Khôi phục và phát triển phong trào cách mạng (1932-1939) Kỳ 4

07:10, 14/10/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Theo đường lối mà Quốc tế Cộng sản đã vạch ra, tháng 7­1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp phân tích tình hình và quyết định: Nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và chống phong kiến của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Đông Dương mà Đảng đề ra từ khi thành lập không hề thay đổi. Nhưng mục tiêu trực tiếp của cách mạng trước mắt là tập trung lực lượng cách mạng, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào bọn phản động thuộc địa Pháp và tay sai của chúng, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình. Để thực hiện mục tiêu ấy, Hội nghị chủ trương lập Mặt trận nhân dân phản đế (sau đổi thành Mặt trận dân chủ Đông Dương) nhằm tập hợp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ, đấu tranh chống kẻ thù chủ yếu, trước mắt là bọn phát xít Pháp, bọn phản động thuộc địa Pháp và tay sai của chúng đòi tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh. Hội nghị cũng nêu hình thức và phương pháp đấu tranh là triệt để lợi dụng những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để tuyên truyền, tổ chức quần chúng; đồng thời phát triển tổ chức bí mật của Đảng, kết hợp những hoạt động hợp pháp và không hợp pháp để phát triển Mặt trận dân chủ, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng. Hội nghị còn phê phán tư tưởng tả khuynh chỉ chú trọng đến công tác không hợp pháp mà phản đối công tác hợp pháp, chỉ biết công nông mà không chú trọng đến những bạn đồng minh rộng rãi, đồng thời cũng đề phòng tư tưởng hữu khuynh như buông lơi việc giáo dục nhiệm vụ chiến lược là phản đế, phản phong hoặc xa rời lập trường giai cấp, ngăn cản quần chúng đấu tranh với tư sản, địa chủ.

    Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng đã vực phong trào cách mạng toàn quốc đang phục hồi lên một bước mới. Việc ban hành lệnh của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ta đòi thả chính trị phạm trở thành yêu sách cấp thiết, hợp pháp và là một nhiệm vụ hết sức cấp bách của cách mạng. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả hàng ngàn tù chính trị, phải ban hành một số quyền dân chủ tối thiểu cho nhân dân ta.

    Tình hình trên đã có tác động lớn tới phong trào cách mạng địa phương. Nhiều chính trị phạm người Nam Định là đảng viên và quần chúng bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc được trả tự do. Những đồng chí trở về địa phương, bọn thống trị dùng hình thức quản thúc tại chỗ để theo dõi, giám sát, hằng tháng phải lên trình diện chính quyền địa phương. Mặt khác, chúng dùng quyền lợi vật chất để lôi kéo, mua chuộc, hy vọng làm lung lạc ý chí chiến đấu, làm cho họ rời bở lý tưởng cách mạng. Nhưng chúng đã bị thất bại trong âm mưu đó. Trừ một vài người thoái hoá, nhìn chung, nhà tù đế quốc chính là những trường học rèn luyện ý chí cách mạng, nâng cao trình độ giác ngộ lý luận và bồi dưõng những kinh nghiệm vận động cách mạng phong phú cho các chiến sĩ cách mạng. Vì vậy, các chính trị phạm thực sự là những cán bộ nòng cốt để xây dựng lại phong trào. Những đảng viên và quần chúng trung kiên ở các địa bàn trươcsđó phải rút vào bí mật để bảo toàn lực lượng, nay thời cơ đến đã nhanh chóng bắt mối hoạt động. Những cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng được tạo dựng từ những năm 1930-1931 đang âm ỉ trong lòng nhân dân nay được khơi dậy, đã mau chóng trở thành những địa bàn cắm chốt, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng.

     Sự phục hồi hoạt động sớm nhất thuộc các cơ sở đảng ở thành phố Nam Định, Chi bộ Nhà máy sợi, các cơ sở ở Lạc Nghiệp, Đông An, Hạc Châu, Hội Khê Ngoại (Xuân Trương), Nam Lạng, Quỹ Đê (Trực Ninh), Hà Cát (Giao Thuỷ), Địch Lê (Nam Trực) trong đó Chi bộ Địch Lễ có tới 8 đảng viên.

    Riêng các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng, tuy cũng có một số đảng viên hoạt động nhưng việc xây dựng lại các chi bộ Đảng lại chậm.

    Ở các địa bàn có phong trào từ những năm 1930-1931 đã tiếp tục hoạt động trở lại, nhưng công tác phát triển Đảng còn bị hạn chế vì thiếu sự chỉ đạo của tỉnh. Lúc này Xứ uỷ Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Hoạt về Nam Định chắp mối và thống nhất phong trào toàn tỉnh, song vẫn chưa có đủ điều kiện để thành lập Tỉnh uỷ. Vì vậy, thời kỳ đầu, hầu hết các địa phương tự tổ chức hoạt động. Nhiều quần chúng trung kiên tích cực, hăng hái nhưng do hạn chế về mặt tổ chức nên chưa được kết nạp Đảng.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com