[links()]
(Tiếp theo)
Để xây dựng cơ sở, phát triển hội viên, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định đã biết lợi dụng những tổ chức công khai như Hội đá bóng, Hội ma chay,phường họ để tuyên truyền cho đông đảo quần chúng. Cuối năm 1928, ở một số nhà máy, xí nghiệp đã có tổ chức Công hội và ở nông thôn có Nông hội ra đời.
Thời kỳ này hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nặng về xây dựng cơ sở. Tuy nhiên, ở thành phố Nam Định cũng có một số hoạt động phát tán truyền đơn trong giới Hoa kiều để kêu gọi họ gây áp lực với Chính phủ Tưởng Giới Thạch thả một số đồng chí của ta bị chúng bắt giam ở Quảng Châu sau khi Công xã Quảng Châu bị thất bại; hoặc phát tán truyền đơn phản đối việc mộ phu đi Tân Đảo. Đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), từ mùa hè năm 1928 đã sáng lập ra tờ báo Dân cày, in litô, được 19 số ở làng Hành Thiện. Ngoài đồng chí là chủ bút còn có sự tham gia tích cực của Đặng Xuân Thiều, Đặng Xuân Quyền.
Cho tới nửa cuối năm 1928, cơ sở và ảnh hưởng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã rộng khắp, từ thành thị tới các vùng thôn quê. Phong trào cách mạng đều vận động theo con đường cách mạng mà Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã vạch ra. Sự lớn mạnh của phong trào đòi hỏi cần thiết phải củng cố tổ chức, thành lập một bộ máy lãnh đạo chính thức. Đáp ứng yêu cầu đó, tháng 9-1928, Tỉnh bộ lâm thời triệu tập Hội nghị đại biểu Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định. Để che mắt địch, hội nghị được tổ chức trên một chiếc thuyền nan, giữa cánh đồng nước thuộc hai làng Kênh và Hóp (nay thuộc xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định), gồm sáu đồng chí (Trần Văn Lan, Trần Quang Tặng, Đào Gia Lựu, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Văn Hoan, Vũ Huy Hào).
Từ đường chi Ất, họ Phan, thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, T.P Nam Định, nơi thành lập chi bộ Cộng sản thôn Địch Lễ, tháng 2-1938. |
Đây là một hội nghị quan trọng sau hơn một năm hoạt động của các chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong tỉnh. Tại hội nghị này, Ban Tỉnh bộ lâm thời đã kiểm điểm đánh giá tình hình, bàn công tác mới và lần đầu tiên bầu đại biểu đi dự hội nghị Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, bầu Ban Chấp hành Tỉnh bộ chính thức gồm các đồng chí Nguyễn Văn Hoan (Bí thư), Đào Gia Lựu, Vũ Huy Hào. Hội nghị bàn sâu việc thực hiện chủ trương của Kỳ bộ để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phát triển cơ sở cách mạng. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới nông dân, công nhân trong công tác tuyên truyền và giác ngộ, tiến tới kết nạp hội viên mới.
Sau hội nghị Tỉnh bộ Nam Định, phong trào cách mạng trong tỉnh có bước chuyển rõ rệt. Các cơ sở cách mạng ở nhà máy, nông thôn được xây dựng, phát triển nhanh và rộng ở địa phương. Sang năm 1929, bộ máy lãnh đạo của tỉnh có sự thay đổi. Đồng chí Nguyễn Văn Hoan được Kỳ bộ cử sang phụ trách, phát triển cơ sở hội ở Ninh Bình. Để tăng cưòng công tác và bộ máy lãnh đạo của tỉnh. Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ chỉ định Ban Tỉnh bộ mới gồm ba đồng chí Nguyễn Văn Phúc (Phúc ghẻ), làm Bí thư, Phạm Gia phụ trách tài chính, Đào Gia Lưu phụ trách tuyên huấn.
Ban Tỉnh bộ mới vẫn có trách nhiệm phụ trách phong trào ở các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Cơ quan Tỉnh bộ lúc này đặt ở một phố gần Ngã sáu Năng Tĩnh (thành phố Nam Định).
Thực hiện chủ trương vô sản hoá của Kỳ bộ, các cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định thuộc thành phần trí thức, học sinh đã vào lao động trong các xí nghiệp, nhà máy... Một số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở các tỉnh khác cũng được cử về vô sản hoá ở Nam Định như Khuất Duy Tiến, Ngô Huy Ngụ, Mai Thị Vũ Trang, Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển và trở thành cán bộ chủ chốt của Nam Định. Việc thực hiện chủ trương vô sản hoá có tác dụng rất lớn trong việc rèn luyện, nâng cao ý thức vô sản cho các cán bộ cách mạng xuất thân từ trí thức, học sinh, tiểu tư sản. Đồng thời đây cũng là thời cơ để tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tăng cường việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và phương pháp tổ chức công nhân đấu tranh. Thông qua những buổi sinh hoạt nội bộ, đọc sách báo, đội ngũ công nhân đã tiến bộ rõ rệt về trình độ tổ chức, nhận thức tư tưởng. Đó là những yếu tố cơ bản thuận lợi thúc giục tinh thần vùng lên đấu tranh của lực lượng công nhân với ý thức chính trị ngày càng cao.
Từ khi có sự chỉ đạo thống nhất của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào đấu tranh ở Nam Định phát triển khá mạnh mẽ. Nhiều cuộc đấu tranh của thợ thuyền đã nổ ra liên tiếp như cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sợi nổ ra ngày 23-11-1928 kéo dài bảy ngày và kết thúc thắng lợi, cuộc đình công của toàn bộ phu kéo xe ở thành phố ngày 1-10-1929, đặc biệt là cuộc đấu tranh kéo dài 10 ngày vào cuối tháng 3-1929 của công nhân xưởng sợi Nhà máy sợi đã gây ảnh hưởng lớn trong giới thợ thuyền cả nước.
Nguyên nhân cuộc bãi công này là do chủ nhà máy tăng thêm máy, sa thải bớt thợ, bắt công nhân phải làm thêm việc mà không được trả thêm lương. Khi công nhân đòi chủ tư bản phải giải quyết việc làm thêm thì bị chủ đánh đập. Lúc đầu, bãi công nổ ra ở một bộ phận xưởng sợi A, sau lan ra toàn xưởng A và xưởng B. Yêu sách của công nhân là tăng lương, không được dãn thợ và hành hạ thợ, đánh đập thợ. Hình thức đấu tranh là làm đơn, nêu yêu sách đồng thời bỏ việc để gây áp lực. Trong hơn một tuần lễ, ngày nào công nhân cũng tập trung ở cửa phòng giấy và cổng ra vào xưởng sợi để đấu tranh, buộc bọn chủ phải chấp nhận yêu sách tăng lương công nhật cho thợ đứng máy sợi con từ 18 xu lên 24 xu, lương thợ đổ sợi từ 11 xu lên 13 xu một ngày. Cuộc đấu tranh này gây tiếng vang lớn trong nước. Trong kỳ họp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu tháng 5- 1929, đồng chí Ngô Gia Tự, đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ, trong ý kiến phát biểu đề nghị thành lập Đảng Cộng sản đã lấy cuộc đấu tranh này làm dẫn chứng cho sự trưởng thành và yêu cầu cấp thiết phải có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản tiên phong của phong trào công nhân.
(Còn nữa)