Khôi phục và phát triển phong trào cách mạng (1932-1939) - kỳ 2

07:10, 07/10/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Đêm 24-12-1932, bảy cán bộ của Đảng vượt ngục Hoả Lò (Hà Nội) trong đó các đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân Mẫn, Phạm Quang Lịch, Nguyễn Tạo và Lê Đình Tuyển, được đồng chí Vũ Khế Bật đưa về Vụ Bản sau đó chuyển tiếp về vùng bắc Nghĩa Hưng, An Cừ (Ý Yên). Các đồng chí đã được cơ sở Đảng và nhân dân địa phương hết lòng nuôi dưỡng chăm sóc, bảo vệ. Sau một thời gian phục hồi sức khoẻ, các đồng chí cùng với cơ sở Đảng địa phương tổ chức hoạt động, gây dựng phong trào.

    Đồng chí Phạm Quang Lịch- nguyên là cán bộ của Thái Bình được cơ sở An Cừ (Ý Yên) nuôi dưỡng, bảo vệ gần một năm trước sự săn lùng ráo riết của kẻ thù. Tại đây đồng chí đã cung cấp, hướng dẫn cho cơ sở tài liệu Duy vật lịch sử, Quy luật mâu thuẫn hoặc trao đổi kinh nghiệm đấu tranh ở nhà tù và trong quá trình rèn luyện, bồi dưỡng khí tiết cách mạng. Đồng chí đã nhiều lần trở lại Thái Bình, Nam Định để chắp nối đường dây liên lạc.

    Các đồng chí Lê Đình Tuyển ở Chanh Cầu; Nguyễn Tạo và Nguyễn Trọng Đàm ở Phúc Chỉ tuy chỉ có một thời gian ngắn nhưng đã mở được những lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho địa phương. Kẻ địch đã dò tìm các gia đình nuôi dưỡng, che giấu cán bộ để bắt, tra tấn và giam cầm rất dã man, trong đó các đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Trịnh Văn Đản (Thức Vụ), Trần Văn Kỉnh (Vụ Sài), Nguyễn Văn Ri (Văn Cú), Nguyễn Thế Nghi (Phúc Chỉ ), Vũ Trọng Soạn (Chanh Cầu) bị giam cầm từ một đến bốn năm. Nhiều gia đình khác ở Vụ Sài cũng bị địch khủng bố, đe doạ.

chiếc máy chém mà thực dân Pháp dùng để chém đầu những chiến sĩ yêu nước từng bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò.
Chiếc máy chém mà thực dân Pháp dùng để chém đầu những chiến sĩ yêu nước từng bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò.

    Cũng năm 1932, các đồng chí ở Ý Yên còn mở lớp huấn luyện chính trị cho đảng viên và quần chúng cốt cán tại nhà đồng chí Đinh Viết Lãng (An Cừ), giảng viên là đồng chí Phạm Quang Lịch, thu hút được nhiều quần chúng tham gia và bảo đảm giữ bí mật. Lớp học kéo dài mãi tới năm 1933. Khi đồng chí Phạm Quang Lịch chuyển đi nơi khác mới ngừng hoạt động. Những đảng viên, quần chúng cốt cán qua lớp huấn luyện đã nâng cao tinh thần cách mạng, sự hiểu biết về phương pháp vận động đấu tranh và củng cố thêm lòng yêu nưóc của mình.

    Tại Xuân Trường, Chi bộ Lạc Nghiệp đã tự động phát động quần chúng chống bọn địa chủ cường hào xâm phạm quyền lợi, bóc lột nông dân một cách nặng nề. Năm 1933 Chi bộ đã vận động nông dân trong thôn ký đơn kiện, cùng nhau không chịu nộp thuế để làm áp lực. Chính quyền Pháp cho binh lính về bắt những người mà chúng nghi là cầm đầu. Quần chúng tiếp tục biểu tình phản đối. Nhiều người nằm lăn ra đường cản không cho xe địch chở những người bị chúng bắt về tỉnh. Trước sự đoàn kết đấu tranh của nhân dân địch buộc phải nhượng bộ, thả hết những người bị bắt và đồng ý giảm thuế đinh từ 2đ50 xuống 2đ00. Nhân thắng lợi này, Chi bộ vận động nhân dân tiếp tục đấu tranh buộc bọn hương lý phải bỏ các khoản lạm bổ và công khai thu thuế ở đình làng; huy động quần chúng ngăn chặn bọn cường hào âm mưu ăn tiền xẻ đê Thanh Quan cho thuyền buôn ra vào làm thiệt hại đến mùa màng, cả hai cuộc đấu tranh trên đều giành được thắng lợi. Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, một số đồng chí đảng viên còn khéo léo thuyết phục hào lý sở tại đồng ý cho "mở chợ để cải thiện dân kế, dân sinh". Phiên chợ đầu tiên đã thu hút nhân dân đến khai chợ rất đông giống như một cuộc biểu dương lực lượng cách mạng. Đảng vien ở Quất Lâm (Giao Thuỷ) còn tổ chức cho nhân dân vạch trần những thủ đoạn câu kết của cường hào, hương lý chiếm đoạt công điền, buộc chúng phải trả lại cho dân làng. Các đồng chí đảng viên đã lãnh đạo diêm dân đấu tranh chống lại Tây đoan vạch tội ác buộc thực dân Pháp phải điều tên phó đoan đi nơi khác vì diêm dân luôn luôn bị đe doạ bởi sự lùng sục bắt bớ những người làm muối "lậu", bị bắt chẹt trả giá muối rất hạ, đến kỳ thanh toán tiền công còn gây khó khăn.

    Trong năm 1933, khi Bảo Đại về dự Hội chợ Nam Định, học sinh đã có phong trào lột mặt nạ và phá cuộc đón tiếp ông vua bù nhìn này. Năm 1934, học sinh cùng một số binh lính yêu nước vận động nhân dân tẩy chay không đi xem một gánh xiếc ngoại quốcxúc phạm đến danh dự của dân tộc Việt Nam.

    Sang năm 1934-1935, phong trào cách mạng ở địa phương dần dần được hồi phục. Các chi bộ Đảng đã xây dựng được những tổ chức quần chúng công khai dưới các hình thức biến tướng như hội hiếu, phường bát âm (Vụ Bản, Ý Yên), hội học chữ, hội đọc sách báo, hội đá bóng, hội dân giáp, hội tương tế, hội ống, nhóm chơi họ, nhóm học võ. Tại Nhà máy sợi (thành phố Nam Định) và các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ, các hội này làm cho nhân dân nhận rõ tệ tham ô, hối lộ của quan lại, kỳ hao; các hủ tục, thói hư, tật xấu trong xã hội; nâng cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hỗ trợ nhau khi có công việc.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com