[links()]
Trong khoảng thời gian rất ngắn (từ ngày 9-3-1945 đến tháng 8-1945), Đảng bộ Nam Định đã gấp rút xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa một cách chu tất, toàn diện. Tuy lúc này phong trào ở thành phố bị khủng bố, triệt phá dữ dội nhưng nhìn chung toàn tỉnh phong trào phát triển nhanh, vững mạnh và có bước nhảy vọt thành cao trào cách mạng, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa. Trong quá trình chỉ đạo của mình, Đảng bộ đã quán triệt, vận dụng các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng vào thực tiễn địa phương một cách đúng đắn, linh hoạt. Ban cán sự đề ra phương hướng chặt chẽ, thống nhất. Cán bộ và đảng viên quyết tâm, tận tuỵ. Quần chúng sẵn sàng vùng dậy khởi nghĩa. Lực lượng trung gian cũng đã được tuyên truyền ngả về phía Việt Minh. Những yếu tố trên là sức mạnh nội tại đảm bảo chắc chắn cho thắng lợi của cách mạng.
Trong khi ấy, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã bước vào giai đoạn cuối. Ngày 9-5-1945, Đức phải ký hiệp ước đầu hàng Liên Xô và phe Đồng minh không điều kiện. Giờ tận số của phát xít Nhật đã điểm. Sau đòn sấm sét của Hồng quân Liên Xô đánh vào Đông - Tam - Tỉnh, ngày 13-8-1945, Nhật Hoàng cũng phải ký hiệp ước đầu hàng. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc tạo điều kiện khách quan hết sức thuận lợi cho nhân dân Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay mình. Vào thời điểm sống còn, Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước nổi dậy giành chính quyền và nhấn mạnh: "Hiện nay quân đội Nhật đã tan rã, phong trào cứu quốc lan tràn khắp nước...
Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...
Chúng ta không thể chậm trễ".
Ở Đông Dương, quân đội Nhật hết sức hoang mang, rệu rã, Chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn bị tê liệt. Một số bộ trưởng đã xin từ chức. Trong khi đó phát xít Nhật và bọn tay sai bán nước vẫn ngoan cố bám giữ sự thống trị trong cơn hấp hối. Mặc dù vậy, những cố gắng cuối cùng để lừa dân, ôm chân đế quốc của chúng đã bị nhân dân vạch mặt.
Trước những diễn biến thuận lợi đó, ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định Tổng khởi nghĩa. Cũng trong đêm 13-8, uỷ ban khởi nghĩa phát quân lệnh và ngay lập tức, lệnh khởi nghĩa được truyền đi khắp nước. Toàn dân sẵn sàng nổi dậy, triệu người như một.
Lúc này, Ban Cán sự tỉnh đang tập trung chỉ đạo phong trào ở các huyện phía nam. Mặc dầu chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng do nắm chắc chủ trương của Đảng nên ngay chiều 15-8 khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, tin nhân dân Hà Nội đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa đã triệu tập các uỷ viên Ban Cán sự và một số cán bộ chủ chốt ở Trực Ninh, họp khẩn cấp tại gia đình ông Nguyễn Đình Phung thôn Trung Lao (Trực Ninh) quyết định phát lệnh khởi nghĩa. Trong điều kiện chưa chỉ đạo khởi nghĩa đồng loạt trong toàn tỉnh, Hội nghị thống nhất quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện phía nam trước, nhanh chóng phát triển lực lượng cách mạng ra tất cả các huyện, sau đó tiến lên giành chính quyền tỉnh ở thành phố Nam Định. Huyện Trực Ninh được chọn làm đột phá khẩu cho khởi nghĩa toàn tỉnh.
(Còn nữa)