[links()]
(Tiếp theo)
Từ năm 1936 đến đầu năm 1938, hoà nhịp cùng phong trào cả nước, phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Nam Định diễn ra rầm rộ và giành được những thắng lợi, nhưng từ khi Công sứ Lốtde được đổi về Nam Định, nhất là từ khi Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp đổ, Chính phủ phản động do Đalađiê làm thủ tướng lên cầm quyền, thái độ của bọn thống trị đã thay đổi, ngày càng ra mặt khủng bố phong trào cách mạng. Bọn phản động thuộc địa trước đây phải lùi bước trước phong trào, buộc phải nới lỏng một số quyền tự do dân chủ, nhượng bộ một số quyền lợi tối thiểu về đời sống của công nhân, nông dân và các tầng lớp xã hội khác, nay lại trắng trợn đàn áp. Hội nghị đại biểu Xứ uỷ Bắc Kỳ đã nêu rõ: "Đặc biệt ở Nam Định, gần đây sự khủng bố dữ dội hơn ở các nơi khác. Các hội quán tạm thời của ái hữu đều bị giải tán. Nhiều phố lao động bị canh gác, ai ra vào thường bị xét hỏi. Thợ thuyền tham gia đình công, biểu tình hay có chân trong ái hữu đều bị đuổi và rời nhà đi".
Từ chỗ cấm hoạt động và xoá bỏ những trụ sở công khai của các ái hữu, địch truy lùng các cơ sở in và phát hành báo chí tiến bộ. Các đồng chí Phan Đình Khải, Đặng Việt Châu bị mật thám bắt tại Đại lý sách báo Nam Định. Các đồng chí Ngô Văn Quỳnh (Ngô Ngọc Du), Phan Đình Dinh (Đinh Đức Thiện), Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ), Ngô Văn Ngoạn, Phan Đình Đoán cùng một số quần chúng cách mạng ở Địch Lễ (Nam Trực) cũng bị bắt. Ngày 28-7-1939, các đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bùi Xuân Huân cũng bị bắt ở Vụ Bản. Trong đợt này, địch đã lục xét nhà cửa và bắt 22 đảng viên, quần chúng cách mạng Nam Định. Trước việc bắt người trái pháp luật đó, vào hồi 10 giờ sáng ngày 2-8-1939 sau khi được trả tự do, đồng chí Phan Đình Khải đã gửi Toàn quyền Đông Dương bức điện phản đối với nội dung: "Chúng tôi cực lực phản đối việc khám nhà và bắt người hàng loạt ngày 31-7- 1939. Chúng tôi cho rằng đó là việc làm trái với tự do dân chủ". Ngày 28-8-1939, bất chấp sự đe doạ của kẻ thù, nhiều truyền đơn được dán lên tường Nhà máy sợi phản đối sự khủng bố của bọn thống trị và tuyên truyền cách mạng.
Lúc này, tình hình trong nưóc và thế giới biến chuyển hết sức căng thẳng. Bọn phản động thuộc địa ngày càng tìm cách bóp nghẹt phong trào. Trước đó, Trung ương Đảng đã nhận rõ tình hình bất lợi của phong trào. Tháng 5-1939, Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ đã đề ra một số chủ trương về công tác xây dựng Đảng nhằm khẩn cấp xây dựng cơ sở Đảng ở nơi có phong trào quần chúng, đặc biệt là nơi tập trung vô sản; mở rộng và củng cố những cơ sở đã có; mở những lớp huấn luyện chính trị trong Đảng và xuất bản những sách báo công khai hoặc bí mật tuỳ theo hoàn cảnh.
Thực hịên Nghị quyết trên và để thích ứng với hoàn cảnh đã thay đổi, Đảng bộ Nam Định chuyển dần sang hoạt động bất hợp pháp là chủ yếu. Các ái hữu thợ thuyền phải ngừng hoạt động. Các tổ chức quần chúng cách mạng chuyển sang hoạt động bí mật dưới hình thức hội tương tế.
