Khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng (Kỳ 2)

06:12, 09/12/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Tại huyện Trực Ninh: Đây là nơi có cơ sở cách mạng và lực lượng cách mạng mạnh hơn cả, lại cách xa thành phố nên khi khởi nghĩa nổ ra, địch không thể ứng cứu kịp thời. Ban Cán sự lại đang tập trung chỉ đạo ở Trực Ninh nên nắm chắc tình hình trong huyện. Huyện trưởng mới là Từ Đông mới về nhận chức còn đang lạ lẫm; ta lại có nhân mối trong hàng ngũ địch. Các điều kiện đó chính là thời cơ thuận lợi nhất để phát động quần chúng đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền.

    Kế hoạch khởi nghĩa được chuẩn bị hết sức khẩn trương trong không khí sôi sục tại thôn Nam Lạng, tổng Văn Lãng (cách huyện lỵ Trực Ninh 2 km). Quần chúng Việt Minh và tự vệ được khẩn trương tập trung. Đội Tuyên truyền vũ trang tỉnh Nam Định do đồng chí Phạm Ngọc Hồ phụ trách là lực lượng xung kích cho khởi nghĩa. Lực lượng Thanh niên Cứu quốc huyện Trực Ninh được huy động về trợ lực. Quần chúng khẩn trương may băng cờ, viết khẩu hiệu. Các đội viên tự vệ tranh thủ sửa chữa vũ khí, luyện tập quân sự. Đêm 16- 8, uỷ ban khởi nghĩa ban bố lệnh giới nghiêm toàn thôn Nam Lạng. Tự vệ Cứu quốc ở Sa Đê, Trung Lao, Xối Đông Hạ, Hạ Đồng, Ngọc Giả và tổng Văn Lãng được lệnh của uỷ ban khởi nghĩa đã tập trung đông đủ, tranh thủ ôn luyện các động tác chiến đấu, sửa chữa vũ khí. Vào hồi 15 giờ ngày 17-8 lực lượng cách mạng địa phương xuất phát theo đúng kế hoạch. Một mũi tự vệ có trang bị vũ khí thô sơ bố trí mai phục phía sau huyện lỵ để đánh tập hậu. Mũi chính gồm có Đội Tuyên truyền vũ trang tỉnh và quần chúng cách mạng khoảng gần 100 người có trang bị 1 tiểu liên, 2 súng ngắn, 2 súng bắn chim cùng giáo mác, gậy gộc, hàng ngũ chỉnh tề, với cờ đở sao vàng tiến về huyện đường. Qua 2 km diễu hành, nhân dân các làng rầm rộ hưởng ứng nhập vào đoàn quân. Đội ngũ cách mạng bừng bừng khí thế, hùng dũng kéo vào cổng huyện đường. Sau một tràng tiểu liên nổ uy hiếp, đoàn quân cách mạng kéo vào huyện đường và kêu gọi binh lính đầu hàng. Chính quyền bù nhìn hoàn toàn tê liệt không dám chống cự, nộp toàn bộ vũ khí, dấu ấn, sổ sách. Ngay chiều hôm đó, cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi trọn vẹn. Trực Ninh trở thành căn cứ địa để Ban Cán sự chỉ đạo, triển khai khởi nghĩa ở các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu. Ngay đêm ấy, tại một địa điểm ở phố huyện Trực Ninh, Ban Cán sự đã họp bàn về khởi nghĩa. Do chưa nhận được lệnh và nắm được tình hình chung, quân Nhật còn chiếm đóng thành phố Nam Định; các đồn Bảo an Ngòi Cái, Lạc Quần cách không xa nên Ban Cán sự quyết định:

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

    - Gấp rút củng cố Trực Ninh, dùng Trực Ninh làm khu căn cứ.

   -  Huy động lực lượng cách mạng chiếm các huyện lân cận, triệt đồn Lạc Quần, Ngòi Cái để bảo vệ khu căn cứ.

    - Trường hợp xấu nhất thì dùng Trực Ninh làm bàn đạp phát động du kích chiến tranh trong các huyện.

    Ban Cán sự đã cử một đồng chí uỷ viên củng cố căn cứ Trực Ninh còn đồng chí Bí thư đưa một lực lượng lên Nam Trực phối hợp với lực lượng quần chúng cách mạng ở đó giành chính quyền huyện, kiểm soát đường 21, ngăn chặn quân Nhật đánh xuống. Đồng thời, đồng chí uỷ viên phụ trách Nghĩa Hưng về địa phương tập hợp lực lượng cách mạng, tiến dọc đường 55 xuống chiếm đồn Bảo An, Ngòi Cái, đồn Bang Tá ven biển rồi vòng về đánh chiếm phủ lỵ Nghĩa Hưng; kiểm soát sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy và đường 55. Riêng việc khởi nghĩa ở Hải Hậu, Ban Cán sự giao cho các cán bộ chủ chốt ở đó phụ trách.

    Tại huyện Nam Trực: theo kế hoạch phân công của Ban Cán sự, ngay sáng hôm sau 18-8, đồng chí Phạm Ngọc Hồ đưa một lực lượng vũ trang gồm mấy chục người lên phối hợp với lực lượng cách mạng ở huyện Nam Trực đang tập trung ở thôn Tương Nam để chuẩn bị khởi nghĩa. Khi biết chính quyền huyện Trực Ninh đã về tay nhân dân và trước khí thế hùng dũng của đoàn quân khởi nghĩa, tên Huyện trưởng Nam Trực vội ra lệnh cho lính cơ hạ vũ khí đầu hàng vào lúc 10 giờ trưa ngày 18-8.

    Tại huyện Vụ Bản: ngày 19-8, đồng chí Trần Đắc (cán bộ tỉnh) được Xứ uỷ cử về lãnh đạo khởi nghĩa ở Vụ Bản. Ngay đêm đó, đồng chí Trần Đắc đã họp với lãnh đạo Việt Minh ở địa phương hoạch định kế hoạch khởi nghĩa.

    Theo kế hoạch, mờ sáng ngày 20-8, lực lượng vũ trang chiếm huyện đường. Đồng chí Trần Đắc và đồng chí Ngô Đình Nam chỉ huy 12 thanh niên bí mật áp sát cổng huyện, tước được súng của lính gác. Sau đó, anh em xông vào trại lính lệ, chiếm kho súng, thu 20 súng trường cùng toàn bộ đạn dược. Tất cả bọn lính lệ được dồn vào một phòng, khoá chặt cửa. Huyện trưởng đang đi hộ đê. Anh em chia nhau đi lục soát huyện đường, tịch thu dấu ấn và hồ sơ tài liệu. Lực lượng quần chúng làm áp lực cũng kịp thời kéo đến tiến vào phối hợp cùng anh em chiếm huyện lỵ.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com