[links()]
(Tiếp theo)
Nói đến vùng đất văn hiến không thể không nói đến số lượng người đỗ đạt. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hơn 800 cử nghiệp Nam Định có 87 vị đại khoa, trong đó học vị trạng nguyên có năm vị, bảng nhãn ba vị, thám hoa ba vị, hoàng giáp 14 vị, tiến sĩ và phó bảng 62 vị (hai huyện nhiều hơn cả là Nam Trực: 24; Ý Yên: 18).
Nhiều dòng họ, nhiều gia đình có truyền thống hiếu học. Làng Cổ Lễ (Trực Ninh) có Đào Toàn Bân đỗ tiến sĩ, con là Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên. Làng Cổ Chử (Nam Trực) có Trần Văn Bảo đỗ trạng nguyên, con là Trần Đình Huyên đỗ tiến sĩ. Làng Tam Đăng (Ý Yên) có Phạm Văn Nghị đỗ hoàng giáp, ông có một con đỗ phó bảng và ba con đỗ cử nhân, ở La Ngạn (Ý Yên), có gia đình cha là Đỗ Huy Uyển đỗ phó bảng, con là Đỗ Huy Liên đỗ hoàng giáp. Làng Thượng Lao (Nam Trực) có hai anh em Lê Hiến Giải và Lê Hiến Tứ cùng đỗ đại khoa trong một kỳ thi. Nổi trội nhất là làng văn hiến Hành Thiện với bảy vị đại khoa (trong đó có tiến sĩ Đặng Xuân Bảng vừa là nhà khảo cứu uyên thâm, vừa là người có đầu óc cách tân), 81 vị cử nhân, 145 tú tài.
Đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền (Nam Trực, Nam Định) |
Trường tư Tam Đăng do hoàng giáp Phạm Văn Nghị chủ trì, có thể coi là trung tâm giáo dục lớn ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ đương thời, thu hút hàng ngàn lượt nho sinh, không những ở địa phương mà còn ở nhiều tỉnh ngoài, với nhiều tên tuổi lừng lẫy, như tam nguyên Trần Bích San, hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, tiến sĩ Vũ Hữu Lợi (Nam Định), tam nguyên Nguyễn Khuyến (Hà Nam), tiến sĩ Tống Duy Tân (Thanh Hóa), phó bảng Lã Xuân Oai, phó bảng Đặng Ngọc Cầu, thủ khoa Nguyễn Cao (Bắc Ninh) và hàng trăm cử nhân, trong đó có một viên đại thần Phạm Thận Duật (Ninh Bình)... Trước nạn ngoại xâm, ông tổ chức ra trường Hoành Nha (Giao Thủy) là một trường đặc biệt vừa dạy văn, vừa luyện võ, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử nước nhà. Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng ngoài việc mở trường dạy học còn soạn nhiều sách, tổ chức in ấn cho học trò và nho sĩ, lập ra thư viện Y Long nổi tiếng nhất Bắc Kỳ hồi ấy.
Nam Định còn có nhiều làng văn hóa truyền thống, những giáo phường độc đáo, những lễ hội kèm theo diễn xướng, trò chơi dân gian, những sinh hoạt phong phú như hội chùa Keo, Phủ Giầy, đền Trần, múa hát Dặm, múa Phương Bông... Người Nam Định đã sáng tạo nền văn học dân gian vô cùng phong phú, đóng góp chung cho kho tàng của dân tộc một tài sản vô giá. Thiên nhiên và cuộc sống con người hiện lên trong ca dao, tục ngữ với một phong vị rất riêng, rất đậm đà và không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác trên đất nước Việt Nam.
(Còn nữa)