Tháng 9-1939, Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ. Trung ương Đảng ta đề ra chủ trương rút toàn bộ cơ quan hoạt động công khai của Đảng vào bí mật. Phong trào cách mạng Nam Định chấm dứt thời kỳ Mặt trận dân chủ, chuyển hướng theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng về chiến lược và sách lược cách mạng của thời kỳ mới - thời kỳ chiến tranh và cách mạng.
*
* *
Quá trình khôi phục cơ sở Đảng cùng với cuộc vận động của thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) do Đảng bộ Nam Định lãnh đạo thực sự là một phong trào cách mạng sâu rộng, mạnh mẽ, không những trong giai cấp công nhân, nông dân mà còn lôi cuốn mọi tầng lớp xã hội vào những cuộc đấu tranh chính trị hết sức rầm rộ. Những cuộc đấu tranh đó diễn ra công khai, hợp pháp với những hình thức linh hoạt, phong phú, phù hợp với điều kiện xã hội, nhằm vào mục đích tự do dân chủ dân sinh. Tất cả các cuộc đấu tranh từ nhỏ đến lớn đều quán triệt đường lối của Đảng, chĩa mũi nhọn vào bọn phản động thuộc địa Pháp, bọn tư bản độc tài, bọn tay sai gian ác, hướng tới Mặt trận dân chủ rộng rãi.
Trong quá trình lãnh đạo phong trào quần chúng, trình độ chính trị và khả năng công tác của cán bộ, đảng viên không ngừng được rèn luyện, nâng cao. Điều quan trọng là Đảng bộ đã biết lợi dụng tình hình chính trị có lợi lúc bấy giờ để hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp nhằm phổ biến tới quảng đại quần chúng những luận điểm cơ bản của Đảng, của chủ nghĩa Mác - Lênin, về con đường diệt vong tất yếu của chủ nghĩa đế quốc, sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản. Nhờ đó giúp cho các đảng viên mới ra tù hoặc bị mất liên lạc với Đảng nắm bắt được đường lối, chủ trương mới của Đảng, trên cơ sở đó mà bắt mối, gây dựng lại cơ sở, lãnh đạo quần chúng đấu tranh.
Qua phong trào đấu tranh đòi tự do dân sinh, dân chủ, Đảng bộ đã động viên, giáo dục ý thức cách mạng, tinh thần hữu ái giai cấp, tập hợp đông đảo các giai cấp, các tầng lớp xã hội tham gia vào cuộc vận động chính trị rộng lớn, từ đó mà xây dựng đội ngũ chính trị hùng hậu, tập dượt đấu tranh, chuẩn bị thực lực cho cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Tuy vậy, trong quá trình lãnh đạp, chỉ đạo phong trào, Đảng bộ Nam Định tuy có đề ra Nghị quyết về xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng bí mật và giáo dục nhiệm vụ cách mạng lâu dài cho đảng viên, quần chúng cách mạng, nhưng thực tế hoạt động thiên về công khai, hợp pháp là chủ yếu. Công tác xây dựng Đảng chưa được chú trọng thường xuyên, đúng mức, không có người phụ trách chuyên về công tác xây dựng Đảng và xây dựng các tổ chức quần chúng bí mật. Cũng vì vậy mà trong suốt thời kỳ Mặt trận dân chủ sôi động ấy, một số địa phương, phong trào vẫn còn là địa bàn trắng. Cũng do những thiếu sót trên mà khi tình hình thay đổi, các tổ chức hợp pháp bị giải tán, những quần chúng cốt cán trong các tổ chức đó không còn cơ sở để duy trì sinh hoạt và tiếp tục hoạt động. Nhiều đồng chí hoạt động hợp pháp đã bị rơi vào tay giặc.
Mặc dù những thiếu sót trên có ảnh hưởng tới lực lượng cách mạng ngay thời gian sau đó (1939-1940) nhưng qua cao trào đấu tranh 1936-1939, quần chúng cách mạng lại một lần nữa được tôi luyện, thử thách, Đảng bộ đúc rút được những kinh nghiệm quý báu về phương pháp tổ chức tập hợp vận động quần chúng, làm tiền đề cho thắng lợi trong công cuộc giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám 1945 sau này.