[links()]
(Tiếp theo)
Tại huyện Xuân Trường: Trong khi chờ lệnh khởi nghĩa của Ban Cán sự, các đồng chí đảng viên ở địa phương đã theo dõi sát tình hình. Khi được tin tỉnh Thái Bình và một số huyện lân cận đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, lực lượng cách mạng ở Xuân Trường cũng tích cực chuẩn bị mọi mặt để chớp thời cơ khởi nghĩa. Giữa lúc đó, đồng chí Đoàn Trần Phong đem lệnh khởi nghĩa của Ban Cán sự về. Các đồng chí đảng viên và cốt cán ở Xuân Trường đã triệu tập hội nghị gồm đại biểu Đảng bộ và Việt Minh vào tối ngày 19-8-1944 tại Tự Lạc (Thọ Nghiệp) và quyết định phát động khởi nghĩa vào sáng 20-8. Theo kế hoạch, lực lượng khởi nghĩa chia làm hai mũi tiến công địch. Một mũi từ Đông An, Hạc Châu do đồng chí Đinh Thúc Dự chỉ huy. Một mũi do đồng chí Vũ Xuân Lầm và Phạm Cương chỉ huy. Hai mũi sẽ hợp quân tại dốc Xuân Bảng tiến đánh đồn Lạc Quần trước. Sau khi hạ xong đồn Lạc Quần sẽ kéo về đánh chiếm phủ Xuân Trường.
Trước giờ khởi nghĩa, xét thấy việc chiếm đồn Lạc Quần trước chưa phải là thượng sách bởi vì đây là một cứ điểm lớn, nếu phủ Xuân Trường chưa đầu hàng thì chưa chắc binh lính đồn Lạc Quần đã chịu hạ vũ khí, do đó mũi Đông An đã quyết định thay đổi kế hoạch chiếm phủ Xuân Trường trước. Nhờ có quyết định đúng đắn, nhằm được vào khâu yếu của địch, nên lực lượng cách mạng đã đánh bại ý chí kháng cự, trước khi đánh vào trung tâm của địch.
Đoàn quân khoảng 40 người được trang bị một súng lục, một súng trường, còn lại là gậy gộc, giáo mác. Trên đường đi nhân dân tham gia ngày càng đông với khí thế mạnh mẽ tiến vào phủ lỵ Xuân Trường vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu Việt Nam độc lập vạn tuế, ủng hộ Việt Minh, Đả đảo bù nhìn... Khi lực lượng cách mạng vừa tiến đến cửa phủ, hai binh lính là nhân mối của ta đã ra mở cổng để mọi ngưòi tràn vào.
Trước sức ép mạnh mẽ của lực lượng cách mạng, Huyện trưởng Vũ Ngọc Tỉnh vừa đi coi đê về, còn đang bàng hoàng đã phải nộp vũ khí, giấy tờ, sổ sách cho Ban chỉ huy khởi nghĩa. Ngay sau đó, Ban chỉ huy tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở phủ, để một bộ phận nhỏ ở lại điều hành công việc, còn đại bộ phận kéo xuống đồn Lạc Quần. Khi cánh quân tới dốc Xuân Bảng thì gặp cánh quân của đồng chí Vũ Xuân Lầm và Phạm Cương vừa tới. Hai cánh quân hợp nhất cùng tiến.
Chùa Tự Lạc, nơi họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường - Giao Thuỷ, ngày 20-8-1945. |
Lạc Quần là một đồn lớn ở Nam Định, án ngữ ba huyện phía nam của tỉnh, có lô cốt cao cùng với 40 lính được trang bị đầy đủ vũ khí do Quản Xuân chỉ huy. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc đánh chiếm đồn này, Ban chỉ huy khởi nghĩa đã bố trí con rể đồn trưởng cùng nhân dân Hoành Nha là những người trong họ, trong làng đi đầu để giảm bớt sự căng thẳng. Nhưng khi mọi người kéo đến ngoại vi đồn, viên quản ra lệnh cho binh lính đóng chặt cổng đồn, rút hết lực lượng lên lô cốt, chĩa súng xuống uy hiếp tinh thần quân khởi nghĩa. Ban khởi nghĩa cử người vào thuyết phục binh lính, khuyên họ hạ súng đầu hàng càng sớm càng tốt. Nhưng lấy cớ là chưa có lệnh của thượng cấp, viên quản không chịu giao đồn. Trước tình thế đó, lực lượng cách mạng buộc phải bao vây đồn, bắc loa kêu gọi binh lính đầu hàng. Đến quá trưa, nhiều binh lính hoang mang muốn hạ vũ khí. Tình thế bức bách, viên quản gọi điện về xin ý kiến Tỉnh trưởng, nhận được trả lòi: "Chính quyền trên này đã bàn giao cho Việt Minh, dưới đó cũng bàn giao thôi", lúc ấy viên quản mới chịu đầu hàng, giao đồn cho đoàn quân khởi nghĩa.
Khởi nghĩa ở Xuân Trường thắng lợi trọn vẹn và có ảnh hưởng quyết định đến việc giành chính quyền ở Giao Thuỷ.
Tại huyện Giao Thuỷ: thắng lợi ở Lạc Quần có tác động mạnh mẽ làm tê liệt ý chí kháng cự của lực lượng địch ở huyện lỵ Giao Thuỷ, Hải Hậu. Trên đà thắng lợi, lực lượng cách mạng ở Xuân Trường tiến thẳng xuống đồn đoan Ngô Đồng, huyện lỵ Giao Thuỷ. Trước khí thế mạnh mẽ của lực lượng cách mạng, viên Huyện trưởng thân hành ra cổng đón quân khởi nghĩa vào và nộp toàn bộ vũ khí, dấu ấn, sổ sách.
Tại huyện Hải Hậu: ngày 21-8, đồng chí Nguyễn Thiết Giáp nhận lệnh khởi nghĩa của tỉnh từ Trực Ninh, trở về tiến hành ngay việc tập hợp quần chúng để giành chính quyền huyện. Trong khi đó, đồng chí Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Trường Thuý ở chợ Cồn được tin các nơi đã khởi nghĩa, mặc dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của tỉnh vẫn chủ động huy động lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân chiếm đồn đoan Văn Lý, tịch thu toàn bộ tài sản và sổ sách, sau đó tổ chức mít tinh quần chúng ở chợ Cồn. Đồng thời một bộ phận do đồng chí Nguyễn Trường Thuý chỉ huy kéo lên chiếm huyện lỵ. Khoảng 10 giờ, lực lượng cách mạng được trang bị hai khẩu súng và vũ khí thô sơ bất ngờ đột nhập huyện lỵ. Tinh thần nha lại, binh lính hoang mang, suy sụp cực độ không dám chống cự. Ta tịch thu toàn bộ vũ khí. Lúc đó, Huyện trưởng Hải Hậu đi vắng, trợ tá của y bỏ nhiệm sở. Tên cai đội phải sai lính đi tìm. Thấy lực lượng cách mạng đã làm chủ tình thế, hắn hốt hoảng nộp ấn tín đầu hàng. Khi lực lượng do đồng chí Nguyễn Thiết Giáp chỉ huy kéo đến huyện lỵ thì mọi việc đã xong. Hai bộ phận thống nhất thành lập chính quyền cách mạng huyện Hải Hậu.
(Còn nữa)