Nam Định - Vùng đất, con người và truyền thống

06:07, 10/07/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Xây dựng nước gắn liền với đấu tranh giữ nước là một quy luật sinh tồn, phát triển của dân tộc. Đó cũng chính là truyền thông quý báu của nhân dân Nam Định. Truyền thống đó đã thấm sâu vào tâm linh mọi người, qua tín ngưỡng thờ cúng gia tiên - một biểu hiện của đạo lý uống nước nhớ nguồn, tục lệ thờ cúng thành hoàng mà hầu hết là những nhân thần có công dựng nước, giữ nước. Những bản thần phải được bảo lưu ở nơi thiêng liêng, được truyền tụng trong dân chúng, thực tế là những bài học yêu nước sâu sắc, sinh động được bảo lưu muôn đời. Ở nhiều nơi trong tỉnh còn lưu giữ dấu tích lịch sử là sự minh chứng rõ nét. Từ đầu kỷ nguyên, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại ách xâm lược của quân Đông Hán (Trung Quốc) nhân dân khắp các quận Giao Chỉ, Cửu Chân... đã nhất tề hưởng ứng, đặc biệt nhiều người là những phụ nữ tài ba đã trở thành những tướng giỏi của Hai Bà, hiện nay vẫn còn đền thờ Thục Côn công chúa tại làng Thượng Lỗi - Lộc Vượng. Các bà Lê Thị Hoa người làng Giềng (Đại Thắng), bà Mai Hồng ở làng Vụ Nữ (Hợp Hưng) huyện Vụ Bản với thù nhà nợ nước chồng chất, các bà đã tập hợp nghĩa binh ở quê hương nổi dậy giết giặc lập nhiều công lớn. Bà Mai Hồng được phong Hồng nương nữ tướng. Bà Đỗ Thị Dung và em trai là Đỗ Quang làng Cao Sơn, bà Phan Thị Trâm ở huyện Tây Chân đã vào tận Hoa Lư (Ninh Bình) lập căn cứ đánh quân Hán... Từ khắp mọi miền, người dân Nam Định đã nổi dậy lập nhiều chiến công góp phần quét sạch quân Tô Định.

    Năm 545, khi Trần Bá Tiên đem quân chiếm nước ta thì ở làng Lập Vũ (Vụ Bản) có tướng Đinh Lôi, Hoàng Tề đã theo Triệu Quang Phục lập nhiều công lớn đánh cho quân nhà Lương tan tác phải rút về nước.

    Năm 776-779, hào trường đất Đường Lâm, quan lang nước Việt là Phùng Hưng lãnh đạo khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường, thường đóng quân trên vùng đất thuộc hai huyện Đại An và Ý Yên (nay còn nhiều đền thờ tại đây) được nhân dân hai huyện đồng tình giúp đỡ. Thời dẹp loạn "Thập nhị sứ quân", Trần Lãm - bố nuôi Đinh Bộ Lĩnh, người Giao Thủy đã chỉ huy một sứ quân chiếm giữ cửa biển Kỳ Bố, có công lớn giúp nhà Đinh thống nhất giang sơn, được phong "Phụ dục quốc chính thượng công".

    Khi bị Đinh Bộ Lĩnh tiến đánh tướng giặc Kiều Công Hãn chạy qua huyện Nam Chân đã bị thổ hào Nguyễn Tấn chém chết... Rất nhiều người dân Nam Định đã có công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp giặc. Dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, định phẩm trật cho các quan văn võ, ban thưởng cho những người có công. Nguyễn Tấn được phong là Kiến nghĩa hầu, được thu thuế ở huyện Thượng Nguyên quê nhà làm bổng lộc. Tạ Hùng Ly, người có công phá vây khi Đinh Bộ Lĩnh lâm nguy, được cấp thực ấp ở An Nhân (Vụ Bản). Lã Đường được cấp 1.000 mẫu ruộng lộc điền ở Quang Xán (Mỹ Lộc)...

    Thời Lê Hoàn đánh Tống, bình Chiêm, nhiều người Nam Định đã góp công sức cùng nhà vua đánh giặc. Theo truyền thuyết thì Lê Hoàn đã đến Kiên Lao (Xuân Trường) khen thưởng dân nơi đây đã đóng thuyền giúp vua cứu nước.

Đền Trùng Hoa, nơi thờ 14 vị Vua Trần.
Đền Trùng Hoa, nơi thờ 14 vị Vua Trần.

