[links()]
(Tiếp theo)
Việc truyền bá tư tưởng cách mạng tuy bị hạn chế trong phạm vi cơ sở tự đảm nhiệm, thiếu tài liệu, sách báo và sự chỉ đạo chung của Đảng, nhưng có những ảnh hưởng tích cực. Nhóm thanh niên tiến bộ ở Trường Kiêm bị (Nam Trực) là Đặng Hữu Rạng (Đặng Việt Châu), Đặng Hữu Tiệp, Trần Văn Cử, Chu Văn Hiến, Đoàn Văn Thảo do chịu ảnh hưởng trực tiếp tư tưởng cách mạng của Đảng đã ra các tờ báo Phận sự, Ngọn đèn xanh với tôn chỉ là cổ động cho thanh niên hiểu biết phận sự của mình đối với Tổ quốc, lưu hành bí mật trong nhà trường và truyền đến tay một số thanh niên trong huyện nhằm khêu gợi lòng yêu nước thương nòi, vạch mặt chỉ tên kẻ thù của dân tộc là đế quốc, tay sai. Báo đã có tác dụng tích cực đối với nhiều thanh niên ở Nam Trực lúc đó.
Đây cũng là thời điểm phong trào cách mạng trong cả nước dần dần hồi phục. Đầu năm 1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở hải ngoại được thành lập, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, với chức năng của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đã đào tạo cán bộ đưa về nước, thành lập các Xứ uỷ, ráo riết chuẩn bị cho việc mở đại hội. Từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, Đại hội lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ra Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố các tổ chức quần chúng, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô và thông qua Nghị quyết chính trị và Điều lệ Đảng...
Lúc này ở Nam Định, số đảng viên mãn hạn tù trở về địa phương hoạt động ngày càng tăng. Hầu hết các huyện đều có các đảng viên và nhiều nơi các cơ sở Đảng đã tích cực hoạt động, công cuộc khôi phục và phát triển phong trào có nhiều chuyển biến. Tuy vậy, cơ quan lãnh đạo chung chưa được phục hồi, chưa có sự thống nhất chỉ đạo trong toàn tỉnh. Các cơ sở Đảng vẫn hoạt động riêng biệt và tự động. Nhiều chỉ thị nghị quyết của Trung ương vì thế cũng chưa được phổ biến thông suốt tới cơ sở. Đòi hỏi cấp bách của phong trào lúc này là phải có một cơ quan lãnh đạo chung để mau chóng đón nhận, truyền đạt và hướng dẫn cho các cơ sở Đảng và các đảng viên những nhiệm vụ cần kíp trước mắt như công tác xây dựng Đảng, các tổ chức quần chúng và coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn thể cán bộ, đảng viên trong tỉnh.
Có thể nói mấy năm qua là thời kỳ vô cùng khó khăn của phong trào cách mạng Nam Định. Cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng bị tổn thất nặng nề, cơ quan lãnh đạo của tỉnh bị phá vỡ, không liên lạc được với cấp trên. Mặc dù bị khủng bố dã man, nhân dân vẫn một lòng tin tưởng, bảo vệ, nuôi giấu cán bộ. Số đảng viên còn lại, tuỳ theo điều kiện cụ thể vẫn hoạt động và hướng dẫn quần chúng đấu tranh với những hình thức và yêu sách thích hợp. Một số đảng viên thoát khỏi nhà tù đế quốc, mang theo những kinh nghiệm học tập được ở "Trường học cộng sản" về địa phương bắt mối hoạt động cùng với các đảng viên cơ sở vực phong trào sống dậy một cách hiệu quả.
Nhờ Đảng gắn bó máu thịt với dân, nhờ những cố găng nỗ lực phi thường của các đảng viên và quần chúng cốt cán, trải qua những năm sóng gió của khủng bố trắng, từ cuối năm 1934 sang năm 1935 phong trào cách mạng toàn tỉnh dần dần được phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng dẫn dắt phong trào phát triển đến đỉnh cao trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939.
Ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1929-1933 và sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản tới mức đỉnh điểm đã dẫn tới các thế lực phát xít bành trướng ở nhiều nước tư bản. Chúng cấu kết với nhau thành thế lực phản động quốc tế chống chủ nghĩa cộng sản và gây nguy cơ chiến tranh thế giới mới.
Đối lập với chủ nghĩa đế quốc là lực lượng hoà bình dân chủ, tiến bộ hình thành một Mặt trận dân chủ chống phát xít, chống chiến tranh.
Từ cuối năm 1935, phong trào Mặt trận dân chủ chống phát xít đã diễn ra trên quy mô toàn thế giới, trong đó Liên Xô đóng vai trò trụ cột, tiên phong. Tháng 7-1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản đã nhận định tình hình và xác định kẻ thù trước mắt, nguy hiểm nhất của nhân loại chưa phải là chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa đế quốc phát xít. Nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân quốc tế chưa phải là đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa tư bản, giành chủ nghĩa xã hội mà là đấu tranh chĩa mũi nhọn vào chủ nghĩa phát xít và chống chiến tranh, giành dân chủ và hoà bình. Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản đã vạch ra đường lối chung đúng đắn cho phong trào cộng sản và được lực lượng yêu chuộng hoà bình thế giới ủng hộ.
Trong khi đó, cuộc đấu tranh của Mặt trận nhân dân Tây Ban Nha, Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật của Trung Quốc và nhất là của Mặt trận nhân dân Pháp đã có ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào cách mạng của nhân dân Đông Dương.
Tại Pháp, tháng 5-1936, Đảng Cộng sản giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử với 72 ghế trong Quốc hội.
Chính phủ cánh tả lên cầm quyền bao gồm phần lớn những người thuộc Đảng Xã hội và Đảng Cấp tiến do Lêông Bờlum- lãnh tụ Đảng Xã hội làm thủ tướng; Marixuýt, đảng viên Đảng Xã hội làm Bộ trưởng thuộc địa. Mặc dù Chính phủ Pháp vẫn nằm trong khuôn khổ một chính quyền tư sản, nhưng ra đời trong cao trào đấu tranh của nhân dân chống phát xít buộc họ phải thi hành một số quyền lợi cho quần chúng lao động ở trong nước và ở thuộc địa mà cương lĩnh của Mặt trận nhân dân đã đề ra. Lúc đó, Chính phủ Pháp đã phải ban bố một số cải cách quan trọng đối với các thuộc địa như ân xá chính trị phạm, lập uỷ ban điều tra và cử các phái đoàn đi điều tra ở các thuộc địa. Sự kiện này có ảnh hưởng tích cực đối với phong trào cách mạng Việt Nam.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam cũng sôi nổi bước vào cao trào cách mạng mới.
(Còn nữa)