Trong những ngày cả nước sôi nổi kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng tôi đến Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, “địa chỉ đỏ” một thời vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nơi xuất xứ của danh xưng đầy tự hào “Thành phố Dệt Anh hùng”. Là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Nam Định, tinh thần và phong trào cách mạng đã được các thế hệ cán bộ, công nhân tiếp nối xứng đáng.
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh của dân tộc, cán bộ, công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định (tiền thân của Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng của hậu phương lớn phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Không những thế, địa bàn thành phố, đặc biệt là các nhà máy, xí nghiệp là những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ nên mỗi cán bộ, công nhân đồng thời là những chiến sĩ quả cảm sát cánh cùng lực lượng Quân đội chủ lực luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sản xuất, bảo vệ nhà máy. Công nhân Nhà máy sôi sục với các phong trào thi đua "Tay búa tay súng, tay thoi tay súng", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt"… Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ leo thang và lan nhanh tới Thành phố Nam Định, Nhà máy Liên hợp Dệt đã sơ tán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, chỉ để lại một phần ba máy móc và 4.610 cán bộ, nhân viên tiếp tục chiến đấu và sản xuất; tập trung xây dựng hàng loạt hệ thống hầm, giao thông hào, chuẩn bị công sự chiến đấu, kiện toàn đội tự vệ bắn máy bay, đội chữa cháy, cứu thương, tiếp tế và cả nhiệm vụ theo dõi những phần tử xấu trà trộn vào Nhà máy hòng phá hoại từ bên trong. Trong những năm tháng chiến đấu anh dũng này, lực lượng tự vệ của Nhà máy đã đánh thắng địch giòn giã và bảo vệ sản xuất. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong điều kiện thiết bị, nhà xưởng bị bom đạn tàn phá hư hỏng nhiều, lại thiếu lực lượng lao động, nhưng với khí thế thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, với phong trào dệt “10 triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt” năm nào Nhà máy cũng hoàn thành và vượt kế hoạch cả về sản phẩm và giá trị. Liên tục 3 năm (1973-1975), mỗi năm Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đều vượt kế hoạch từ 1 triệu đến 1,5 triệu mét vải và 18 nghìn tấm chăn kịp thời phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân cả trong tỉnh, ngoài tỉnh và phục vụ quốc phòng. Trong số hơn 4.000 công nhân ở lại nhà máy đã có gần 600 người được khen thưởng. Nhiều Anh hùng Lao động đã xuất hiện từ các phong trào thi đua trong bối cảnh đạn bom cam go, khốc liệt như Đào Thị Hào, Nguyễn Thị Thạc,… Không chỉ đóng góp trên mặt trận sản xuất, Nhà máy đã động viên hàng trăm cán bộ, công nhân nhập ngũ tham gia chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, bảo vệ Tổ quốc.
Sản xuất tại Cty CP Chăn len (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định). |
Kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả lao động, bước vào kinh tế thị trường với bao khó khăn thử thách như: sự xuống cấp của cơ sở vật chất do chiến tranh tàn phá, lực lượng cán bộ, công nhân viên chưa chuyển đổi kịp tư duy kinh tế khiến Nhà máy rơi vào khủng hoảng. Không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mà cả Trung ương và tỉnh đã trăn trở với những yêu cầu làm thế nào để ổn định sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho số lao động vốn đã gắn bó với Nhà máy, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với yêu cầu của thị trường, khôi phục lại mối quan hệ thương mại với những bạn hàng truyền thống, mở rộng thị trường… vực dậy Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định - biểu tượng kiêu hãnh của Thành phố Dệt Anh hùng. Một loạt các giải pháp hỗ trợ được triển khai tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn, đổi mới chiều sâu về chất của Nhà