Nối dài những chiến công!

08:08, 05/08/2014

50 năm đã trôi qua kể từ ngày Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam đánh thắng trận đầu, nhưng niềm tự hào, ý nghĩa của chiến công ấy vẫn đang được nối dài. Bài học về trận đánh oanh liệt của HQND Việt Nam cùng nhân dân miền Bắc vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày 2 và 5-8-1964, HQND Việt Nam đã ra quân đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Hải quân Mỹ xâm phạm vùng biển Vịnh Bắc Bộ; đồng thời, phối hợp với quân và dân miền Bắc anh dũng chiến đấu, bắn rơi, bắn bị thương nhiều máy bay hiện đại, bắt sống phi công Mỹ. Chiến thắng trận đầu của HQND Việt Nam là một trong những chiến công oanh liệt đã đi vào lịch sử và trở thành niềm tự hào của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân anh hùng.

Trận hải chiến oanh liệt, không cân sức

Tháng 5-1964, tàu khu trục Ma-đốc trong thành phần Hạm đội 7 lần đầu xuất hiện tại lãnh hải miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, tàu Ma-đốc là con tàu lớn và hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ lúc bấy giờ, hạ thuỷ vào năm 1944, tàu dài 144,8m, rộng 12,4m, mớn nước 5,8m. Lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.200 tấn, chở đầy 3.320 tấn, tốc độ từ 33-35 hải lý/giờ, quân số trên tàu 247 tên. Trang bị vũ khí gồm 3 bệ 127mm/2 nòng, 2 bệ phóng bom, 2 giàn phóng ngư lôi chống ngầm MK-32, mỗi giàn 03 ống. Ngoài ra trên mặt boong còn có nhiều bệ pháo 20mm vừa bắn đối không vừa bắn đối hải là loại vũ khí uy hiếp lớn nhất khi tàu phóng lôi tiếp cận đến cự ly phóng lôi. Ra đa của tàu khu trục Ma-đốc có thể phát hiện tàu phóng lôi nhỏ ở cự ly từ 10-14 hải lý. Các giàn bom trên tàu khu trục vừa để đánh tàu ngầm, vừa có thể dùng để đánh phá các quả ngư lôi tiến vào tàu. Ngày 31-7-1964, Ma-đốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển miền Bắc Việt Nam để thực hiện các hành động do thám hệ thống bố phòng, phòng thủ bờ biển của HQND Việt Nam. Khi đi ngang khu vực Đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, các thiết bị trinh thám điện tử của tàu Ma-đốc đã mở hết công suất để do thám, xác định hệ thống phòng thủ, bảo vệ bờ biển của HQND Việt Nam.

Trước sự xâm phạm trắng trợn của Hải quân Mỹ, Quân đội ta quyết tâm trừng trị hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền vùng biển Việt Nam. Ngày 1-8, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu về sử dụng lực lượng đánh tàu địch nếu chúng tiếp tục có hành động vi phạm vùng biển nước ta.

Xây dựng Hải quân nhân dân vững mạnh, chính quy, hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Internet
Xây dựng Hải quân nhân dân vững mạnh, chính quy, hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Internet

Căn cứ vào Chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu và tình hình hoạt động của tàu khu trục Ma-đốc, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 tiến hành lắp ngư lôi cho Phân đội 3 và bí mật khẩn trương chuẩn bị, đảm bảo mọi mặt sẵn sàng đưa Phân đội 3 từ Vạn Hoa - Quảng Ninh vào Hòn Nẹ - Thanh Hoá để phục kích, đón đánh Tàu khu trục Ma-đốc. Khi tàu khu trục Ma-đốc cách Hòn Mê (Thanh Hóa) 9 hải lý, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu xuất kích. Mặc dù chênh lệch lực lượng, khó khăn hiện hữu trước mắt nhưng khi đối đầu với tàu khu trục Ma-đốc hùng mạnh, toàn phân đội không một ai nao núng. Một trận hải chiến ác liệt đã diễn ra. Với ý chí kiên cường và dũng cảm, HQND Việt Nam đánh đuổi được tàu Ma-đốc, đồng thời bắn rơi 1 máy bay và bắn bị thương 1 chiếc khác.

Tuy nhiên, ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta, đêm ngày 4-8-1964, Chính quyền nước Mỹ đã dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" vu cáo HQND Việt Nam cố ý tiến công tàu khu trục Mỹ ở vùng biển quốc tế để lấy cớ dùng lực lượng Không quân mở cuộc tập kích lớn đánh phá các căn cứ dọc ven biển miền Bắc.

Ngày 5-8-1964, sau hàng loạt hành động khiêu khích phá hoại có hệ thống và sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đánh lừa dư luận thế giới và trong nước Mỹ, đế quốc Mỹ đã sử dụng lực lượng của hai biên đội tàu sân bay Con-xtơ-lây-sơn và Ti-con-dơ-rô-ga gồm 40 máy bay cánh quạt và phản lực hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như AD6, A4D, F8U, F4H… bất ngờ mở cuộc tấn công mang tên “Hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên), đánh phá vào hầu hết các căn cứ Hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc từ Cảng Sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh - Bến Thuỷ (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hoá) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân ta trong ngày 5-8-1964 và mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta.

