Những năm tháng hào hùng

07:08, 19/08/2014

Cách đây 69 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra kỷ nguyên mới độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Với người dân Hải Hậu, sông Múc là một chứng nhân lịch sử về truyền thống yêu nước, cách mạng của đất và người vùng chân sóng. Sông Múc trải dài 26km qua địa phận các xã, thị trấn: Hải Trung, Hải Bắc, Yên Định, Hải Phương, Hải Hưng, Hải Quang, Hải Tây, Hải Tân, Hải Xuân, Hải Hoà, Cồn, Thịnh Long và đổ ra cống 1-5. Dòng sông Múc vẫn còn lưu giữ bao trầm tích của lịch sử, bao chiến tích của mảnh đất, con người Hải Hậu. Ông Trần Văn Ngạc, xóm 10, xã Hải Bắc, 89 tuổi, là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Quần Phương Hạ (nay tách thành 2 xã Hải Phương và Hải Bắc) là người trực tiếp tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên mảnh đất quê hương. Trong tâm thức của ông Ngạc, sông Múc in dấu và khắc ghi đời sống cơ cực của người dân quê hương phải chịu sự áp bức “một cổ hai tròng” dưới chế độ phong kiến hà khắc và sự bóc lột của thực dân Pháp. Sông Múc còn ghi dấu những người chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung: Đó là đồng chí Trần Văn Chử (1910-1950) xã Hải Trung, liệt sĩ, Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp, người trực tiếp tham gia lãnh đạo nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện Hải Hậu. Năm 1931, đồng chí bị địch bắt, giam tại nhà tù Sơn La, cùng buồng với đồng chí Trường Chinh. Được trả tự do năm 1936, năm 1939 trong thời gian thi công đào sông Múc, đồng chí đã lãnh đạo những người đào sông đấu tranh đòi bọn chủ thầu phải trả đủ công lao động... Năm 1950, đồng chí bị địch bắt và sát hại. Đó còn là các đồng chí Đặng Xuân Thiều và Nguyễn Trường Thuý đã tập hợp lực lượng cách mạng và quần chúng đánh chiếm phủ lỵ Hải Hậu giành chính quyền về tay nhân dân.

Ông Trần Văn Ngạc, xóm 10, xã Hải Bắc (Hải Hậu), 89 tuổi, là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Quần Phương Hạ (nay là 2 xã Hải Phương và Hải Bắc).
Ông Trần Văn Ngạc, xóm 10, xã Hải Bắc (Hải Hậu), 89 tuổi, là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Quần Phương Hạ (nay là 2 xã Hải Phương và Hải Bắc).

Với tình yêu quê hương, đất nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, từ ngày 14-8 đến 28-8-1945, tất cả các địa phương trong cả nước đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ở tỉnh ta, theo kế hoạch của Ban cán sự Đảng tỉnh, vào lúc 10 giờ sáng ngày 18-8-1945, lực lượng quần chúng đã kéo về chiếm huyện lỵ Nam Trực. Ngày 20-8, lực lượng cách mạng ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Giao Thủy, Xuân Trường chiếm huyện lỵ, giành chính quyền về tay nhân dân.

Đại tá Đinh Thế Hinh, 89 tuổi, quê làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành (Xuân Trường). Ông nguyên là nhà sư - pháp danh Đại đức Thích Pháp Lữ, một trong 27 tăng ni của chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) khởi nguyện xung kích vào đội quân “Nghĩa sĩ phật tử”. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông cùng các vị tăng ni tham gia hoạt động cách mạng, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia Việt Minh, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhớ lại không khí hào hùng trong ngày khởi nghĩa Tháng Tám, Đại tá Đinh Thế Hinh kể: Huyện Trực Ninh được Ban cán sự Đảng tỉnh chọn làm điểm mở đầu thực hành khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Ngay trong đêm 16, rạng ngày 17-8-1945, Ban cán sự Đảng tỉnh ra lệnh giới nghiêm thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn (cách huyện lỵ Trực Ninh 2km). Bấy giờ, khắp nơi trong huyện, không khí chuẩn bị khởi nghĩa rất sôi nổi, khẩn trương. Quần chúng may cờ, viết khẩu hiệu, chuẩn bị sẵn sàng. Đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh cùng lực lượng Thanh niên cứu quốc huyện Trực Ninh phối hợp với lực lượng tự vệ và nhân dân xã Trực Tuấn chuẩn bị vũ khí, phương tiện chờ lệnh. Chiều ngày 17-8-1945, trước khí thế của đông đảo quần chúng nhân dân với lực lượng vũ trang tuyên truyền, binh lính địch nhanh chóng phải đầu hàng, nộp vũ khí. Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền huyện Trực Ninh.

