[links()]
Sau khi hoàn thành xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Các tỉnh lớn được chia cắt thành tỉnh nhỏ, các đơn vị cấp dưới bị dồn lại có lợi cho việc tổ chức cai trị của chúng.
Năm 1890, chúng cắt phần đất thuộc tả ngạn sông Hồng của Nam Định để lập tỉnh Thái Bình và một số xã ở phía tây bắc cho tỉnh Hà Nam. Tỉnh Nam Định lúc này bao gồm phần đất thuộc hữu ngạn sông Hồng và hai huyện Ý Yên, Phong Doanh bị tách sang Ninh Bình từ năm 1875 đến đây được sáp nhập trở lại.
Ở cấp huyện, chỉ trừ huyện Thượng Nguyên do chạy dài theo sông Hồng và sông Châu nên bị cắt nhỏ cho các huyện lân cận, còn nhìn chung các huyện khác vẫn giữ địa giới cũ. Phủ không còn là cấp trung gian giữa tỉnh và huyện mà quyền hạn chỉ ngang với huyện. Tên phủ cũ được dùng để gọi thay cho huyện trước đây do phủ thống hạt, còn các huyện vẫn giữ tên cũ.
Như vậy tỉnh Nam Định lúc này có các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Phong Doanh, Trực Ninh (tách từ Nam Chân năm 1833), Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu (mới lập năm 1888).
Bộ máy thống trị hàng tỉnh của thực dân Pháp đứng đầu là công sứ người Pháp, có phó sứ giúp việc, quyết định toàn bộ công việc cai trị. Bộ máy quan lại bản xứ tuy vẫn được dán cái nhãn cũ là tổng đốc, bố chính và án sát song thực chất chỉ là bù nhìn, thừa hành những công việc cụ thể.
Về quân sự, thực dân Pháp thâu tóm quyền chỉ huy các đơn vị đóng ở thành phố và những điểm trọng yếu như Lạc Quần, Quất Lâm, Tam Tòa, Trần Phương...
Từ năm 1897, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất; xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cần thiết cho việc khai thác thực dân, đẩy mạnh nền sản xuất công nghiệp và thương mại của thực dân Pháp ỏ Đông Dương; thiết lập hệ thống thuế khóa mối để tăng cường ngân sách.
Thành cổ Nam Định bị phá bỏ. Nhánh sông Vỵ chảy sát thành bị lấp để mở rộng thành phố. Nam Định trở thành một trong ba thành phố lớn của Bắc Kỳ cùng với Hà Nội, Hải Phòng. Nhánh sông thẳng ra sông Hồng trước đây được bồi nông nay được đào rộng và sâu xuống được gọi là sông Đào. Đầu thế kỷ XX, đường xe lửa xuyên Việt và đường quốc lộ số 1 được thông đường. Năm 1920, nhà cầm quyền Pháp còn xây dựng dự án làm đường sắt tuyến Nam Định - Thái Bình và Nam Định - Lạc Quần. Một loạt đường liên tỉnh số 10, 12, 21 được hoàn thành cùng các tuyến đường liên huyện đã giao nhau tại thành phố tạo nên một mạng lưới giao thông liên hoàn, thuận tiện cho các cuộc hành quân đàn áp và chuyên chở hàng hóa phục vụ công cuộc khai thác của thực dân.
Song song với việc thiết lập bộ máy cai trị và cơ sở hạ tầng, thực dân Pháp bắt tay vào việc bóc lột người bản xứ, mở rộng thị trường, vơ vét tài nguyên chở về chính quốc và phục vụ cho cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914- 1918).
Thành phố Nam Định trở thành trung tâm thu hút sức người, sức của của cả một vùng rộng lớn. Là nơi có nghề tằm tơ phát triển lâu đòi, ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX các thương nhân Hoa kiều đã đến mở các xưởng sợi, dệt vải khá phát đạt. Nhìn rõ đây là một ngành có điều kiện phát triển và khả năng bóc lột thu hút lợi nhuận cao, tư bản Pháp đã từng bước thâu tóm để lập Công ty bông sợi Bắc Kỳ tại Nam Định, một "liên hiệp các xí nghiệp sợi - vải" vào loại lớn nhất Đông Dương.
Năm 1908, hãng Emory và Toócten đứng ra thành lập Công ty tơ lụa xuất khẩu Pháp - Việt (SFATE) với số vốn là 1,4 triệu phơrăng. Từ năm 1928, nhà máy còn có chi nhánh ở Lạc Quần, Quy Phú, Thượng Kỳ.
Sau khi Nhà máy sợi, Nhà máy tơ ra đời và làm ăn phát đạt, thực dân Pháp bắt tay xây dựng một loạt các nhà máy công nghiệp nhẹ như Nhà máy rượu... để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của tư bản Pháp.
Bên cạnh hệ thống nhà máy của tư bản Pháp, ở Nam Định còn có nhiều cơ sở thương mại và công nghiệp của tư sản Hoa kiều và tư sản Việt Nam như xưởng cơ khí Nguyễn Thế Môn - Nguyễn Văn Viễn; nhà in Trương Phát, Nam Việt và Mỹ Thắng, xưởng dệt đũi Vũ Tư Cấu và Đặng Vũ Tiêu; xưởng ôtô của Lê Trường Xuân và Nguyễn Công Thảo. Riêng Bạch Thái Bưởi, sau khi thắng thầu một hiệu cầm đồ ở thành phố Nam Định, năm 1909 ông đã bỏ tiền thuê ba chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long, Khoái Tử Long) của Mácty, cho chạy hai tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Dần dần ông thâu tóm cả các đội tàu của các công ty Pháp và Hoa phá sản. Năm 1915, ông mua lại xưởng đóng tàu của Mácty. Năm 1916 ông cho chuyển trụ sở của hãng từ Nam Định xuống Hải Phòng.
(Còn nữa)