Khôi phục và phát triển phong trào cách mạng (1932-1939) - Kỳ 6

06:10, 21/10/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Tuy nhà cầm quyền Pháp ở thuộc địa phải để cho các tổ chức quần chúng hợp pháp hoạt động, công khai hội họp, tự do nghiên cứu sách báo cách mạng và tiến bộ, nhưng chúng vẫn tung tay sai thăm dò hoạt động của các tổ chức, dùng mọi biện pháp hạn chế không cho các tổ chức đó tiến dần sang lĩnh vực chính trị chống đối chúng. Riêng ở Nam Định, chúng cho Váckiê (Cố Cao), một tên mật thám đội lốt tu sĩ lập ra các tổ chức Thanh niên công nhân Công giáo, Thanh niên học sinh Công giáo nhằm lôi kéo các tầng lớp thanh niên tranh giành ảnh hưởng với cách mạng. Váckiê còn đưa ra luận điệu Lao tư hợp tác để chống phá cuộc bãi công tháng 2- 1937 của công nhân Nhà máy tơ và ra sức phản đối thi hành Luật lao động, nhất là điều khoản quy định ngày làm việc 8 giờ. Nhưng cao trào dân chủ đang dâng cao, những hoạt động của Váckiê không mang lại kết quả như chúng mong muốn.

    Tổ chức quần chúng càng mở rộng thì công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính sách của Đảng càng được truyền bá rộng rãi. Để nâng cao trình độ hiểu biết cho đảng viên và quần chúng cách mạng, các đảng viên chủ chốt ở Nam Định đã hết sức coi trọng lợi khí cách mạng là phổ biến các loại sách báo của Đảng và các sách báo tiến bộ khác.

    Đầu tháng 2-1937, Đảng bộ Nam Định lập cơ quan Đại lý sách báo cánh tả đặt tại thành phố do đồng chí Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ) và một số đồng chí khác được giao đặc trách công tác này. Ngoài ra còn một hiệu sách trung tâm tại 114 Pônbe, bán các loại sách báo tiến bộ đầu tiên do Lê Văn Phúc, chính trị phạm ở Côn Đảo được ân xá về phụ trách, sau chuyển giao cho đồng chí Nguyễn Đức Quỳ.

Từ đường chi Ất, họ Phan, thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, T.P Nam Định, nơi thành lập chi bộ Cộng sản thôn Địch Lễ, tháng 2-1938.
Từ đường chi Ất, họ Phan, thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, T.P Nam Định, nơi thành lập chi bộ Cộng sản thôn Địch Lễ, tháng 2-1938.

    Từ những đại lý này, sách báo của Đảng và các sách báo tiến bộ khác đã toả ra nhiều nơi trong tỉnh, nhất là những nơi có cơ sở và phong trào cách mạng như vùng cách mạng An Cừ (Ý Yên), Lạc Nghiệp, Thọ Vực (Xuân Trường), Địch Lễ (Nam Trực).

    Ngoài nguồn sách báo do địa phương phát hành, một số nơi còn nhận được sách báo tiến bộ do các đảng viên người địa phương hoạt động tại Hà Nội chuyển về. Bên cạnh nhiệm vụ chuyển tải sách báo của Đảng tới tay quần chúng, các đảng viên tại địa phương còn viết sách, hồi ký như thiên Nhật ký tuyệt thực chín ngày rưỡi của đồng chí Phan Đình Khải, cuốn Vấn đề dân cày do đồng chí Trường Chinh cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp soạn thảo với bút danh là Qua Ninh, Vân Đình. Những cuốn sách trên đã được in, phát hành rộng rãi trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Các đại lý sách báo còn là nơi công khai tiếp dân của Đảng. Nhiều đại biểu của công, nông, trí thức đã tới đây hỏi những vấn đề thời sự, chính trị và đều được giải đáp thoả đáng, tin cậy.

