[links()]
(Tiếp theo)
Năm 1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lâm thời Nam Định đẩy mạnh mọi hoạt động, tổ chức thêm nhiều chi hội tại Nhà máy sợi, Nhà máy tơ, Nhà máy đèn, Nhà máy rượu, Nhà máy chiếu, thợ thủ công, trường học, giáo viên, hãng buôn.
Tại huyện Ý Yên cũng thành lập được chi hội Phong Doanh do thầy giáo Phạm Hữu Thầm làm Bí thư, gồm Tống Văn Trân (Tân Cầu), Nguyễn Sinh Tài (dạy học tại Lũ Phong), Thái Bá Cơ (dạy học ở Bảo Ngũ - Vụ Bản), Vũ Ngọc Ngoạn (dạy học ở Mụa) và ba học sinh của thầy giáo Tống Văn Trân là Nguyễn Thị Tam (Lỗ Xá), Phạm Thị Thảo (An Lộc), Đào Văn Điệng (An Lộc). Đến cuối năm 1928 chi hội này phát triển tới 15 hội viên. Ngoài ra, đồng chí Vũ Khế Bật đã kết nạp thêm một số nhà nho, nhà tu hành như Phạm Đình Cấu tức Đồ Cấu (An Hoà), Nguyễn Đình Lệ tức Đồ Lệ (Tiên Bảng), Sư Tế (trụ trì ở chùa Ngô Xá).
Trên địa bàn Xuân Trường, thầy giáo Nguyễn Trường Thuý vốn là hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nghệ An đã tuyên truyền và lập ra tiểu tổ Lạc Nghiệp gồm năm hội viên (Hồ Gia Tưởng, Nguyễn Xuân Lầm, Trịnh Thế Cửu, Vũ Quý Huynh, Nguyễn Trường Thuý). Cũng vào thời gian cuối năm 1928, thầy giáo Đào Đình Mẫn dạy học ở Cát Xuyên đã giác ngộ cho nhiều học sinh của mình (Đinh Thúc Dự, Đinh Lại Hấp, Phạm Đình Duy, Nguyễn Văn Lữ, Đoàn Văn Truyền, Đinh Văn Huyền, Đinh Văn Trai, Đinh Ngọc Khiên, Phạm Khắc Liểu). Đồng chí Nguyễn Trường Thuý còn tới Định Tường, Lạc Nghiệp và nhiều nơi ở Giao Thuỷ để tuyên truyền kết nạp hội viên mới (Phạm Uý, Phạm Thanh Nhàn, Đỗ Hữu Rưa, Trần Thế Phiệt, Nguyễn Văn Chi).
Cây gạo ở Cầu Cao, xã Cát Thành, huyện Trực Ninh, nơi cắm cờ Đảng năm 1929. |
Đối với Trực Ninh, sáu thanh niên trong Hội đọc sách báo là Phạm Đức Ngữ, Phạm Đức Hiểu, Trần Ngọc Uý, Trần Văn Tiến, Đoàn Kim Quỹ, Trần Thanh Liêm được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hai nhà giáo Đỗ Quang Nhân, Đào Đình Mẫn còn tuyên truyền, giác ngộ được nhà giáo Phạm Gia và kết nạp vào hội.
Ở Hải Hậu, đồng chí Nguyễn Trường Thuý từ Xuân Trường bắt mối sang Hội Khê Ngoại, kết nạp được hai hội viên. Đồng thời đồng chí Lâm Văn Thức, hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội cũng bắt nhân mối về Phúc Thụy (Hải Hà).
Đặc biệt công tác huấn luyện cán bộ là nhiệm vụ được Kỳ bộ hết sức quan tâm giúp đỡ. Tháng 4-1928, Kỳ bộ cử đồng chí Trịnh Đình Cửu về huấn luyện cho lớp cán bộ chủ chốt của tỉnh. Chương trình huấn luyện gồm những vấn đề cơ bản như: Xã hội tiến hoá sử, Các trường phái chủ nghĩa cách mạng, Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, Balê Công xã, Cách mạng Tháng Mười Nga và chế độ Xôviết, Lịch sử Việt Nam, Các tổ chức cách mạng và các bước công tác cách mạng... Lớp học này đã có hiệu quả rõ rệt. Các đồng chí được huấn luyện đã toả đi khắp tỉnh để hướng dẫn cho các chi hội. Từ đây, nội dung tuyên truyền của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định không chỉ giác ngộ tinh thần yêu nước mà còn trực tiếp đề cập tới nội dung cách mạng vô sản.
Hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin của các hội viên rất đa dạng và phong phú. Các đợt huấn luyện cấp tốc được mở ra ở khắp nơi, từ tập trung đến phân tán, nhỏ lẻ chỉ vài ba người. Báo chí trong nước và ở nước ngoài chuyển về được lưu chuyển giữa các chi hội. Các hội viên truyền tay nhau đọc rồi ghi chép phổ biến rộng rãi ra bạn bè. Chi hội trường học còn được giao nhiệm vụ dịch và hệ thống một số tài liệu học tập nghiên cứu bằng tiếng Pháp để phục vụ công tác bồi dưỡng và phát triển tổ chức của Tỉnh bộ.
Từ năm 1928, ở các trường học có đông hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên như Thành Chung, Cửa Bắc còn nổ ra cuộc tranh luận gay gắt giữa hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với các đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng về quan điểm, đường lối, phương pháp cách mạng. Trong quá trình đấu tranh để khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, quan điểm của tổ chức mình, các hội viên đã tranh luận sôi nổi với những lý lẽ có sức thuyết phục, nhiều đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng đã hiểu ra xu hướng cách mạng tiến bộ, và một số học sinh với lòng yêu nước đang hăm hở định đi theo Việt Nam Quốc dân Đảng cũng đứng sang đội ngũ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên như Nghiêm Tử Trình, Phạm Tuân.
(Còn nữa)