Người con ưu tú của quê hương Nam Định - "Công dân Thủ đô ưu tú"

08:10, 10/10/2014

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã đảm nhận nhiều chức trách: Là người có kiến thức sâu rộng, uyên thâm, ông đã viết hàng trăm tác phẩm, công trình khoa học lớn về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và nhiều lĩnh vực khác như triết học, đạo đức học, văn hóa, văn học - nghệ thuật, xã hội có giá trị lớn, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt I (năm 1996); Anh hùng Lao động (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2006); “Công dân Thủ đô ưu tú” (năm 2010) và nhiều danh hiệu khác.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu.
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu.

"Tôi vô cùng xúc động, cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và tình yêu mến của nhân dân tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ mừng thọ cho tôi tuổi 100. Tôi luôn tâm nguyện là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó. Còn sức lực là tôi sẽ còn cống hiến để tiếp tục phụng sự nhân dân, đất nước”. Đó là lời chia sẻ chân tình của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tại lễ mừng thọ tuổi 100 do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức cho Giáo sư. Hiện nay, ở tuổi “Bách niên giai lão”, nhưng Giáo sư Vũ Khiêu vẫn luôn là tấm gương sáng trong lao động nghệ thuật, hằng ngày vẫn miệt mài làm việc, viết sách, viết câu đối, sáng tác nghệ thuật và dành thời gian theo dõi tình hình đất nước, khu vực và trên thế giới để tiếp tục đóng góp cho cách mạng. Trước tinh thần lao động say mê, sáng tạo, trọn cuộc đời cống hiến cho khoa học, cho cách mạng, Giáo sư Vũ Khiêu được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn ghi nhận và biểu dương những đóng góp của ông. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đề tặng Giáo sư Vũ Khiêu: "Hai bàn tay trắng không vương bụi. Một tấm lòng son ở với đời". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết tặng Giáo sư câu đối: “Triết gia trong cách mạng. Nghệ sĩ giữa anh hùng”. Trong lễ khai giảng năm học mới 2014-2015 Trường THPT Cao Phong - ngôi trường mang tên bút danh của Giáo sư Vũ Khiêu, phát biểu tại lễ khai trường, đồng thời mừng thọ 100 tuổi Giáo sư Vũ Khiêu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: Giáo sư Vũ Khiêu là nhà hoạt động xuất sắc trên nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn với những đề tài đã ghi đậm dấu ấn không những đối với các nhà khoa học trong nước mà cả với những nhà khoa học nước ngoài và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tôi thực sự vui mừng vì thấy ở tuổi trường thọ, cây đại thụ của nền văn hóa Việt Nam vẫn tinh anh, không ngừng tiếp tục lao động sáng tạo phục vụ đất nước, nhân dân. Ở Giáo sư là cả một nguồn trí tuệ dồi dào, một kho báu quý giá cho nền khoa học, xã hội nước nhà.

Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, quê làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950 đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong thời gian này, ông đã tập hợp được và cùng làm việc với các văn sĩ trí thức nổi tiếng như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ, Bùi Công Kỳ, Vũ Hoàng Địch, Trần Dần... Sau năm 1954, ông chuyển dần từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Xã hội học ở Việt Nam. Từ năm 1958 đến nay, ông đã viết gần 30 cuốn sách và tham gia biên soạn với tập thể chừng 30 cuốn nữa ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào... Các tác phẩm của ông về vấn đề văn hóa gồm: “Đẹp” (1963), “Anh hùng và nghệ sĩ” (1972), “Cách mạng và nghệ thuật” (1979). Tác phẩm lớn nhất là bộ sách ba tập, dày gần 1.500 trang, cuốn “Bàn về văn hiến Việt Nam”. Những năm gần đây, ngoài việc đọc duyệt và góp phần biên soạn Tủ sách Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn, mỗi cuốn dày hơn 1.000 trang. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Giáo sư Vũ Khiêu sẽ ra mắt bạn đọc cả nước bộ sách 3 tập “Văn hiến Thăng Long”.

Trong lĩnh vực triết học, Giáo sư Vũ Khiêu là người có công đầu trong việc xây dựng ngành Đạo đức học và Mỹ học ở Việt Nam theo quan điểm Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Đó là việc xây dựng những quan hệ đạo đức lành mạnh, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho con người; là việc định hướng cho văn học, nghệ thuật về cái đẹp, cái cao cả, phê phán cái xấu, cái thấp hèn. Tiêu biểu là các tác phẩm: “Mác - Ăngghen - Lê-nin bàn về đạo đức”; “Đảng ta bàn về đạo đức”, “Đạo đức mới”, “Con người Việt Nam và sứ mệnh vinh quang của nghệ thuật”. Giáo sư Vũ Khiêu là nhà khoa học uyên thâm cả về văn hóa phương Đông và phương Tây, có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam thông qua các tác phẩm tiêu biểu như: “Nho giáo xưa và nay”, “Những vấn đề Nho giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam”, “Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử”, “Những vấn đề lý luận về lịch sử tư tưởng Việt Nam”, “Những giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam”. Ở mỗi công trình, Giáo sư Vũ Khiêu có những cống hiến quan trọng về khoa học, phục vụ nhiệm vụ chính trị thực tiễn của Đảng.

Giáo sư Vũ Khiêu không chỉ thành công trong các lĩnh vực triết học, đạo đức học, văn hóa học, lý luận văn học - nghệ thuật… mà còn là người viết các bài phú, văn tế và câu đối nổi tiếng. Giới sáng tác văn học thơ ca cổ điển đã suy tôn Giáo sư như một bậc thầy về thể văn phú, bởi lẽ từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Giáo sư Vũ Khiêu vẫn đi đầu trong thể loại đặc biệt này, nhất là thể hiện đề tài về lịch sử, về văn hiến dân tộc. Ngay từ khi còn trẻ,

Giáo sư Vũ Khiêu đã viết hai bài phú được truyền tụng. Đó là “Truy điệu những lương dân chết đói” (3-1945) và “Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng Tháng Tám” (8-1946). Sau này, Giáo sư viết tác phẩm: “Phù Đổng Thiên Vương phú”, “Văn tế danh nhân văn hóa Nguyễn Quý Tân”, “Văn tế cụ Hoàng Trung Đặng Huy Trứ”, “Văn bia Lý Thái Tổ ở Hoa Lư”, “Văn tế trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương”. Giáo sư Vũ Khiêu cũng đã soạn rất nhiều văn bia, văn tế, cùng hoành phi, câu đối tại rất nhiều đền thờ danh nhân và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước, để ca ngợi khí phách anh hùng, tâm hồn cao đẹp của các anh hùng đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Là một người con Nam Định, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu luôn nặng lòng với quê hương, dành cho quê hương những tình cảm tốt đẹp; luôn trăn trở, góp nhiều ý kiến quý báu với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện với mong muốn cho quê nhà phát triển, hưng thịnh, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa riêng của Nam Định. Giáo sư Vũ Khiêu đã thể hiện tình cảm và tấm lòng sâu nặng của mình khi tặng tỉnh nhà câu đối: “Vươn cao khí thế Đông A, tiếp bước hiền tài xây sự nghiệp. Tỏ rõ tinh thần Nam Định, mở đường giàu mạnh hướng tương lai”. Là tấm gương lớn về tinh thần tự học, lao động say mê và sáng tạo, suốt đời cống hiến cho khoa học, cách mạng, dân tộc, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã giành được sự kính trọng yêu quý của nhân dân, bạn bè, đồng nghiêp trong nước và quốc tế./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com