000 người bị bức phải tòng giáo. Chúng còn dùng roi vọt và súng đạn bắt hàng ngàn nông dân giáo và lương nai lưng đắp một con đường lớn từ dốc Trung Linh vào thẳng nhà thờ Phú Nhai. Cái tên "Đê ức" mà nhân dân đặt cho con đường ấy còn lưu truyền mãi mãi và là bằng chứng tố cáo tội ác tày trời của chúng.
(Còn nữa)