Làng kháng chiến Vũ Dương

09:12, 19/12/2014

Trong khí thế sôi nổi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), chúng tôi về xã Yên Dương (Ý Yên) - thăm lại mảnh đất, con người ở một vùng quê cách mạng - làng kháng chiến Vũ Dương xưa. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Yên Dương đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Yên Dương có tên là Vũ Dương, gồm 3 tổng: Vũ Xá, Vũ Xuyên và Mỹ Dương. Thời kỳ này, toàn xã có trên 1.700 hộ với khoảng 7.000 dân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Vũ Dương là địa bàn trọng điểm trong khu vực phòng thủ của huyện. Đầu năm 1950, địch tổ chức một cuộc hành quân lớn chiếm đóng và lập bốt tại núi Gôi, phong tỏa đường 10, đóng thêm bốt Cát Đằng và cầu Tào. Cũng trong thời gian này, khi nhân dân đang chuẩn bị thu hoạch vụ chiêm, làm vụ mùa, địch huy động quân cơ động tổ chức nhiều cuộc tấn công và tiếp tục chiếm đóng thêm bốt Già, bốt Hoàng Đan, bốt Tiên Hương với âm mưu phá cơ sở kháng chiến và uy hiếp nhân dân. Điển hình trong 2 ngày 8, 9-2-1951, sau khi chiếm đóng hầu hết các địa đạo thuận lợi, chúng ngày đêm bắn phá, xông vào các xóm của xã đốt phá, cướp bóc tài sản của nhân dân. Trước tình hình trên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chi ủy, chi bộ Đảng Vũ Dương, cán bộ, đảng viên, du kích và nhân dân xã đã tiến hành nhiều cuộc tấn công chống lại các cuộc càn quét của địch, đồng thời huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Ban chi ủy và chi bộ Đảng tập trung chỉ đạo các ban, ngành ở địa phương tập trung hướng dẫn, động viên nhân dân tiếp tục củng cố và xây dựng lại làng chiến đấu, khẩn trương sửa chữa hầm hào bị sụp lở do địch gây ra, vận động nhân dân phá những công trình công cộng như tam quan đình, tường rào, nhà giải vũ... lấy gạch và ủng hộ cát để xây hào giao thông chiến đấu, góp tre để làm cọc chông chống quân địch nhảy dù ngoài đồng và rào làng kháng chiến. Chi bộ cũng phát động mạnh mẽ phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm gây quỹ “Hũ gạo kháng chiến” nuôi quân, ủng hộ bộ đội.

Cổng làng thôn Cẩm, xã Yên Dương.
Cổng làng thôn Cẩm, xã Yên Dương.

Trên mảnh đất Vũ Dương, trong những năm tháng đầy máu lửa đó, nhiều cán bộ Đảng, cán bộ ngành, đoàn thể của huyện cùng cán bộ, bộ đội, du kích địa phương đã lăn lộn gắn bó với phong trào, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quê hương. Điển hình là đồng chí Trần Đình Thảo, Bí thư chi bộ xã - người đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Trong một trận đánh địch, sau khi đã ném 10 quả lựu đạn vào hàng ngũ của địch làm thương vong một số tên và cản bước tiến của chúng, khi chuẩn bị ném quả lựu đạn thứ 11, đồng chí Thảo bị địch bắn vào mặt, lựu đạn trên tay phát nổ, đồng chí đã hy sinh. Đồng chí Bùi Văn Hỷ trèo lên nóc nhà quan sát vị trí của địch để chỉ huy cho anh em ném lựu đạn, bị địch phát hiện và bắn trúng, đồng chí rơi từ nóc nhà xuống và hy sinh. Đồng chí Nguyễn Văn Đáp trước lúc hy sinh đã tự tay đốt nhà mình để địch không phát hiện ra cửa hầm bí mật đang có một số cán bộ và nhân dân đang trú trong đó. Ông Phạm Đình Dục, tiểu đội trưởng du kích đang làm đồng, thấy địch vào làng đã trở về chiến đấu, do quân địch quá đông, ông rút xuống hầm, bị chúng cuốc cửa hầm lên nã đạn vào. Ông Dục xông lên mở chốt lựu đạn làm một số tên địch bị chết và bị thương... Ông cũng đã hy sinh trong lúc ấy.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) xã Vũ Dương có trên 1.000 người trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 321 người tham gia bộ đội, gần 500 người tham gia dân công hỏa tuyến, 305 người tham gia du kích. Trong đó có 59 người hy sinh, 11 thương binh, 9 bệnh binh. Toàn xã có 190 đồng bào bị chết vì bom đạn kẻ thù, 556 ngôi nhà bị đốt cháy... Qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã Yên Dương có 180 liệt sĩ, 113 thương binh, 115 bệnh binh, 5 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, 150 gia đình được tặng “Bảng vàng danh dự”, 80 gia đình được tặng Bằng Có công với nước, 1.256 người được tặng thưởng huân, huy chương các loại, 180 người được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy truyền thống anh dũng của quê hương, trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, nhân dân xã Yên Dương tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới. Hệ thống đường giao thông trong xã được bê tông hóa tới từng hộ dân. 100% số thôn đã có nhà văn hóa. Trường tiểu học, trường THCS và trạm y tế xã đều được đầu tư xây dựng khang trang. Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể vận động nhân dân tập trung khai thác tiềm năng lao động, đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển ngành nghề tạo việc làm cho lao động địa phương. Đời sống nhân dân trong xã không ngừng được cải thiện, số hộ khá, hộ giàu tăng lên, số hộ nghèo chỉ còn 8,8%. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ và nhân dân Yên Dương là tiền đề để cán bộ và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu vươn lên trong giai đoạn mới./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com