Phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước (Kỳ 4)

08:12, 02/12/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Để thúc đẩy cao trào kháng Nhật, củng cố tổ chức, Ban Cán sự Nam Định đã mở một lớp huấn luyện cấp tốc cho cán bộ cơ sở hai huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng bồi dưỡng về tình hình và nhiệm vụ cách mạng, Chương trình và Điều lệ của Mặt trận Việt Minh cũng như công tác chuẩn bị khởi nghĩa, ở Tiêu Bảng (Ý Yên) còn mở được một lớp huấn luyện theo Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Trên cơ sở các lớp bồi dưỡng chính trị và đoàn thể cứu quốc được tổ chức, Đảng bộ phát động các tổ chức cơ sở cách mạng hưởng ứng phong trào sắm vũ khí, đuổi thù chung.

    Như được tiếp thêm luồng sinh khí mới, các cơ sở đều ra sức rèn sắm vũ khí. Các đội viên tự vệ, mỗi người tự trang bị cho mình một loại vũ khí thô sơ. Riêng lực lượng vũ trang ở Ngòi, Nhuộng được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Hà Nam đã mua được súng ngắn, tước được súng trường của chánh tổng làng Nghè để trang bị cho cán bộ và đội viên.

    Gần sát thời kỳ khởi nghĩa, các hình thức đấu tranh càng thêm sôi động và quyết liệt, từ hình thức vận động cứu đói thông thường như kêu gọi tương trợ, lạc quyên trong nhân dân đến hình thức khất thực buộc các nhà giàu phải cho nhân dân vay. Quyết liệt hơn nữa là Việt Minh ở Lương Kiệt (Vụ Bản) đã tổ chức cho quần chúng phá kho đay của Nhật ở đình làng chia cho dân. Bọn thống trị biết mà đành bó tay.

    Trước khí thế cách mạng lên cao, quần chúng khắp các địa phương đã vùng dậy trấn áp bọn tay sai. Tại Thượng Đồng (Ý Yên), tên lý trưởng gian tham đã bị nhân dân đưa ra vạch tội. Lực lượng cách mạng đã trừng trị tên chánh bảo an ở Nhuộng ngoan cố có hành động chống phá cách mạng. Thư cảnh cáo đã bỏ vào tận nhà, đầu giường của Huyện trưởng Nghĩa Hưng và một số tay sai gian ác khác. Cờ, ảnh của Nhật và bù nhìn ở Phòng thông tin Hành Thiện (Xuân Trường) bị xé tan. Cờ đở sao vàng được cắm ngay trên nóc trụ sở Bảo an huyện Xuân Trường và đồn đoan Ngô Đồng (Giao Thuỷ), huyện đường ở Bo (Ý Yên).

    Trong bối cảnh phong trào cách mạng toàn quốc đang dâng cao, những hoạt động ở địa phương đã làm tê liệt ý chí, hành động chống phá cách mạng của chính quyền bù nhìn huyện, xã - nhất là sáu huyện phía nam của tỉnh. Huyện trưởng Xuân Trường được tin báo có Việt Minh ở Trà Trung, Tự Lạc đã làm ngơ. Huyện trưởng Nghĩa Hưng đang đốc thóc ở Quỹ Nhất, nhận được thư cảnh cáo của Việt Minh, hoảng hốt bỏ cả công việc mà về. Hai huyện trưởng Trực Ninh và Nam Trực đang coi đắp đê ở Cổ Lễ và Quy Phú được tin Việt Minh diễn thuyết, bắn súng ở ngay chợ Cổ Lễ đã chạy về huyện lỵ. Trừ một vài cường hào còn tỏ ra mẫn cán, còn nhìn chung các tổng lý đều an phận thủ thường và có người còn ngả theo cách mạng.

    Cao trào kháng Nhật dâng cao trong toàn quốc và những hoạt động mạnh mẽ ở ngay địa phương đã gây hoang mang và phân hoá sâu sắc hàng ngũ kẻ thù. Chính quyền huyện xã một số nơi tê liệt ý chí kháng cự. Trước làn sóng cách mạng, trừ một số tên tay sai, địa chủ gian ác có nợ máu với cách mạng còn ngoan cố ôm chân Nhật, còn lại hầu như đều bất lực, run sợ nằm im. Có nơi, Việt Minh hoạt động công khai, luyện tập quân sự cả ban ngày mà Nhật đành bó tay.

    Phong trào cách mạng Nam Định đang phát triển rộng khắp thì tháng 6-1945, một đợt khủng bố tràn lan của địch lại diễn ra trên địa bàn thành phố. Gần 100 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt trong đó có cả đồng chí Trung Dụy - uỷ viên Ban Cán sự được phân công phụ trách thành phố và ba huyện Mỹ Lộc, Ý Yên, Vụ Bản.

    Vụ khủng bố này nằm trong mưu đồ trấn áp tràn lan của phát xít Nhật hòng chặn đứng, gây tổn thất rất nặng cho phong trào cách mạng thành phố. Hầu hết các cơ sở cách mạng vừa được phục hồi và xây dựng thêm đều bị phá vỡ. Mặc dù vậy, một số ít cơ sở Việt Minh trong công nhân, thanh niên, học sinh, phụ nữ, bảo an binh vẫn tiếp tục hoạt động. Thành phố vẫn là cơ sở để cán bộ Xứ uỷ đi về giữ liên hệ với tỉnh.

    Sau đợt khủng bố một thời gian ngắn, Ban Cán sự kịp thời bổ sung thêm đồng chí Nguyễn Việt Hùng để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh với các huyện giữa lúc tình thế cách mạng chuyển biến hết sức mau lẹ. Thời cơ giành chính quyền đã đến gần.

    Giờ khởi nghĩa đã điểm!

    Từ ngày 17-8 đến ngày 21-8, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, nhân dân ở các địa phương đã nhất tề nổi dậy đập tan bộ máy thống trị của đế quốc, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com