Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và xây dựng các tổ chức cách mạng

07:08, 12/08/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngay từ năm 1923, nhà giáo Phạm Gia đang dạy học ở tổng Văn Lãng (Trực Ninh) đã lập ra Hội học sinh, Hội đọc sách báo, Hội hiếu học. Từ đây phong trào được thầy giáo Trương Đình Phú phát triển xuống Cát Trung (Trực Ninh) thu hút nhiều phần tử tích cực như Phạm Đức Ngữ, Phạm Đức Hiểu, Trần Ngọc Ứng, Trần Văn Tiến (Cát Trung), Đoàn Kim Quỹ (Thượng Trại), Trần Thanh Liêm (Phú Văn)...

    Ngoài một số thanh niên yêu nước người Nam Định như Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thế Rục, Bùi Lâm, Trần Đình Long, Đặng Huy Hải được gửi sang học tại Trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva, còn hầu hết thanh niên trí thức tiểu tư sản của địa phương sau bãi khoá và lễ truy điệu cụ Phan vẫn chưa tìm được chìa khoá mở đường. Kẻ thù cũng đang ra sức tìm mọi biện pháp để đối phó như tung ra chiêu bài Pháp - Việt đề huề, sử dụng tôn giáo để mê hoặc quần chúng, sử dụng pháp luật hà khắc và nhà tù để đe doạ và đàn áp nhân dân. Giữa lúc ấy, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu, Trung Quốc. Tổ chức cách mạng này đã xuất bản tờ báo Thanh niên để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Tại Quảng Châu, Người mở nhiều lớp và trực tiếp huấn luyện cho những thanh niên Việt Nam yêu nước ở nước ngoài và được đưa ở trong nước sang học tập. Các học viên đã được truyền thụ những nguyên tắc cơ bản của cách mạng vô sản và phương pháp vận động cách mạng rồi trở về nước hoạt động. Năm 1927, những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu đã được xuất bản thành sách Đường kách mệnh. Những hoạt động tích cực đó có tác động và ảnh hưởng sâu sắc về trong nước nói chung và Nam Định nói riêng.

 Nhà số 7 phố Bến Ngự
Nhà số 7 phố Bến Ngự là cơ sở của phong trào yêu nước
và Cách mạng tỉnh Nam Định.

    Trên nền tảng của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, một số đại biểu tiên tiến mà đa số là trí thức, học sinh đã bắt liên lạc được với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tổ chức đưa người sang Quảng Châu để học tập. Nhà số 7 phố Bến Ngự và tại gia đình ông Đinh Huy Ngạc thôn Cát Đằng (Yên Tiến - Ý Yên) là hai địa điểm hội tụ, đầu mối liên lạc với cụ Đinh Chương Dương để đưa những người yêu nước Nam Định sang Quảng Châu. Giữa năm 1925, đồng chí Lê Hồng Sơn từ Quảng Châu về nhà số 7 phố Bến Ngự gặp Đinh Chương Dương đặt vấn đề vận động thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện quân sự. Cụ Đinh Chương Dương đã cử Hoàng Vì Hùng, học sinh Nam Định đi thăm đường, dự lớp đầu tiên và tiếp tục lựa chọn để cử người đi tiếp. Từ ngày 14-7-1926 đến cuối năm 1926, đã có ba đoàn được tổ chức đi bằng những ngả đường khác nhau ra Móng Cái để sang Trung Quốc. Nhưng do sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp, chỉ có hơn một chục người vượt được biên giới đến nơi an toàn như Nguyễn Công Thu, Nguyễn Tường Loan, Nguyễn Danh Thọ, Trần Trung Tín, Lã Quý Tiếp... Từ giữa năm 1926 đến đầu năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát triển mạnh về Nam Định qua nhiều nguồn. Nguồn thứ nhất do Kỳ bộ Bắc Kỳ phái về bắt mối chủ yếu vào những học sinh trường Thành Chung bãi khoá bị đuổi học, được Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên huấn luyện tại Quảng Châu và kết nạp vào tổ chức, khi về nước được phân công về Nam Định phát triển tổ chức (Nguyễn Văn Hoan, Trần Trung Tín). Nguồn thứ hai do các nhà nho, nhà giáo yêu nước, hoạt động trong nhóm Tập kinh khách sạn ở  Nam Định liên lạc được với một số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội và được giao trách nhiệm gây dựng phong trào ở địa phương (Vũ Huy Hào, Vũ Khế Bật). Nguồn thứ ba do các hội viên được kết nạp ở nơi khác chuyển về tiếp tục hoạt động như Đào Đình Mẫn (Thái Bình), Đỗ Quang Nhân, Lê Thiều Hưng (Thanh Hoá), Nguyễn Tường Thuý (Nghệ An).

    Quá trình vận động để phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định là quá trình rèn luyện, quy tụ những tư tưởng cách mạng mới và tự đào thải. Ngay từ cuối năm 1926, đầu năm 1927, một số người, sau khi mãn khoá học ở Trung Quốc về nước được Kỳ bộ phân công trở về các địa phương đã hoạt động tích cực và gieo mầm tổ chức nhanh chóng. Riêng ở Nam Định có ba người là Lã Quý Tiếp, Nguyễn Đồng Phương và Phan Quý Thọ nhưng cả ba người đều sa ngã, bỏ hàng ngũ cách mạng.

    Đến tháng 4-1927, Kỳ bộ phân công đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Trần Trung Tín về hoạt động ở Nam Định. Lúc đầu đồng chí Nguyễn Văn Hoan tập trung phát triển cơ sở trong hàng ngũ công nhân Nhà máy sợi. Đồng chí Trần Trung Tín gây cơ sở trong trí thức, học sinh rồi dần dần mở rộng ra các đối tượng khác.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com