[links()]
(tiếp theo)
Trong quá trình hình thành vùng đất này, người dân Nam Định thường xuyên phải vật lộn với thiên tai, biển dữ, phải đổ ra biết bao mồ hôi và cả máu xương mới có được những làng xóm trù phú, những cánh đồng bát ngát, mùa màng tốt tươi. Từ bao đời nay nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ yếu ở Nam Định. Với địa hình không bằng phẳng, nơi trũng quá thường xuyên chịu cảnh “chiêm khê mùa thối”, nơi vùng cao lại hạn hán kéo dài, có nơi phù sa ngập mặn..., nhưng người dân Nam Định, bằng sức lao động cần cù, bền bỉ và sáng tạo đã ngăn đập, đắp đê, khơi ngòi đào mương, dựng kè cống, thau chua rửa mặn, cải tạo đất canh tác phục vụ tích cực cho trồng trọt, nhất là cây lúa. Trong quá trình lao động sản xuất nông nghiệp đầy thử thách khó khăn, cha ông ta đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc thâm canh lúa và hoa màu, tạo nên những sản phẩm nổi tiếng như gạo tám xoan Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, khoai lang lim chợ Chùa - Nam Giang, làng hoa Vị Khê và trong chăn nuôi cũng có nhiều con vật quý như lợn ỷ Nam An, Lạc Đạo, gà Vân Đồn (Nam Trực)... Cho đến thời gian sau này, Nam Định vẫn là vùng nông nghiệp đầy tiềm năng phát triển, là một trong những vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ.
Nằm kề bờ biển dài hơn 70 km, cư dân Nam Định đã sớm khai thác lợi thế phát triển nghề làm muối. Những cánh đồng muối ở Giao Thủy và Hải Hậu đã cung cấp hàng chục vạn tấn muối mỗi năm; đồng thời nghề đánh bắt thủy hải sản thu hút hàng ngàn lao động, hằng năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn tôm cá. Nước mắm Sa Châu, muối Bạch Long (Giao Thủy), muối Văn Lý (Hải Hậu) là những mặt hàng nổi tiếng trong nước. Ngoài ra, vùng ven biển có nhiều cánh rừng ngập mặn thu hút nhiều loài chim, tạo ra cảnh quan thiên nhiên vừa phong phú hấp dẫn, vừa đầy tiềm năng phát triển kinh tế.
Một góc Thành Nam. |
Bên cạnh nghề trồng trọt, chăn nuôi và khai thác hải sản biển, người dân Nam Định còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống. Vùng Hải Hậu phải kể đến nghề dệt lụa, dệt vải, dệt chiếu. Tơ lụa Quần Anh nổi tiếng cả nước. Các phiên chợ Lương, chợ Trung hàng tơ lụa bày bán la liệt, khách hàng khắp nơi về mua tạo nên vẻ tấp nập đông vui. Vụ Bản cũng là một huyện có nhiều nghề như rèn Bảo Ngũ; sơn mài Hổ Sơn, Vân Bảng, Ngọ Trung; dệt vải Lập Vượng, Vân Cát, Quả Linh, Giáp Ba; gò đồng ở Bàn Kết; chạm đá Thái La; làm gối mây Tiên Hào; đan lưới Vọng Cổ. Huyện Ý Yên có nghề mộc La Xuyên, dệt đũi Thượng Đồng, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Vạn Điểm, đúc gang Tống Xá, đan võng Hoàng Nê, Vọng Doanh. Huyện Nam Trực có nghề rèn Vân Tràng, đúc đồng Đồng Quỹ, làm bánh kẹo Thượng Nông. Huyện Trực Ninh có nghề đục đá Nam Lạng, ươm tơ dệt vải Cổ Chất, Phương Để, thêu ren Trung Lao. Huyện Mỹ Lộc có nghề chạm khắc ở Mỹ Trung, Mỹ Phúc, nghề làm chăn bông ở Mỹ Thắng. Vùng Mỹ Lộc xưa còn có nghề đóng thuyền gắn với nghề đánh bắt cá. Sau này, do nhu cầu, nghề đóng thuyền chuyên phục vụ cho công việc thông thương bằng đường thủy và còn phục vụ cho quân sự cũng như cho công việc đi lại của các vua Trần mỗi khi từ Thăng Long về Tức Mặc. Nhiều làng nghề đã ra đời từ thế kỷ thứ X như La Xuyên, Cát Đằng, Tống Xá (Ý Yên), Quần Phương (Hải Hậu), Phương Để (Trực Ninh), Vân Tràng (Nam Trực)...
Do kinh tế phát triển, việc giao lưu hàng hóa ngày càng mở rộng. Thành Nam xưa trở nên một thương cảng sầm uất, các thuyền bè từ Nam Ngãi, Thanh Nghệ ra, từ Móng Cái - Quảng Yên xuống và cả từ ngoại quốc thường xuyên lui tới qua đường biển vào cửa sông Đáy, sông Hồng tới sông Vỵ. Thế kỷ XIX, cảng Nam Định là một cảng vào loại lớn nhất Bắc Kỳ, khi mà phố Hiến nằm sâu trong nội địa và cảng Hải Phòng chưa định hình.
(Còn nữa)