Nam Định - Vùng đất, con người và truyền thống

04:07, 03/07/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Nam Định từ xưa vẫn được coi là một vùng đất văn hiến mặc dù không cổ kính lâu đời như các xứ Bắc, xứ Đông, xứ Đoài. Ngay từ thời Lý (đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII), Phật giáo được coi là quốc giáo, các vị thiền sư là những trí thức cao cấp; ở đất Hải Thanh đã xuất hiện hai bậc đại thiền sư người địa phương là Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải uyên thâm giáo lý, nổi tiếng về thi ca và là những danh y có tài. Hai ông cùng xây dựng nên chùa Keo tức ‘Thần Quang Tự”, một trong những trung tâm Phật giáo thời đó. Năm 1218 nhà Lý mở khoa thi thái học sinh chọn nhân tài cho đất nước, ở huyện Thượng Hiền (tức Thượng Nguyên về sau) đã có Vương Văn Hiệu đạt học vị cao, tương đương với thám hoa. Đây là nhà khoa bảng đầu tiên của tỉnh Nam Định.

    Nhà Trần là một hiện tượng độc đáo trong các triều đại phong kiến Việt Nam, ngoài những chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách, lừng lẫy trong lịch sử, thì các đời vua đều là nhà thơ, nhiều vị uyên thâm Phật học, tiêu biểu như Trần Nhân Tông. Thái sư Trần Thủ Độ tuy không được học hành nhiều, song khi nắm trọng trách điều hành đất nước, luôn luôn là mẫu mực cho đạo đức "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Các vị tướng lĩnh, công hầu trong ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên hầu hết là tôn thất nhà Trần, không những giỏi chinh chiến mà còn là tác giả những áng “thiên cổ hùng văn” như Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Tùng giả hoàn Kinh sư của Trần Quang Khải...; có võ tướng thông thạo âm luật, biết nhiều ngoại ngữ như Trần Nhật Duật...

    Vương triều Trần còn tiêu biểu cho một sức trẻ vươn lên mạnh mẽ. Phần lớn các vua đều là anh quân và đều lên ngôi từ rất trẻ, trung bình 16 tuổi. Nguyễn Hiền quê ở Dương A (Nam Trực) đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi (1247). Tuy còn tuổi thiếu niên mà Nguyễn Hiền đã làm cho sứ nhà Nguyên phải khâm phục, kính nể bởi tài trí thông minh uyên bác. Văn Túc Vương Trần Đạo Tái - con của Thái sư Trần Quang Khải - đã đỗ bảng nhãn dưới triều Trần Thánh Tông (1257 - 1278) khi mới 14 tuổi. Trạng nguyên Đào Sư Tích ở Cổ Lễ (Trực Ninh - 1374) không hề run sợ trước cái chết, luôn nghĩ về dân tộc qua “Kế sách phục hưng Đại Việt”.

Chùa Phổ Minh còn gọi là chùa Tháp nằm cách khu di tích đền Trần khoảng 300m về phía tây.
Chùa Phổ Minh còn gọi là chùa Tháp, thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

    Thời Lê, Nam Định có trường thi hương ở thành Vị Hoàng cho sĩ tử các trấn phía nam đồng bằng sông Hồng. Năm 1463, nhà Lê mở khoa thi có hơn 1.400 sĩ tử đua sức đua tài. Ở Nam Định có Lương Thế Vinh người làng Cao Phương - Thiên Bản (nay thuộc xã Liên Bảo - Vụ Bản) đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (tức trạng nguyên). Ông rất giỏi văn thơ, được cử làm Tao Đàn sái phú (dọn vườn cho làng thơ của hội Tao Đàn) cùng với tiến sĩ Phạm Đạo Phú người Đại An là ngôi sao sáng trong Tao Đàn nhị thập bát tú. Ông am hiểu nhiều lĩnh vực, là người soạn ra Đại thành toán pháp - cuốn sách toán học kinh điển, viết tác phẩm Hý Trường phả lục là sách lý luận đầu tiên về sân khấu ở Việt Nam. Khi từ quan về nghỉ, ông còn nghiên cứu sâu về đạo Phật, đạo Lão.

    Năm 1475, Vũ Tuấn Chiêu người Cổ Ra (Nam Trực) đỗ trạng nguyên khi ông 55 tuổi, nêu một tấm gương sáng về vượt khó, kiên trì học tập vẫn thi đỗ trạng nguyên.

    Dưới triều đại nhà Lê, Nam Định còn có hơn hai chục người đỗ tiến sĩ, làm rạng rỡ xứ Sơn Nam. Học vấn sâu rộng của các vị đại khoa làm phong phú thêm kho tàng văn học và các môn khoa học khác cũng được mở mang.

    Triều Mạc, Nam Định có tới vài chục vị đại khoa. Đỗ cao nhất là Trần Văn Bảo, người làng Cổ Chử, Giao Thủy (nay là Nam Trực) đỗ trạng nguyên năm 27 tuổi. Trong khi làm quan, nhiều lần Trần Văn Bảo tâu trình Mạc Mậu Hợp những kế sách hay nhưng không được dùng. Ông đã bỏ quan trường về ở ẩn (tại làng Phù Tải, Bình Lục).

    Sau khi lập vương triều, nhà Nguyễn đã tổ chức thi cử để chọn nhân tài bổ sung cho bộ máy cai trị. Nam Định là đất học, có trường thi được lập ra từ thời Lê (kỳ thi đầu tiên vào năm 1441) đến năm 1845 được xây trên đất làng Năng Tĩnh. Trong trường có 21 tòa nhà lợp ngói chia làm ba khu vực (nội trường, ngoại trường và nơi để sĩ tử cắm trại kê lều chõng làm bài mỗi kỳ thi). Nhà Nguyễn không lấy đỗ trạng nguyên, Nam Định có Trần Bích San (người thành phố Nam Định) đỗ tam nguyên (trong số ba người của cả nước). Đặc biệt, tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh (Ý Yên) được cử giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (hiệu trưởng trường đại học duy nhất cả nước lúc bấy giờ). Từ năm 1886, cả Bắc Kỳ còn một trường thi hương ở Nam Định gọi là trường Hà Nam (trường Nam thi lẫn với trường Hà) đến năm 1915 là kỳ thi hương cuối cùng. Trong các kỳ thi đó, cả ba người đỗ đầu đều là người Hành Thiện. Có hai gia đình, mỗi nhà năm cha con cùng đỗ cử nhân.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com