Khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng (Kỳ 6)

07:12, 23/12/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Tại huyện Mỹ Lộc: sau khi giành xong chính quyền tỉnh, uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời giao cho đồng chí Trần Xuân San (Trần Chí Đức) và Trần Huy Thư tổ chức quần chúng giành chính quyền ở huyện Mỹ Lộc. Sáng ngày 22-8-1945, sau khi xem xét, nắm chắc tình hình Huyện trưởng Vũ Tuấn Sáu đang đi đốc thúc hộ đê, chỉ còn lại một số viên nha lại, lục sự và bọn lính lệ canh gác, các đồng chí quyết định giành chính quyền huyện Mỹ Lộc ngay trong ngày hôm đó. Vào lúc 2 giờ chiều 22-8, đồng chí Trần Xuân San, Trần Huy Thư chỉ huy tổ chiến đấu của thành phố cùng một tiểu đội bảo an binh và đông đảo quần chúng nội thành, các xã lân cận giương cao cờ, biểu ngữ rầm rập tiến về cổng huyện đường. Lực lượng khởi nghĩa đã bắt giữ lính gác, ào vào chiếm kho súng và khống chế các quan lại có mặt ở huyện và tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Bố trí canh gác huyện đường xong, ta ra lệnh cho một tên lục sự và lính lệ ra đê báo tin chính quyền đã về tay cách mạng và lệnh cho huyện trưởng về ngay nộp đồng triện, giấy tờ, sổ sách, tài sản cho chính quyền cách mạng. Khởi nghĩa ở Mỹ Lộc - huyện cuối cùng trong toàn tỉnh đã kết thúc nhanh chóng và hoàn toàn thắng lợi.

*
* *

    Cách mạng Tháng Tám ở Nam Định diễn ra nhanh gọn. Chỉ trong vòng sáu ngày (từ ngày 17-8 đến ngày 22-8), toàn bộ chính quyền địch từ tỉnh đến huyện, đã sụp đổ hoàn toàn.

Ngày 19/8/1945, nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội).
Ngày 19/8/1945, nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội).

    Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra cho toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng một bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người dân.

    Đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân dân Nam Định diễn ra trong suốt 15 năm, từ khi Đảng bộ ra đời và lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân khác trong tỉnh đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Đó là cuộc đấu tranh đầy thử thách qua ba cao trào cách mạng 1930-1931, 1936- 1939 và 1939-1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Nam Định là kết quả sự vận dụng đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng để giải quyết những yêu cầu cấp thiết mà phong trào cách mạng đặt ra, là sự phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của các đảng viên và tinh thần hy sinh vô bờ vì cách mạng của nhân dân toàn tỉnh.

    Là một trong những địa phương có tổ chức Đảng ra đời sớm, phong trào đấu tranh của công nhân phát triển mạnh mẽ, thành phố Nam Định sớm trở thành một trong những trung tâm đấu tranh chính trị thu hút các lực lượng cách mạng trong tỉnh trước hết là giai cấp công nhân, nông dân, các tầng lớp trí thức, tiểu tư sản, học sinh, binh lính vào trận tuyến đấu tranh chống đế quốc, phát xít và phong kiến tay sai. Chính vì vậy mà phong trào cách mạng Nam Định bị kẻ thù điên cuồng tấn công đàn áp. Suốt 15 năm gian nan, bền bỉ chiến đấu, phong trào cách mạng Nam Định đã trải qua bao bước thăng trầm, các cơ sở Đảng nhiều lần bị triệt phá. Biết bao cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị tù đày, hy sinh trước đòn roi, máy chém của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Song sự khủng bố dữ dội của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Nam Định. Phong trào quần chúng sau mỗi phen tạm thời lắng xuống lại bùng lên mạnh mẽ hơn trước.

    Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã chứng tỏ tinh thần chủ động tiến công địch. Mặc dù chưa liên lạc được với Trung ương, chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng Ban Cán sự tỉnh, những cán bộ, đảng viên đã nhanh nhạy chớp thời cơ, kiên quyết phát động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Chính nhờ huy động được sức mạnh chính trị của toàn thể nhân dân thành một đội quân hùng hậu mà lực lượng vũ trang của tỉnh tuy còn rất nhỏ bé nhưng đã hỗ trợ lực lượng chính trị tạo thành cơn bão táp cách mạng lật đổ ách thống trị gần một trăm năm của thực dân, đế quốc, chôn vùi chế độ phong kiến hàng ngàn năm, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân. Cách mạng Tháng Tám ở Nam Định cũng như cuộc nổi dậy của cả dân tộc đã làm cho ý nghĩa và tầm vóc của cuộc cách mạng trở nên hết sức vĩ đại và trở thành bất tử đối với lịch sử đấu tranh của các dân tộc vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Đó chính là những trang sử chói lọi được ghi trong pho lịch sử bằng vàng của Đảng ta.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com