    Do yêu cầu phong trào ngày càng mở rộng, nhu cầu sách báo, tài liệu, ngày càng tăng, mặt khác cũng cần có tài liệu phổ biến chủ trương của Đảng bộ địa phương tới các cơ sở, Tỉnh uỷ Nam Định đã đặt một nhà in thủ công tại nhà đồng chí Phạm Bổn, thôn Lạc Nghiệp (Xuân Trường) vừa để in các tài liệu truyền đơn, báo chí của cấp trên chuyển về, vừa in tài liệu của Đảng bộ, đáp ứng kịp thời cho yêu cầu của phong trào, nhất là ở Trà Trung, Đông An, Thọ Vực, Hội Khê Ngoại, Xuân Bảng, Lạc Quần (Xuân Trường); Hoành Nha, Hà Cát (Giao Thuỷ). Nhiều truyền đơn còn được rải trên các trục đường chính ở các huyện như Ngô Đồng, Hà Cát, Thanh Hương (Giao Thuỷ); Lạc Quần, Trà Trung, Nam Điền (Xuân Trường).

    Tháng 6-1938, Tỉnh uỷ Nam Định chủ trương ra tờ báo công khai bằng cách mua lại giấy phép của tờ An Nam thống chí của một nhà tư sản ở thành phố Nam Định. Mọi thủ tục, bài vở và các phương tiện ấn loát đã được chuẩn bị đầy đủ tại số nhà 58 phố Còlêmăngxô. Báo dự định sẽ in và ra mắt bạn đọc ngay trong tháng 6-1938, nhưng tên Váckiê phát hiện đây là tờ báo tuyên truyền cho Đệ tam quốc tế, bênh vực quyền lợi của vô sản và nhân dân lao động, chống phát xít, tòrốtkít và chống lại chính quyền (thống trị) nên đã cho mật thám Nam Định gọi đồng chí Vũ Huy Hào (người phụ trách tờ báo) tới đe doạ và đưa lệnh đình chỉ việc xuất bản tờ báo do Thống sứ Bắc Kỳ ký.

    Trong hoàn cảnh sách báo công khai đang ngày càng bị địch cấm đoán, đầu năm 1939, Tỉnh uỷ Nam Định quyết định ra tờ báo bí mật lấy tên là Tiến lên làm phương tiện tuyên truyền, giáo dục đảng viên, quần chúng đồng thời lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Báo in litô, mỗi tháng ra một đến hai số. Cơ sở in báo Tiến lên còn in lại một số tài liệu của Xứ uỷ để phân phát cho các chi bộ và các tổ chức quần chúng trong tỉnh. Cơ sở in lúc đầu đặt tại Phù Long (ngoại thành Nam Định), về sau do địch tăng cường lùng sục, khủng bố, cơ quan in phải chuyển sang Thái Bình và trở thành cơ quan in của Liên Tỉnh uỷ C. Tờ Tiến lên vẫn được phát hành rộng rãi trong bốn tỉnh. Sau đó ít lâu, cơ quan báo lại chuyển về Nam Định, đặt tại nhà đồng chí Phan Đình Dinh (Đinh Đức Thiện) tại Địch Lễ, Nam Vân (Nam Trực). Đầu năm 1940, cơ quan in lại chuyển xuống Thọ Vực (Xuân Trường).

    Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến sách báo cách mạng tiến bộ, ở Nam Định còn thường xuyên tổ chức các cuộc mít tinh của quần chúng để nghe đảng viên nói chuyện thời sự, chính trị, vạch trần âm mưu tội ác của bọn phản động thuộc địa, tay sai cùng quan lại ác bá như những cuộc mít tinh ở Quán Ngói, Đô Quan, Phong Lộc (Nam Trực). Hàng trăm người ở Địch Lễ (Nam Trực), Giáp Ba (Vụ Bản) đã tập trung nghe đồng chí Hoàng Tùng và đồng chí Nguyễn Đức Thuận giới thiệu về Mặt trận Dân chủ Đông Dương, lên án bọn phản động thuộc địa Pháp và tay sai, hướng dẫn quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh; dân chủ, chống áp bức bóc lột.

    Thành phố Nam Định, nơi tập trung đông đảo công nhân, có Nhà máy sợi lớn nhất Đông Dương cũng là nơi châm ngòi cho các cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ trong thời kỳ này.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com