Tại huyện Hải Hậu, khí thế đấu tranh giành chính quyền trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám diễn ra sôi nổi. Ông Trần Văn Ngạc kể: Sau đảo chính Nhật - Pháp, ở Hải Hậu, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã cử đồng chí Nguyễn Thiết Giáp về phụ trách phong trào trong huyện. Việc đầu tiên là khôi phục hoạt động của các cơ sở Đảng và phát triển các cơ sở Việt Minh vùng chợ Cồn - Văn Lý. Đồng chí Đặng Xuân Thiều, một đảng viên của huyện Xuân Trường vừa vượt ngục từ nhà tù của thực dân Pháp nhanh chóng tìm tổ chức hoạt động, liên hệ với đồng chí Nguyễn Trường Thuý phát triển cơ sở cách mạng. Sau hội nghị Quần Liêu, phong trào đấu tranh giành chính quyền ở Hải Hậu được Ban Cán sự Đảng tỉnh trực tiếp chỉ đạo đã phát triển một bước mới. Cơ sở Việt Minh được xây dựng ở Hội Khê Ngoại, Hà Lạn, Đông Biên, Tư Khẩn, Tứ Trùng Nam, Quần Phương, Trung Trại, Phú Văn, Phú Lễ, Thượng Trại, Cồn, Văn Lý..., trong đó số người tham gia đông nhất, hăng hái nhất vẫn là thanh niên và học sinh. Do chủ trương đúng đắn, đoàn kết tất cả dân tộc, các giai cấp, tập trung đấu tranh, đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, thực hiện giải phóng dân tộc, nên trong một thời gian ngắn, Mặt trận Việt Minh ở Hải Hậu phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Tối 20-8, sau khi trực tiếp chỉ đạo việc giành chính quyền huyện Trực Ninh, Ban Cán sự Đảng tỉnh triệu tập đồng chí Nguyễn Thiết Giáp về họp bàn mở rộng khởi nghĩa và quyết định cấp tốc huy động lực lượng cách mạng đánh chiếm các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Ngày 21-8, đồng chí Nguyễn Thiết Giáp tiến hành tập hợp quần chúng giành chính quyền huyện. Trong lúc đó, đồng chí Đặng Xuân Thiều và đồng chí Nguyễn Trường Thuý ở chợ Cồn được tin các nơi đã khởi nghĩa, mặc dù chưa nhận được lệnh của Ban cán sự, vẫn chủ động tập hợp lực lượng cách mạng và quần chúng chiếm đồn Đoan Văn Lý, tịch thu toàn bộ tài sản, sau đó tổ chức mít tinh ở chợ Cồn, đồng thời một bộ phận do đồng chí Nguyễn Trường Thuý chỉ huy đánh chiếm phủ lỵ. Khoảng 10 giờ ngày 21-8, lực lượng vũ trang của ta bất ngờ đột nhập vào phủ. Bọn nha lại, binh lính tinh thần hoang mang suy sụp cực độ không kịp chống cự bị ta khống chế, tịch thu toàn bộ vũ khí.

Lực lượng do đồng chí Nguyễn Thiết Giáp và Trần Văn Chử tổ chức tiến đến phủ lỵ, hai bộ phận phối hợp thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện Hải Hậu. Cách mạng thành công, chính quyền phủ Hải Hậu về tay nhân dân trong niềm hân hoan của người dân. Sáng 23-8-1945, Phủ bộ Việt Minh Hải Hậu tổ chức mít tinh trọng thể tại sân vận động, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Từ đây phong trào cách mạng ở Hải Hậu dưới sự lãnh đạo của Đảng chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng, củng cố và bảo về chính quyền dân chủ nhân dân.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân Nam Định cùng nhân dân cả nước đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ và chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com