Tình hình Nam Định những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

06:08, 01/08/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Những năm đầu thế kỷ XX, công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã tác động sâu sắc, làm chuyển động nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội của Nam Định. Chính sách khai thác, bóc lột, chiếm đoạt và đặc quyền những ngành kinh tế quan trọng cùng với chính sách cấu kết với bọn phong kiến cường hào nông thôn đã đẩy người dân từng bước đến con đường bần cùng hoá. Hàng vạn người phải dời bỏ quê hương, nơi gắn bó bao đời để ra thành thị, đến các đồn điền, hầm mỏ, bán sức lao động kiếm sống nhọc nhằn. Theo Guru - một học giả người Pháp viết trong tập khảo cứu Nông dân đồng bằng Bắc Kỳ thì: ở các hầm mỏ Bắc Kỳ có khoảng bốn, năm vạn cu ly mộ dưới đồng bằng, theo thống kê thì Nam Định và Thái Bình là nơi cung cấp nhiều người nhất. Và ngay tại thành phố Nam Định cũng đang dần hình thành đội ngũ công nhân với xu hướng ngày càng tập trung và tăng nhanh về số lượng.

    Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của tư bản Pháp trùm lên phương thức sản xuất phong kiến lỗi thời đã dẫn đến sự phân hoá các giai tầng xã hội và hình thành những giai cấp mới, đồng thời, những mâu thuẫn xã hội cũng ngày càng trở nên sâu sắc.

    Địa chủ Nam Định chỉ chiếm 2% dân số nhưng chiếm đoạt 20% tổng số ruộng đất. Được đế quốc nâng đỡ, chúng trở thành tay sai đắc lực của đế quốc và bóc lột cùng kiệt sức lao động của nông dân. Khi bị đế quốc đụng chạm tới quyền lợi và khi phong trào cách mạng lên cao, một số địa chủ nhỏ có thái độ chống Pháp với mức độ khác nhau. Song nhìn chung, đây là chỗ dựa của đế quốc để áp bức bóc lột nhân dân ta.

    Tư sản Nam Định hình thành rõ rệt từ sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, tập trung ở thành phố Nam Định. Phần lớn tư sản chuyên kinh doanh thương nghiệp, một số ít đầu tư vào sản xuất công nghiệp nhẹ, một số tư sản còn kiêm địa chủ. Tư sản ở Nam Định cho đến những năm 30 của thế kỷ XX số lượng ít, cơ sở kinh tế yếu kém, không có địa vị chính trị; bị tư bản nước ngoài chi phối, chèn ép cho nên họ cũng mâu thuẫn với đế quốc, nhưng về mặt kinh tế thì vẫn móc nối với chúng và làm giàu bằng bóc lột công nhân. Vì vậy, thái độ chính trị của họ mang tính hai mặt: Một mặt chống đế quốc, phong kiến, tán thành độc lập dân tộc và dân chủ tự do. Mặt khác, có thái độ lừng chừng. Khi phong trào cách mạng lên cao thì ngả theo cách mạng. Khi đế quốc mạnh thì dễ thỏa hiệp cải lương.

    Tiểu tư sản Nam Định bao gồm nhiều tầng lớp trong thủ công nghiệp, tiểu thương, viên chức, trí thức, học sinh. Tầng lớp này ra đời gắn liền với quá trình đô thị hoá thành phố Nam Định. Tầng lớp tiểu tư sản đời sống bấp bênh, luôn bị đe dọa về kinh tế. Trừ một thiểu số có quan hệ với đế quốc, phần lớn đội ngũ này có tri thức, rất giàu tình cảm cách mạng, căm ghét bọn đế quốc, tay sai, luôn luôn là lực lượng mở đường cho trào lưu tư tưởng cách mạng mới.

    Nông dân Nam Định chiếm gần 90% dân số là hình ảnh điển hình, đặc trưng của người nông dân Bắc Kỳ. Họ bị đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề bằng sưu cao, tô tức nặng; bị chiếm đoạt ruộng đất, bị bần cùng sống lay lắt, đói nghèo. Nông dân các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc - nơi vùng đồng chiêm trũng còn cực khổ hơn. Quanh năm trong cảnh sống ngâm da, chết ngâm xương với một vụ chiêm thất bát và đói nghèo bám riết. Nông dân theo đạo Thiên Chúa còn bị Nhà chung lợi dụng thần quyền, giáo lý bóc lột thậm tệ, do đó nông dân Nam Định rất căm thù đế quốc phong kiến, có tinh thần yêu nước nồng nàn.

    Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trên địa bàn Nam Định, một đội ngũ công nhân sớm ra đời và ngày càng phát triển. Số lượng công nhân trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, giao thông, vận tải, xây dựng... có khoảng 1,5 vạn người. Hầu hết công nhân sống tập trung ở thành phố Nam Định - một trong ba trung tâm công nghiệp lớn ở Bắc Kỳ. Công nhân Nam Định có trình độ kỹ thuật, tác phong công nghiệp hình thành sớm. Xuất thân từ nông dân, có mối liên hệ tự nhiên và mật thiết với nông dân, cùng chia sẻ nỗi thống khổ với nông dân và cùng có chung kẻ thù là đế quốc, phong kiến - đó chính là cơ sở vững chắc của khối đoàn kết công - nông Nam Định.

    Khác với nông dân, người công nhân phải tuân thủ chế độ làm việc với giờ lao động tối đa từ 12 đến 14 giờ một ngày. Lương thấp, bị hành hạ vô cùng tàn nhẫn, không có bảo hiểm tối thiểu, lại luôn luôn bị đe dọa đuổi việc nên đời sống rất bấp bênh, công nhân bị thương tật, bị chết thê thảm vì tai nạn ngày càng nhiều. Công nhân còn phải gánh chịu một chế độ thuế khóa nặng nề; thuế thân mỗi suất 2đ5; thuế cư trú (đối với những người ở ngoại thành) lđ57 cùng các loại lễ lạt khác.

    Trong cảnh khốn cùng của nước mất, nhà tan, đội ngũ công nhân Nam Định sớm nhận rõ kẻ thù của dân tộc cũng là kẻ thù giai cấp. Ý thức dân tộc, ý thức giai cấp ngày càng hòa quyện một cách sâu sắc. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng công nhân Nam Định có lòng yêu nước cao, có tinh thần cách mạng triệt để, đoàn kết chặt chẽ với nông dân, có mối liên hệ mật thiết với công nhân toàn quốc và cả phong trào công nhân quốc tế nên sớm trở thành lực lượng tiền phong của cách mạng.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com