[links()]
(Tiếp theo)
Khi Lê Lợi tiến quân ra Bắc qua đất Nam Định đều được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Một người họ Đoàn ở Giáp Nhất (Nam Giang - Nam Trực) đã cùng trai tráng trong làng dùng vũ khí tự tạo diệt tàn quân Minh bại trận ở Thiên Quan chạy qua vùng này.
Từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam chuyển sang thời kỳ suy tàn. Nhân dân Nam Định cùng toàn thể dân tộc Việt Nam bước vào một thời kỳ đấu tranh với chế độ phong kiến tàn ác bên trong và giặc ngoại xâm bên ngoài. Dưới thời nhà Mạc, nhân dân Nam Định điêu đứng vì cuộc chiến Nam - Bắc triều, vì nạn tham quan ô lại. Năm 1596, ở làng Thi Vu (Đại An, nay thuộc Ý Yên) có Phạm Hang đã đến chiếm núi Đam Khê (Yên Mô - Ninh Bình) xây dựng căn cứ khởi nghĩa, rồi đưa quân đánh chiếm phủ Trường Yên, phủ Nghĩa Hưng. Sau một tháng dấy binh khởi nghĩa có hàng vạn người theo. Triều đình phải hao binh tổn tướng mới dẹp được tạm yên.
Thế kỷ XVIII ở Đàng Ngoài nhà Lê suy tàn, chúa Trịnh chuyên quyền lấn át, trong triều ngoài nội biến loạn. Năm 1740, Vũ Đình Dung chiêu tập vũ dũng, lập căn cứ ở ngay tại quê mình là làng Ngân Già (tục gọi làng Càng, nay thuộc xã Nam Cường, Nam Trực) đánh phá huyện nha trấn thành ở Nam Chân, Giao Thủy và Đại An, lấy của chia cho dân. Tổng trấn Sơn Nam đem quân trấn áp đã bị nghĩa quân giết chết, sau đích thân chúa Trịnh Doanh phải kéo đại quân về dẹp. Thủ lĩnh Vũ Đình Dung bị giết, làng Ngân Già bị xóa tên đổi thành Lai Cách.
Chùa Bi, xã Nam Giang, huyện Nam Trực. |
Năm 1741, Nguyễn Hữu Cầu (quận He) phất cờ "Đông đạo tổng quốc báo dân đại tướng quân" từ Bắc Hà kéo về Nam Định với khẩu hiệu "lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo" được nhân dân Nam Định đồng lòng hưởng ứng. Sau vì lực lượng chênh lệch, Nguyễn Hữu Cầu phải chuyển vào vùng đất Nghệ An.
Nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu rút đi thì nghĩa quân của Nguyễn Kim Phẩm và Trần Xuân Trạch là người Sơn Lam lại nổi lên ở Quảng Yên rồi kéo về Nam Định đóng quân ở vùng Ngô Đồng, tiến đánh huyện Thượng Nguyên. Đến đâu nghĩa quân cũng được nhân dân giúp đỡ. Sau một thời gian, nghĩa quân phải chuyển vào miền Trung.
Năm 1786, sau khi đánh tan chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh. Quân Tây Sơn theo đường biển tiến ra chiếm thành Vị Hoàng (nay là thành phố Nam Định). Nhân dân Nam Định đã hết lòng giúp đỡ quân Tây Sơn, đi theo nghĩa quân góp sức xây dựng phòng tuyến Tam Điệp. Mọi tin tức của địch được báo cho quân Tây Sơn. Trong nghĩa quân Tây Sơn khi tiến công giải phóng Thăng Long đã có mặt những người con ưu tú của Nam Định như cha con ông Trần Bá Giáp, Trần Bá Dũng người làng Nho Lâm (nay là xã Bình Minh) đã chiến đấu ngoan cường với quân Thanh. Còn Trần Bá Hai, Trần Bá Ngọc bị Chiêu Thống bắt đi lính đã vận động anh em binh lính cùng quân ngũ chống lại quân Thanh, đưa lực lượng nhập vào quân của đô đốc Đông (Tây Sơn) tiến vào giải phóng Thăng Long.
Sau khi nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn tiêu diệt, nhân dân Nam Định lại nổi dậy chống chế độ thống trị bóc lột hà khắc của nhà Nguyễn, như cuộc nổi dậy của Hai Ngọc người làng Ngọc Tỉnh và Ba Luân ở Liên Tỉnh (Nam Chân) vào năm 1803. Cuộc nổi dậy của Xiển Văn Đạo ở Liễu Đề (Nghĩa Hưng) sau chuyển sang Thái Bình, lên đất Kinh Bắc. Mãi tới năm 1811 khi trụ ở Hà Tĩnh nghĩa quân mới bị tan rã.
Khởi nghĩa lớn hơn và vang dội hơn cả là cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, ông gốc quê ở Trà Lũ (Xuân Trường) di cư sang Minh Giám (Thái Bình), nổi dậy ở xứ Đông, đem nghĩa binh đánh chiếm Trà Lý. Năm 1826 mới chuyển về lập căn cứ ở Trà Lũ. Nghĩa quân tiến công giết được Trấn thủ Nam Định Lê Mậu Cúc, làm rung chuyển cả triều đình nhà Nguyễn. Quân khởi nghĩa có tới hàng ngàn người, đánh chiếm cả vùng ven biển Nam Định, Thái Bình. Nhà Nguyễn phải cử nhiều tướng tài như Phạm Văn Lý, Nguyễn Công Trứ đem đại quân từ Huế ra trấn áp. Sau nhiều lần giao tranh ác liệt, căn cứ Trà Lũ bị bao vây từ nhiều mặt. Quân nhà Nguyễn với súng thần công là vũ khí hiện đại thời bấy giờ, cùng thuyền chiến, voi chiến tiến công nghĩa quân. Nghĩa quân anh dũng chống lại làm quân lính nhà vua thiệt hại nặng nề phải xin tăng thêm viện binh và vũ khí. Do bị vây hãm, nghĩa quân khơi một đoạn sông thông ra biển, song nước thủy triều cạn, Phan Bá Vành lại hy sinh. Tuy khỏi nghĩa thất bại, nhưng Nguyễn Công Trứ biết không thể dùng quân sự để đè bẹp nguyện vọng đòi quyền sống chính đáng của dân, nên ông đã chiêu mộ người nghèo đi khai hoang lấn biển.
(Còn nữa)