[links()]
(Tiếp theo)
Tại Nghĩa Hưng, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của tỉnh nhưng được tin Hà Nội đã giành được chính quyền, đêm 19-8-1945, các đồng chí Việt Hùng, Nguyễn Trọng Hợp, Vũ Quốc Khanh đã họp liên tịch và quyết định thành lập uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Việt Hùng làm Chủ tịch. Kế hoạch khởi nghĩa được hoạch định cụ thể, Hội nghị quyết định tiến hành vào ngày 20-8-1945.
Thực hiện kế hoạch đó, sáng 20-8, uỷ ban khởi nghĩa phát lệnh giành chính quyền trong toàn phủ. Theo phương án đã định, lực lượng cách mạng tiến đánh đồn Ngòi Cái (Quần Liêu - Nghĩa Sơn). Quần chúng Nghĩa Sơn tham gia rất đông. Đội Tuyên truyền vũ trang bắc loa sát vào đồn thông báo tin khởi nghĩa đã thắng lợi ở Hà Nội và khắp nơi, kêu gọi binh lính đầu hàng. Sau mỗi đợt kêu gọi quần chúng lại hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, đả đảo đế quốc, bù nhìn tay sai làm áp lực. Cùng lúc, một lực lượng cách mạng bí mật áp sát kho súng, bắn chỉ thiên uy hiếp. Trước khí thế và áp lực đó, địch đã phải đầu hàng vô điều kiện, nộp 18 súng trường, 1 súng lục và toàn bộ vũ khí đạn dược. Chiếm xong đồn Ngòi Cái, lực lượng cách mạng triển khai theo đường 55 kéo thẳng xuống Giáo Lạc (Nghĩa Tân) bức tên bang tá đầu hàng, thu toàn bộ tài liệu ấn tín. Thừa thắng, lực lượng cách mạng kéo về Quỹ Nhất (Nghĩa Hoà) tước 5 súng trường, 4 súng bắn chim, 1 canô của lính canh đê. Theo triền đê sông Đáy, lực lượng cách mạng hạ tiếp các đồn Âm Sa, Đài Môn (Nghĩa Phú) rồi trở về hội tụ ở Quần Liêu để kéo lên chiếm phủ lỵ.
Chiều 21-8, lực lượng cách mạng xuất phát từ Quần Liêu vượt đò Đống Cao sang phối hợp với lực lượng ở miền trung Nghĩa Hưng do đồng chí Nguyễn Trọng Hợp lãnh đạo, giành chính quyền phủ. Sang đến nơi thì lực lượng ở đây đã phối hợp với lực lượng cách mạng ở Lương Kiệt, Hào Kiệt do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch và đồng chí Song Hào lãnh đạo, kéo vào giành chính quyền ở phủ lỵ. Lúc này huyện trưởng đang đi đốc thúc đắp đê, ta bắt lính mở cổng kéo thẳng vào phủ đường. Trước áp lực mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, bọn quan lại nem nép đầu hàng, nộp 18 súng trường, 1 súng lục và nhiều tài liệu sổ sách. Sau khi chiếm được phủ đường, một bộ phận được cử lên đê bắt huyện trưởng giải về. Trước tình thế không thể nào đảo ngược, hắn đã xin đầu hàng, nộp toàn bộ sổ sách, dấu ấn cho lực lượng khởi nghĩa. Ngay sau đó, chính quyền cách mạng lâm thời tuyên bố thành lập trong tiếng reo hò của hàng ngàn quần chúng cách mạng.
Tại huyện Ý Yên: Từ ngày 19-8, tin tức giành chính quyền ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) và từ khắp nơi dội về đã làm cho không khí ở đây hết sức sôi động. Các cơ sở cách mạng ở An Hoà, Lỗ Xá đã cử người sang Ninh Bình mượn súng. Ở Thượng Đồng (Yên Tiến), các đồng chí Lã Xuân Choát, Phạm Duy Mạc đã gấp rút vận động nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa.
Trong khi đó tại Nhuộng và Ngòi, được sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Hà Nam, trưa ngày 20-8, lực lượng cách mạng đã phối hợp với lực lượng cách mạng của huyện Thanh Liêm tràn xuống giành chính quyền huyện. Đội quân khởi nghĩa được trang bị súng ống, dao kiếm, gậy gộc hùng dũng kéo thẳng vào cổng huyện. Huyện trưởng đi hộ đê. Ta kêu gọi binh lính, quan lại đầu hàng. Trước khí thế áp đảo của quần chúng, địch không dám chống cự, vội mở cổng huyện đường. Lực lượng khởi nghĩa tuyên bố chiếm huyện, thu 10 súng trường, 1 súng ngắn, 16 ngàn đồng tiền Đông Dương, tịch thu triện và toàn bộ giấy tờ, sổ sách.
Sáng 22-8-1945, lực lượng cách mạng ở Thượng Đồng, Đồng Biểu, Hoàng Nê, Hoàng Nghị, Tống Xá, An Cừ, An Hoà kéo về huyện lỵ giành chính quyền nhưng khi đến nơi thì chính quyền huyện đã thuộc về tay lực lượng cách mạng từ hai hôm trước. Trưa ngày 22-8, các lực lượng cách mạng đã thống nhất cử ra uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện. Buổi chiều, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở ngay sân huyện đường, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến và thành lập chính quyền cách mạng.
(Còn nữa)