máy. Ngay sau khi cổ phần hóa, Tổng Cty tập trung hoàn thiện 3 mũi nhọn chiến lược gồm: hệ thống quản trị theo mô hình quản lý toàn diện, nhất quán, phát huy tối đa sự đóng góp của các thành viên theo mô hình tập đoàn; đầu tư máy móc, hoàn thiện quy trình dệt, may, tự sản xuất nguyên liệu, khắc phục tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, vừa bảo đảm tiết kiệm chi phí, vừa tăng năng lực cạnh tranh, tiếp tục phát huy thương hiệu vốn có và tập trung sắp xếp nguồn nhân lực, thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Với hướng đi đúng, Tổng Cty đã từng bước khôi phục vị thế doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Riêng năm 2014, Tổng Cty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hoàn thiện dự án đầu tư mới 10 máy kéo sợi tại Cty CP sợi; hoàn thành đầu tư dây chuyền sản xuất ống giấy tự động công suất 1 triệu ống/tháng; lắp mới lò hơi công suất nhỏ tại các Cty thành viên cho phù hợp với điều kiện sản xuất; thi công Nhà máy May Yên Bình (Ý Yên); mở rộng Nhà máy May Yên Tân (Ý Yên) và Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) và khẩn trương di dời một số hạng mục ra KCN. Tăng cường công tác quản lý quy trình dây chuyền sợi - dệt - nhuộm; triển khai các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Với nguồn nhân lực được nâng cao về chất, ổn định, cộng với mô hình quản lý toàn diện, nhất quán giúp Tổng Cty giải quyết kịp thời những khó khăn, nhất là trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu những năm qua, định vị thương hiệu của mình trên thị trường. Trong đó sản phẩm của Tổng Cty đa dạng các nhóm hàng: Sợi 100% cô-tông, 100% PE, 100% Visco, T/C, C.V.C, T/R có chi số từ Ne 7-Ne 60; các loại vải 100% cô-tông, 100% Visco, T/C , C.V.C, T/R Filament… tẩy trắng, nhuộm màu, in hoa, ca-rô…; các loại khăn ăn, khăn bông dệt từ sợi xe, sợi đơn và hàng may mặc cho mọi lứa tuổi, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng như cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp dệt, may trong nước. Từng nhóm hàng của Tổng Cty đã chinh phục khách hàng tại các thị trường như: nhóm hàng may mặc được các nước Đông Âu, Nhật Bản, Mỹ rất ưa chuộng; nhóm sản phẩm khăn được khách hàng Nhật Bản, Mỹ và Ca-na-đa lựa chọn. Những tháng cuối năm 2014, ngoài việc giữ vững bạn hàng xuất khẩu truyền thống, Tổng Cty đã đàm phán thành công với các đối tác tại Trung Đông và khôi phục thị trường các nước Đông Âu… để cung ứng mặt hàng sợi với số lượng lớn. Thành công này đã giúp Tổng Cty đạt doanh thu xuất khẩu 9 tháng năm 2014 là 364,469 tỷ đồng, tăng 20,59% so với cùng kỳ. Dự án di dời Tổng Cty ra KCN đang được triển khai tích cực. Vị trí cũ, nơi chứng kiến và ghi dấu những năm tháng anh dũng hào hùng nay đã được quy hoạch xây dựng Khu đô thị Dệt may hiện đại. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho hàng nghìn lao động, Tổng Cty duy trì xây dựng lực lượng tự vệ có sức khỏe tốt, phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn và thành thục các kỹ năng tác chiến quân sự, đóng góp tích cực vào việc giữ vững quốc phòng, an ninh.
Nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên đã được ghi nhận bằng những phần thưởng xứng đáng. Hằng năm, Tổng Cty đều được tặng Bằng khen, danh hiệu thi đua trong lao động sản xuất, an ninh, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp của Bộ Công thương, của tỉnh và các bộ, ngành. Thời gian tới, Tổng Cty sẽ tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác di dời khu sản xuất ra KCN và đầu tư về vùng nông thôn để mở rộng sản xuất, tạo đột phá trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất các mặt hàng có giá trị cao, góp phần thực hiện phong trào lớn “chung sức xây dựng NTM”. Đồng thời góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị Dệt may Nam Định có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nam Định thành Trung tâm công nghiệp dệt may của cả nước ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương