[links()]
(Tiếp theo)
Khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta (1858), ngay từ lúc chúng nổ súng gây hấn ở Đà Nẵng, triều Nguyễn nhu nhược, khiếp sợ trước tàu đồng, súng đại bác của giặc chỉ một hai bàn "hòa" thì nhân dân Nam Định đã sôi sục ý chí quyết tâm "quyết chiến". Tiêu biểu cho giới sĩ phu - kẻ sĩ Bắc Hà là Đốc học Nam Định Phạm Văn Nghị. Ông đã gửi lên Tự Đức tờ tấu "Trà Sơn kháng sở", xin được tổ chức một đội quân tình nguyện Nam Tiến đánh giặc Pháp. Đầu năm 1860, đoàn nghĩa dũng của ông gồm 365 người, trong đó có khá nhiều học trò của ông vào đến Huế thì quân Pháp đã rút vào Gia Định để tập trung đánh chiếm Nam Kỳ. Nghĩa quân xin được tiếp tục hành quân vào Nam đánh giặc, song vua Tự Đức không đồng ý, buộc nghĩa quân phải trở ra Bắc. Tuy chưa có điều kiện trực tiếp đối mặt với giặc, song nghĩa cử đó có sức cổ vũ mạnh mẽ trong giói sĩ phu và dân chúng trong cả nước.
Cũng tháng 3-1860, tiến sĩ Doãn Khuê tạm thay Phạm Văn Nghị giữ chức Đốc học Nam Định đã cùng các viên giáo thụ, huấn đạo, tri phủ, tri huyện Nam Định làm sớ tâu gửi Tự Đức kịch liệt phản đối việc triều đình nghị hòa với giặc. Vua Tự Đức khi nhận xét về nhân dân Nam Định đã ngợi khen "... Có những người như Phạm Văn Nghị, Doãn Khuê, Đỗ Phát là những nhà nho lão luyện, các vị hưu quan mà biết vì nước bảo dân, không đến nỗi để lo cho triều đình". Năm 1862, triều Nguyễn buộc phải ký hòa ước cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, quần chúng phản ứng sôi sục. Khoa thi hương 1864 ở Nam Định sĩ tử hò reo phản đối không chịu vào thi. Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn phải nhận thay mặt sĩ tử viết sớ về triều đề đạt ý kiến xin "quyết định".
Pháp tấn công và đổ bộ bán đảo Sơn Trà |
Sự yếu hèn của triều đình đã dẫn đến việc Pháp tiến công xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất vào năm 1873. Nam Định được coi là một trọng điểm của cuộc đánh chiếm. Phạm Văn Nghị đang làm Thượng biện Hải Phòng sứ, được cử mang quân đến ngã ba sông Độc Bộ cùng với quân của lãnh binh Nguyễn Văn Lộc chắn tàu chiến giặc từ Ninh Bình ra Nam Định. Ông đã chỉ huy quân sĩ nã phát súng đầu tiên vào tàu giặc nhưng không cản được bước tiến của địch. Trận Độc Bộ thất bại nhưng chính Phrăngxi Gácniê đã ghi lại cảm nhận: "trận này cho chúng tôi biết rằng Nam Định sẽ đón tiếp chúng tôi như thế nào vào ngày mai 11-12-1873". Khi tàu Pháp tiến về Thành Nam đã bị Ngô Lý Diễn, các hào mục Đặng Huy Tính, Nguyễn Văn Hộ, bá hộ Trần Trí Thiện cùng dân binh chống trả quyết liệt. Còn sáng mãi tấm gương của Hiệp quản Trần Vĩnh Cát, xuất đội Ngô Triển đã phải lên mặt thành chiến đấu dũng cảm, hy sinh và hàng trăm binh sĩ hy sinh anh dũng bảo vệ thành. Thành Nam thất thủ, các văn thân tỏa về các vùng quê vận động nhân dân xây dựng lực lượng kháng chiến chiếm giữ vùng nông thôn. Mạnh nhất là căn cứ kháng chiến của Phạm Văn Nghị ở An Hòa (Ý Yên) đã chiêu mộ được 7.000 người ứng nghĩa, giữ yên cả một vùng Ý Yên, Phong Doanh, Thanh Liêm và giữ vững địa bàn cho tới khi giặc phải rút khỏi Bắc Kỳ.
Sau khi Pháp chiếm được thành Hà Nội (1882) trong lần đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, năm 1883 chúng lại kéo xuống đánh chiếm Thành Nam. Lần này, hỏa lực của giặc mạnh gấp 10 lần trước. Phía ta cũng được chuẩn bị, cho nên cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Ngày 27-3-1883, địch tiến công vào thành, quân ta dồn lực lượng tiến đánh, tên trung tá Carô chỉ huy quân Pháp bị thương nặng ngay gần cửa Đông (hai tháng sau thì chết). Dựa vào uy thế hỏa lực, địch phản công quyết liệt. Nguyễn Hữu Bản chỉ huy quân tiên phong giữ thành, hy sinh tại trận. Đề đốc Lê Văn Điếm bị thương ở bụng vẫn tiếp tục chỉ huy quân sĩ chiến đấu cho đến khi ngã xuống. Án sát Hồ Bá Ôn là quan văn vẫn xông pha chiến trận đến tử thương.
Pháp chiếm được thành song quân ta rút ra lập phòng tuyến vòng ngoài, giam chân chúng nhiều tháng trong thành.
Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống Chiếu Cần Vương, nhiều sĩ phu Nam Định đã nổi dậy hưởng ứng như Tạ Hiền, Lã Xuân Oai, Phạm Trung Thứ ở Thượng Đồng (Ý Yên), Vũ Hữu Lợi ở Nam Chân; Nguyễn Xuân Giá (Lỗ Xá), Phạm Nhân Lý (Yên Hòa), Hoàng Văn Tuấn (Phú Khê) thuộc Ý Yên, đội Võ (Giao Thủy), Đoàn Trí Trạch (Vụ Bản)... Phong trào kháng Pháp của các sĩ phu lan rộng khắp mọi miền quê Nam Định nhưng không được triều đình giúp sức. Sau khi triều đình ký hòa ước đặt nước ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp, các sĩ phu đều bị bắt bớ, tù đày hoặc bị mưu sát.
Các cuộc khởi nghĩa trên tuy nối tiếp nhau bị dập tắt, song đó là biểu hiện của tinh thần yêu nước thiết tha, ý chí quật cường bất khuất của các tầng lớp nhân dân. Đó chính là nguồn mạch nuôi dưỡng, bồi đắp thành những di sản quý giá của quê hương, là những tiền đề quan trọng để nhân dân Nam Định sớm tiếp nhận ngọn đuốc soi đường, ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào cách mạng theo khuynh hướng vô sản.