[links()]
(Tiếp theo)
Cùng với hàng vạn công nhân làm việc trong các nhà máy, đồn điền, trên địa bàn thành phố Nam Định còn có hàng ngàn công nhân làm các nghề khuân vác, kéo xe, đầu bếp, giao thông công chính và hàng ngàn công nhân làm thuê cho các hãng tư nhân của tư sản Hoa kiều và Việt Nam. Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đội ngũ công nhân ở địa phương đã xuất hiện. Với hai bàn tay trắng, bán sức lao động một cách rẻ mạt, đời sống của những người công nhân Nam Định vô cùng cực khổ và luôn trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.
Xuất thân từ nông thôn, nhất là vùng nông thôn ven thành phố như Mai Xá, Mỹ Trọng, Đồng Phù, Địch Lễ, hằng ngày những người công nhân làm việc trong các nhà máy phải dậy từ 2-3 giờ sáng để lo cơm nước và làm đến 8-9 giờ tối, có trường hợp đến tận 11-12 giờ đêm mới về đến nhà. Nhằm mục đích bòn rút được nhiều sức lao động của họ, bọn chủ nhà máy sợi đã cho làm khu nhà lá cho công nhân tại làng Mỹ Trọng, để lý trưởng và hộ phố kiểm soát được chặt chẽ.
Với một hệ thống từ chủ nhà máy, đốc công, cai ký đến xúbadăng người công nhân lúc nào cũng căng thẳng và nghẹt thở vì họ có thể bị đánh, bị thu thẻ bất cứ lúc nào. Do chỉ biết chạy theo lợi nhuận nên chủ các nhà máy đã bỏ qua tất cả các biện pháp an toàn, điều kiện để làm việc cũng như sức khỏe, tính mạng của công nhân.
Triệt để lợi dụng sức lao động của trẻ em và phụ nữ là một thủ đoạn bóc lột dã man của giới tư bản và thực dân Pháp. Nhà máy nào chúng cũng dùng rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Hơn thế nữa, chúng còn bắt họ phải làm việc 14-15 giờ một ngày. Từ năm 1927, do công nhân đấu tranh buộc chúng phải thực hiện chế độ làm việc hai ca, mỗi ca 12 giờ. Đến năm 1936 giảm xuống mỗi ngày ba ca, mỗi ca tám giờ. Do thời gian lao động kéo dài, cường độ lao động trở nên hết sức căng thẳng nhưng đồng lương của công nhân lại hết sức rẻ mạt, bị bớt xén và cúp phạt và đóng đủ loại thuế, mỗi năm hết 5-6 đồng. Đó là chưa kể chúng còn lợi dụng tôn giáo để trói buộc người công nhân. Trong nhà máy có đủ miếu, chùa, nhà thờ để công nhân cầu cúng. Ở Nhà máy tơ - nơi có nhiều công nhân công giáo, chúng còn bố trí cố Cao vào hẳn trong đó giảng đạo và theo dõi các hoạt động của công nhân, lập ra tổ chức Thanh niên công nhân Thiên Chúa giáo. Ở Nhà máy rượu, chúng cũng cho truyền đạo và ép công nhân gốc lương theo đạo Thiên Chúa.
Sự phát triển và mở rộng phương thức sản xuất mới trên địa bàn Nam Định trong những năm đầu thế kỷ XX đã khiến cho bộ mặt đô thị ở đây biến đổi nhanh chóng với lối kiến trúc và cách làm ăn khác với truyền thống cũ. Về xã hội cũng có sự biến đổi sâu sắc. Trong số 5-6 vạn dân thì một phần ba là công nhân các nhà máy và có hàng ngàn Hoa kiều, Ấn kiều tới làm ăn sinh sống.
Nhiều hiệu buôn đã được mở ra ở các phố Hàng Song, Hàng Tiện, Hàng Lọng, Hàng Thêu, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Đàn, Hàng Mũ, Hàng sắt, Hàng Mâm, Hàng Giấy, Hàng Thao, Hàng Nâu, Bến Ngự, Văn Miếu, Trường Thi, Cửa Bắc, Năng Tĩnh, Vải Màn, Phố Khách. Một số làng ven thành phố cũng bắt đầu sự đô thị hóa của mình.
Sự phát triển của công nghiệp cũng như thương mại đã thu hút về thành phố Nam Định một đội ngũ thợ thủ công lành nghề như rèn, gò, tiện và nhiều nghề tài khéo khác (thêu, may, dệt). Cùng với các viên chức, những người thợ thủ công từ khắp các làng quê Nam Định đã góp phần làm đông đảo thêm đội ngũ công nhân và tầng lớp tiểu tư sản thành thị, đây cũng là một nét đặc thù của những thành thị mới được lập nên ở khu vực các tỉnh đồng bằng ven biển Bắc Bộ.
Trong quá trình tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở Nam Định, thực dân Pháp còn cấu kết chặt chẽ với giai cấp phong kiến, địa chủ để áp bức bóc lột nhân dân. Ngoài thủ đoạn vơ vét, bóc lột nặng nề bằng đầu tư khai thác nguyên liệu, chúng còn ráo riết chiếm đoạt ruộng đất, lập các đồn điền, độc quyền về kinh tế, đặt hàng trăm các loại thuế khóa hết sức phi lý.
Tính đến cuối thế kỷ XIX, trên phạm vi Nam Định, thực dân Pháp đã lập ra 6 đồn điền, chiếm diện tích 2.648 ha với các chủ đồn điền như Buôcgioanh Mefrơ lập năm 1890 (6 ha); Gôbe Frerơ lập năm 1890 và 1891 (2 đồn điền, 90 ha); Đuypông- nhân viên hãng vận tải đường sông, lập năm 1892 (1,33 ha); Đôren - thương nhân ở Hải Phòng, lập năm 1893 (17 ha); Marông - nhân viên đo đạc ở Nam Định, lập năm 1896 ở vũng bãi bồi ven biển (2.534 ha).
Các chủ đồn điền tìm mọi cách mở rộng ruộng đất của mình và duy trì phương thức sản xuất có từ thời trung cổ. Các đồn điền dần dần trở thành một lãnh địa phong kiến.
Dựa vào thế lực của đế quốc và thần quyển, Nhà chung ở Nam Định cũng ra sức chiếm đoạt ruộng đất bằng mọi thủ đoạn. Tại Bùi Chu và Phú Nhai, ruộng đất của hàng chục làng là của cha cố Toà Giám mục Bùi Chu, chiếm tới 555,48 ha; nhà xứ An Bài chiếm 216 ha. Số ruộng đất trong toàn tỉnh Nam Định bị Nhà chung chiếm tới trên 2.061 ha thì riêng ba huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy đã là 1.800 ha (5.000 mẫu).
Nam Định là một trong những tỉnh có nhiều địa chủ (khoảng trên dưới 400 người), chiếm hàng vạn hécta. Có những tên địa chủ như Vũ Ngọc Hoánh chiếm của nông dân hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy tới 360 ha và của nông dân Hải Hậu tới 468 ha. Có một thực tế là, số đại địa chủ ở Nam Định sở hữu lớn không nhiều, hầu hết chỉ dừng lại ở mức từ 1,8 - 18 ha.
(Còn nữa)