[links()]
Trong quá trình ra đời và hình thành giai cấp, công nhân Nam Định đã không ngừng đấu tranh chống bọn tư bản để bảo vệ quyền sống của mình. Năm 1909, nhân ngày Quốc tế Lao động, nữ công nhân Nhà máy chai đã bãi công phản đối bọn chủ dùng "Tây đen" gác cổng, khám xét thợ khi tan tầm về, xúc phạm nhân phẩm người lao động nữ. Tháng 2-1922, thợ Nhà máy tơ bãi công. Tiếp theo đó, từ ngày 27-2 đến ngày 7-3-1924, hàng trăm công nhân dệt ở Nhà máy tơ bãi công chống chủ nhà máy bắt chụp ảnh, làm thẻ căn cước. Ngày 11-9-1924, toàn thể công nhân Nhà máy rượu bãi công chống sự đối xử hà khắc của tên giám đốc Rơga.
Hai năm 1924-1925, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng mạnh mẽ. Nổi bật là cuộc đấu tranh ngày 30-4-1925 của 2.500 công nhân Nhà máy sợi đòi tăng lương và phản đối việc sa thải 300 công nhân trước đó đã tham gia đấu tranh. Cuộc bãi công gây tiếng vang lớn. Trong tham luận tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V họp tháng 8-1928, đồng chí Nguyễn An, đại biểu những người cách mạng Việt Nam đã dẫn chứng cuộc đấu tranh này để chứng minh cho khả năng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam và sự cần thiết phải thành lập một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.
Một phần nhà máy Dệt Nam Định trước năm 1965. |
Sự phản kháng mạnh mẽ của giai cấp công nhân ở thành phố Nam Định đã có tác động lớn, khiến cho bọn thực dân bóc lột phải hốt hoảng. Phó công sứ Nam Định Đơmâyna trong tường trình gửi về Bộ Thuộc địa Pháp đã viết: "Không phải nghi ngờ gì nữa, như thư từ mà họ (công nhân Nam Định) viết qua Pháp hay nhận được từ Pháp, thư từ mà họ viết qua Trung Quốc, thư từ đi lại qua các trung tâm, kỹ nghệ khác ở Bắc Kỳ, hoặc bằng cách đọc sách báo, truyền đơn mà họ nhận được, bằng những cách đó, họ biết rằng bãi công là một thứ vũ khí dũng mãnh trong tay những người làm công. Họ được tin tức và họ bàn tán với nhau về các cuộc bãi công ở Hồng Kông, Nhật Bản và ở các nước phương Tây và họ biết rằng phần nhiều các cuộc bãi công ấy được thắng lợi". Rõ ràng bọn chủ tư bản đã nhìn thấy sức mạnh của giai cấp công nhân người bản xứ.
Từ đầu thế kỷ cho tới năm 1924-1925, phong trào đấu tranh của công nhân Nam Định tuy mang tính chất tự phát, vì mục tiêu kinh tế nhưng nó đã quy tụ được tính giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật và làm tiền đề cơ bản cho tổ chức cách mạng có khả năng quy tụ cả phong trào yêu nước và phong trào công nhân.
Bên cạnh những cuộc bãi công của công nhân, thời kỳ này, phong trào yêu nước theo khuynh hướng tư sản và vô sản cũng diễn ra sôi nổi. Các cuộc vận động Đông Du, Đông kinh Nghĩa thục, Việt Nam Quang phục hội có ảnh hưởng nhiều tới địa phương.
Năm 1906, Nguyễn Thượng Hiền, đốc học tỉnh Nam Định đã về Hành Thiện (Xuân Trường) thăm người anh em đồng hao là tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên (cả hai đều là con rể Tôn Thất Thuyết) và tiếp nhận bốn học trò xuất sắc của ông là Đặng Đoàn Bằng - con tiến sĩ Đặng Hữu Dương; Đặng Tử Mẫn - con tú tài Đặng Hữu Duệ; Đặng Quốc Kiều - con tú tài kép Đặng Vũ Đông và Nguyễn Xuân Thức - con cử nhân Nguyễn Xuân Tiên, đang làm Án sát Thanh Hoá. Cả bốn người đã mang thư giới thiệu, vượt biển sang Nhật Bản, bắt đầu cuộc hành trình Đông Du của mình.
Tiếp bước lớp người đi trước, nhiều thanh niên Hành Thiện như Đặng Vũ Giá, Đặng Văn Nhã, Đặng Hữu Quỳ, Đặng Vũ Hoàn tiếp tục sang Nhật Bản, Trung Quốc hoặc gia nhập Duy Tân hội, Việt Nam Quang phục hội. Năm 1907, Đặng Kinh Luân lên Hà Nội tham gia thành lập Đông kinh Nghĩa thục. Bị thực dân Pháp khủng bố, ông đã gia nhập Việt Nam Quang phục hội, được cử làm trưởng ban Ám xã.
Ngoài ra còn nhiều hoạt động của thanh niên Hành Thiện như Nguyễn Xuân Khải, Đặng Nguyên Roanh, Đặng Xuân Mậu, Đặng Kinh Bang, Đặng Ngọc Đỉnh, Đặng Hữu Lai, Đặng Hữu Cảnh, Đặng Vũ Long, Đặng Vũ Mậu... đã góp nhiều công sức trong việc liên lạc, dẫn người xuất ngoại trong phong trào Đông Du. Cuối năm 1922, nhiều thanh niên của Việt Nam Quang phục hội đã rời bỏ tổ chức này, cùng nhau lập ra Tâm Tâm xã. Trong số này có Đặng Xuân Hồng, một thanh niên yêu nước Nam Định.
(Còn nữa)