Trong ngày 5-8, tại vùng biển Cửa Hội và Thành phố Vinh, đã có 8 máy bay Mỹ lao vào ném bom, các tàu của Phân đội 5 và Phân đội 7 đã báo động kịp thời, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu phối hợp với các lực lượng phòng không đánh trả địch. Trong trận chiến đấu đầu tiên, tàu 187 đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ ở phía Tây đảo Hòn Mát 2km. Trong khi đó, tại Cửa Ròn và Cảng Gianh, một tốp máy bay Mỹ gồm 8 chiếc lợi dụng sự che khuất của núi từ phía Tây đã lao đến ném bom. Tàu đo đạc 527 và tàu 181, tàu 183 (Phân đội 7); tàu 173, tàu 175, tàu 177 (Phân đội 6) phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt không kích của địch bắn cháy 1 máy bay Mỹ và bắn bị thương 1 chiếc khác.

Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hoá), hai tàu phóng lôi 333, 336 và ba tàu tuần tiễu 130, 132, 146 đã phối hợp với lực lượng phòng không nhân dân kịp thời nổ súng bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 2 chiếc khác, lập nên chiến công đầu trên vùng biển Thanh Hoá. Tại vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy một tốp 8 chiếc máy bay vừa lao xuống ném bom đã bị các tàu 122, 124, 134, 144 thuộc Khu tuần phòng 1 và Căn cứ Hải quân Bãi Cháy phối hợp với Tiểu đoàn phòng không 217 và các lực lượng phòng không khác bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái Trung úy I. An-vơ-rét. Sau đó, máy bay Mỹ tiếp tục đánh Bãi Cháy, Lạch Trường và bị ta bắn rơi 2 chiếc, bắn bị thương 1 chiếc khác.

Chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 là trận đầu thử lửa của HQND Việt Nam sau gần 10 năm thành lập. HQND Việt Nam đã anh dũng chiến đấu đánh đuổi tàu Ma-đốc, bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên miền Bắc, làm nên truyền thống đánh thắng trận đầu. Chiến thắng đó có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng của HQND Việt Nam, niềm tự hào của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng Hải quân.

Và ngày 5-8 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của HQND Việt Nam.

Ý nghĩa và bài học còn nguyên giá trị

Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, là ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ của HQND Việt Nam; chiến thắng đó là hệ quả của 10 năm tích cực xây dựng trong điều kiện hoà bình, động viên tinh thần chiến đấu của toàn Quân chủng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lịch sử đã ghi nhận chiến thắng oanh liệt trận đầu của quân và dân miền Bắc là chiến thắng sức mạnh tinh thần của toàn dân tộc, chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường bất khuất Việt Nam, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh. Quyết tâm đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược được bắt nguồn từ tầm nhìn xa trông rộng, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mỹ xâm lược Việt Nam. Cùng với đó, là ý chí dũng cảm kiên cường, tinh thần chủ động, mưu trí, sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ ác liệt, tìm ra cách đánh hay của HQND Việt Nam, quyết tâm đánh thắng kẻ thù được trang bị vũ khí hiện đại.

Đây cũng là chiến thắng mở đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề, thuận lợi, động viên khí thế tiến công, để quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc leo thang chiến tranh phá hoại của Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, cùng với miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ - ngụy, góp phần làm nên những chiến công liên tiếp của quân và dân hai miền Nam - Bắc vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX; là chiến thắng của sự hiệp đồng chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong chiến đấu giữa các lực lượng trong Quân chủng và giữa lực lượng của Hải quân với các lực lượng phòng không và dân quân tự vệ của các địa phương miền Bắc.

Cùng với những ý nghĩa vô cùng to lớn, Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 cũng để lại cho HQND Việt Nam nhiều bài học quý báu, những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau. Nổi bật nhất là bài học trong công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, mài sắc tinh thần cảnh giác, ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu, dám đánh và quyết đánh thắng mọi kẻ thù dù chúng được trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó là phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo chỉ huy và nắm chắc lực lượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý đạt hiệu quả cao; Phải giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật, đoàn kết, hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu; Nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có; Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công trên hướng biển bằng vũ khí công nghệ cao của kẻ thù; Thường xuyên cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, huấn luyện giỏi, quản lý và bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc…

Trải qua hơn 50 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, đến nay diện mạo của HQND Việt Nam đã có sự đổi thay và phát triển vượt bậc. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, đang đặt ra những yêu cầu mới, chính vì vậy nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc nói chung, sẵn sàng chiến đấu của Hải quân nói riêng ngày càng nặng nề và phức tạp. Để thực hiện tốt vai trò làm nòng cốt trong cuộc chiến tranh nhân dân trên biển, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tấn công trên hướng biển của kẻ thù, các lực lượng trong HQND Việt Nam vẫn thường xuyên giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, không ngừng cảnh giác, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết không để bị bất ngờ trong mọi tình huống. Đặc biệt, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của “Đánh thắng trận đầu” vẫn luôn là di sản quý báu của HQND Việt Nam anh hùng./.

Theo dangcongsan.vn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com