[links()]
(Tiếp theo)
Tháng 5-1937, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, một số đảng viên mới được ra tù trở về địa phương như đồng chí Đặng Hữu Rạng, Đặng Xuân Thiểu, Trần Cung đã tổ chức cuộc họp với đại biểu của các tỉnh Thái Bình, Hà Nam tại thôn Thứ Nhất (nay thuộc xã Nam Hồng, Nam Trực) để thành lập Liên Tỉnh uỷ lâm thời Hà - Nam - Thái và bàn việc thành lập lại các ban Tỉnh uỷ của ba tỉnh, đồng thời quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 7-1936, về chuyển hướng hoạt động trong thời kỳ mới.
Sau Hội nghị này, Ban Tỉnh uỷ lâm thời Nam Định được hình thành gồm các đồng chí Đặng Hữu Rạng, Đặng Xuân Thiều, Trần Hoạt. Sau đó, Ban Tỉnh uỷ lại bổ sung thêm đồng chí Bùi Minh Hách và nữ đồng chí Liên (Minh Lãng) do đồng chí Đặng Hữu Rạng làm Bí thư Tỉnh uỷ. Một thời gian sau, Xứ uỷ điều động đồng chí Đặng Hữu Rạng phụ trách Liên Tỉnh uỷ C, đồng chí Trần Hoạt được cử làm Bí thư Tỉnh uỷ và chỉ đạo Ban Tỉnh uỷ tập trung vào những nhiệm vụ sau:
Đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng; tăng cường cơ quan đại lý sách báo của Đảng, mở rộng quan hệ công khai giữa Đảng với quần chúng.
Thông qua các hình thức tổ chức hợp pháp, nửa hợp pháp rộng rãi để tập hợp đông đảo quần chúng thuộc các tầng lốp, các giai cấp, liên hiệp hành động với các tổ chức chính trị và cá nhân có thể tranh thủ được.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chú ý phát triển Đảng để đảm bảo lãnh đạo phong trào quần chúng đang ngày càng mở rộng, đồng thời chú trọng xây dựng các tổ chức quần chúng không hợp pháp của Đảng.
Tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh bằng nhiều hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp đòi quyền dân sinh dân chủ.
Quán triệt nhiệm vụ đã đề ra, trên cơ sở các tổ chức Đảng được củng cố Ban Tỉnh uỷ chỉ đạo các chi bộ nhanh chóng thành lập các tổ chức quần chúng, đặc biệt chú trọng vận động thành lập nghiệp đoàn và các tổ chức ái hữu trong công nhân lao động. Căn cứ vào điều kiện hợp pháp lúc ấy, Ban Tỉnh uỷ Nam Định đã lãnh đạo công nhân dựa vào Luật lao động đã ban hành năm 1884 về thành lập nghiệp đoàn để đấu tranh công khai đòi thành lập nghiệp đoàn của công nhân nhưng bọn thống trị kiên quyết không chấp nhận. Dựa trên lời hứa của Saten là đồng ý cho công nhân lập ái hữu, công nhân một số nhà máy và một số ngành một mặt làm đơn đưa nhà cầm quyền, mặt khác xúc tiến thành lập ái hữu.
Nghĩa địa Hoa Kiều, thành phố Nam Định, nơi thành lập Ban Chấp hành Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của tỉnh Nam Định, tháng 9-1927. |
Đêm 25-9-1937, tại nghĩa trang Hoa kiều (thành phố Nam Định), một cuộc họp trù bị cho việc thành lập ái hữu công nhân Nhà máy sợi có trên 20 người dự, mở đầu cho việc lập ái hữu trong toàn tỉnh. Tiếp đó ái hữu đã được tổ chức ở khắp các công sở ở thành phố Nam Định như Nhà máy tơ, sở lục lộ, bồi bếp, thợ may, thợ mộc, thợ chạm, thợ thuỷ tinh... Tổ chức ái hữu còn lan sang cả học sinh các trường công, trường tư. Ở nông thôn, các vùng có nhiều thợ thủ công cũng dần dần hình thành các tổ chức ái hữu như ái hữu thợ dệt ở Hạc Châu, thợ làm ren ở Thọ Vực (Xuân Trường). Các ái hữu đều có trụ sở và hoạt động công khai. Tổ chức ái hữu không những quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên (tổ chức đám cưới, đám ma theo nghi thức mới, mở lớp học chữ, tìm công ăn việc làm cho hội viên,...) mà còn thông qua các buổi sinh hoạt để giáo dục chính trị, giáo dục ý thức giai cấp và giai cấp đấu tranh. Trong các cuộc họp của các ái hữu bao giờ cũng có các đảng viên dưới danh nghĩa là chính trị phạm tới dự và điều khiển cuộc họp: Thực chất ái hữu là tổ chức hoạt động công khai của Đảng, là cầu nối giữa Đảng và quần chúng. Hoạt động của ái hữu thực sự mang tính chất nghiệp đoàn, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
Ở nông thôn, các đảng viên còn vận động quần chúng thành lập các tổ chức quần chúng hợp pháp khác như Nông hội, Hội tương tế, Hội tư văn - học sinh đoàn, Hội âm nhạc (bát âm, trống ngũ lôi), Hội dân giáp, Hội cầu phúc... Các hội này phát triển rộng rãi ở Lạc Nghiệp, Đông An, Hạc Châu, Lạc Quần, Hội Khê Ngoại (Xuân Trường); Nam Lạng, Quỹ Đê (Trực Ninh); Hà Cát (Giao Thuỷ); Địch Lễ (Nam Trực); Hào Kiệt (Vụ Bản); Chanh, Vụ Sài, Đống Cao, Thức Vụ (Nghĩa Hưng).
Tổ chức Đoàn Thanh niên Dân chủ, một tổ chức trung kiên của thanh niên cũng đã được hình thành ở một số nơi như Trường Thành Chung (thành phố Nam Định - nơi trước đây có các hội viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Nam Định) nay lại có cơ sở Thanh niên Dân chủ khá mạnh. Tại Địch Lễ (Nam Trực), Đoàn Thanh niên Dân chủ có tới 15 đoàn viên. Đảng đã cử đồng chí Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ) phụ trách Đoàn Thanh niên Dân chủ Nam Định.
Nhận xét về các hình thức tổ chức quần chúng công khai của Đảng trong thời kỳ này, trong báo cáo tình hình mọi mặt của tỉnh Nam Định từ ngày 30-6-1937 đến ngày 30-6-1938, Công sứ Lốtde phải thủ nhận: "Mấy năm nay, người ta thấy các hội này mở ra rất phong phú và đủ màu sắc. Đến nay, có tất cả 61 hội đã tuyên bố thành lập".
(Còn nữa)