    Là vùng đất dấy nghiệp và phát tích của nhà Trần, trong ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, đội quân đã từng chinh phạt từ Âu sang Á, nhân dân Nam Định đã sát cánh cùng quân dân Đại Việt chiến đấu chống giặc. Khi chiến sự diễn ra quyết liệt, trước sức mạnh ồ ạt của giặc, vua tôi nhà Trần đã rút khỏi kinh thành Thăng Long về hành cung Thiên Trường tìm kế chống giặc. Vua Trần rất chú trọng xây dựng phòng tuyến phía nam đề phòng giặc Mông - Nguyên từ phía biển đánh vào. Hưởng ứng việc xây dựng phòng tuyến chống giặc, hai anh em sinh đôi Bùi Khiết, Bùi Tuyết ở Trực Ninh đã về Xối Đông chiêu nạp binh sĩ đóng đồn Thượng, đồn Trung. Hằng ngày quân sĩ luyện tập đao, kiếm, cưỡi ngựa, đánh gươm sẵn sàng giết giặc. Cùng thời gian đó, ông Trương Long giỏi võ nghệ cũng về đây chiêu binh nạp sĩ, dựng lầu cao (đồn Hạ) làm nơi quan sát tình hình địch. Ba đồn binh này hình thành cụm căn cứ liên hoàn, án ngữ bờ nam sông Hồng, phòng ngừa quân giặc.

    Đầu xuân Ất Dậu (1285) chính quân tướng ở ba đồn binh này đã phục binh, rút ván cầu làm cầu giả lừa quân Nguyên từ phía bắc xuống, xua chúng qua cầu rồi rút ván cho rơi xuống sông. Bọn sống sót hoảng loạn tháo chạy thì sa vào trận địa phục kích sẵn, bị đánh tơi tả và thất bại hoàn toàn. Từ trận chiến thắng quân Mông - Nguyên mùa xuân ấy, cầu được mang tên là cầu Vô Tình.

    Lúc nhà Trần suy, nhà Hồ thay thế. Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly thất bại, quân Minh sang xâm chiếm nước ta, nhân dân Nam Định đã đứng lên theo nghĩa quân của Trần Triệu Cơ. Trần Triệu Cơ đã đón Trần Ngỗi về làm minh chủ. Trong trận chiến nổi tiếng ở Bô Cô (Ý Yên) diễn ra ngày 10 tháng 2 năm Mậu Tý, nghĩa quân đã chém đầu trấn thủ Lưu Tuấn, đô đốc Lữ Nghi, tham chính Lưu Đức, đô chỉ huy sứ Liễu Tòng. Tướng Minh là Mộc Thạch phải kéo tàn quân tháo chạy về thành Cổ Lộng mới thoát chết.

    Trần Ngỗi thất bại, nhân dân Nam Định lại tiếp tục phò vua Trần Quý Khoáng chống quân Minh. Khi nghe tin Lê Lợi dấy nghĩa ở Lam Sơn, nhiều người Nam Định đã bí mật tìm đến Lam Sơn tụ nghĩa. Nhiều thợ rèn ở Vân Tràng (Nam Trực) không sợ hiểm nguy đến tính mạng, ngày đêm sản xuất vũ khí cho nghĩa quân, chế ra dao, kiếm, giáo, mác, lao, thiết lệnh (ống pháo lệnh bằng sắt có kỹ thuật cao, nổ to). Đến nay, làng Vân Tràng vẫn còn gìn giữ được ống pháo lệnh nặng tới 30kg đặt trong đền thờ lục vị tổ sư nghề rèn.

    Đặc biệt là trận hạ thành Cổ Lộng (Ý Yên) làm thay đổi thế trận giữa ta và địch lúc bấy giờ. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, chúng cho đắp thành Cổ Lộng (nay thuộc xã Yên Thọ - Ý Yên) chặn con đường thủy bộ chủ yếu từ miền Trung ra Thăng Long. Hằng ngày chúng xua quân đi tàn phá, cướp bóc các vùng lân cận. Không cam tâm ngồi nhìn giặc cướp phá, giày xéo quê hương, một phụ nữ áo vải ở Ngọc Quế (nay là Yên Nghĩa, Ý Yên) đã chủ động lập mưu diệt giặc. Bà đã rủ một số phụ nữ địa phương mở một quán nước gần thành để dò xét nội tình giặc và bày cách cho quân lính đêm đêm chui vào túi ngủ tránh muỗi. Một đêm, được mật báo từ trước và được chồng bà là ông Đinh Tuấn dẫn đường, nghĩa quân Lam Sơn đã bất ngờ tập kích thành. Do miệng túi đã bị thiết chặt, quân giặc trở tay không kịp, bị giết vô kể, thây quẳng xuống con sông nhỏ cạnh thành, nhân dân thường gọi là "Kênh ma". Thành Cổ Lộng bị phá, nghĩa quân thuận đường thẳng tiến. Dẹp tan quân Minh, vua Lê Thái Tổ luận công khen thưởng, coi trường hợp của bà là "một kỳ công hiếm có" được ban thưởng rất hậu. Song bà chỉ nhận danh hiệu "kiến quốc phu nhân" và xin một số ruộng hoang hóa làm lộc điền cho dân làng cày cấy nộp tô sinh sống. Ngày nay ở đền thờ bà tại quê hương vẫn còn tấm bia ghi công trạng đó.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com