Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và xây dựng các tổ chức cách mạng

07:08, 14/08/2014

[links()]

(Tiếp theo)

Thầy giáo Đào Đình Mẫn, dạy học ở thôn Phú An (xã Trực Thành, Trực Ninh) được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ lúc còn ở quê hương Thái Bình, sang Trực Ninh dạy học tiếp tục tuyên truyền tổ chức trong các nhà giáo, học sinh.

Từ những hạt nhân ban đầu, hoạt động có tính chất biệt lập, phong trào đã dần dần phát triển. Đến giữa năm 1927, ở Nam Định đã hình thành một số chi hội đầu tiên, chủ yếu hội viên là công nhân nhà máy, giáo viên, học sinh và một số nhà nho yêu nước. Đó là các chi hội:

- Chi hội đường phố có năm hội viên: Vũ Huy Hào (trí thức nho học - Bí thư), Trần Quang Tặng (trí thức nho học đang làm công nhân cho hãng tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi), Vũ Khế Bật (trí thức nho học), Đỗ Ngọc Bích (thư ký Nhà máy sợi), Trần Minh Tấn (trí thức tiểu tư sản).

- Chi hội giáo học có sáu hội viên: Đào Đình Mẫn (Phú An, Trực Ninh - Bí thư), Phạm Gia (Nam Lạng, Trực Ninh), Trương Đình Phú (Đại Đê, Trực Ninh), Tống Văn Trân (An Lộc, Ý Yên), Lưu Tế Mỹ (thư ký Toà sứ Nam Định), Trần Trung Tín (học viên trường Quảng Châu về, được Kỳ bộ phân công phụ trách công tác vận động trong đội ngũ giáo viên).

Chùa Phúc Chỉ, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, địa điểm họp hội nghị "Thôn Bộ" của hai tỉnh Nam Định - Ninh Bình, tháng 2-1931.
Chùa Phúc Chỉ, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, địa điểm họp hội nghị "Thôn Bộ" của hai tỉnh Nam Định - Ninh Bình, tháng 2-1931.

- Chi hội ghép của công nhân có tám hội viên: Trần Văn Lan (thợ điện Nhà máy sợi - Bí thư), Hồ Công Chương (thợ nguội Nhà máy sợi), Trần Văn Chuyên (thợ nguội Nhà máy sợi), Trần Văn Sinh (thợ nguội Nhà máy sợi), Nguyễn Chương Mão (thợ nguội Nhà máy tơ), Trần Văn Thụ (thợ nguội Nhà máy sợi), Nguyễn Văn Thìn (thợ chữa máy bưu điện), Nguyễn Văn Tiếu (giao thông nhà Ngân hàng Đông Dương).

- Chi hội học sinh trường Thành Chung có sáu hội viên: Phạm Văn Ngọc (học sinh - Bí thư), Trần Viết Dần (học sinh), Lê Đình Thảo (học sinh), Vũ Ngọc Thuấn (học sinh), Trần Viết Bảo (giáo viên), Nguyễn Văn Tiến (giáo viên).

- Chỉ hội học sinh trường Cửa Bắc có bốn hội viên: Phạm Ngọc Dự, Phạm Ngọc Nhĩ, Phạm Xuân Lẫm, Đặng Tiệm Quỳ (học sinh năm thứ tư trường Cửa Bắc - Bí thư).

Đến cuối năm 1927, với sự tuyên truyền, giác ngộ của các hội viên chi hội công nhân, tại Nhà máy sợi đã hình thành thêm một chi hội nữa gồm tám hội viên: Trần Trọng Hợp (thợ nguội - Bí thư), Trần Trọng Hoan (thợ nguội), ông Huỳnh già (thợ điện), anh Huynh (thợ điện), anh Ngọc lớn (thợ điện), anh Trí (thợ điện), Tạ Văn Cấp (thợ điện), Phạm Văn Ngọ (thợ nguội).

Trước đòi hỏi của phong trào đấu tranh ở địa phương đang vận động theo xu hướng mới, Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhận thấy cần phải có sự lãnh đạo thống nhất giữa các chi hội ở Nam Định, do đó, tháng 9- 1927, đồng chí Nguyễn Danh Đới - đại diện Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ triệu tập ba cán bộ chủ chốt nắm các đầu mối thanh niên ở Nam Định là Nguyễn Văn Hoan, Vũ Huy Hào, Trần Trung Tín họp tại nghĩa địa Hoa kiều (Mỹ Xá, thành phố Nam Định). Tại đây, các đồng chí đã bàn bạc, trao đổi và thống nhất nhận định phong trào cách mạng ở Nam Định đang có đà phát triển, cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền và mở rộng phong trào ra toàn tỉnh và hình thành Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định. Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời gồm ba đồng chí Nguyễn Văn Hoan (Bí thư) phụ trách tổ chức và giao thông của Kỳ bộ, Vũ Huy Hào phụ trách tài chính và kiểm soát, Trần Trung Tín phụ trách tuyên huấn. Ngoài việc chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Định, Tỉnh bộ còn có nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng ở cả Hà Nam và Ninh Bình. Trước nhiệm vụ và yêu cầu phát triển phong trào cách mạng ở địa bàn rộng lớn của hai tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, ngay sau khi thành lập, Tỉnh bộ Nam Định đã họp bàn và quyết định cử các đồng chí Vũ Khế Bật, Đào Gia Lựu sang Hà Nam cùng với đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tuyên truyền phát triển hội.

Cùng với việc thành lập Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thời điểm này, nhiều sách báo, tài liệu bí mật cũng được chuyển về Nam Định. Trong đó, đặc biệt cuốn Đường kách mệnh do đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết được đồng chí Nguyễn Lương Bằng đưa từ nước ngoài về, trao cho đồng chí Nguyễn Văn Hoan tại số nhà 191 phố Hàng Cấp, thành phố Nam Định. Đây là tác phẩm lý luận cách mạng đầu tiên được truyền bá vào Nam Định. Việc thành lập Tỉnh bộ và tiếp nhận cuốn Đường kách mệnh là mốc lịch sử đánh dấu sự chuyển hướng đấu tranh cứu quốc theo phương pháp cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com