Trên địa bàn huyện Ý Yên hiện có 37 di tích lịch sử - văn hóa đình, đền được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Không gian làng quê gắn liền với hình ảnh "Cây đa - giếng nước - sân đình” trở thành nét văn hoá bản sắc của các vùng nông thôn trong huyện.
Cũng như ở nhiều vùng quê khác, những ngôi đình làng trên địa bàn huyện Ý Yên là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Tiêu biểu như đình làng La Xuyên, xã Yên Ninh có từ thế kỷ X thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng và phối thờ các vị tướng thời Vua Hùng Vương. Đình quay hướng tây với các công trình phụ trợ như hồ nước, vườn cây được bố trí hài hòa, phù hợp cảnh quan xung quanh. Bao quanh khu di tích là hệ thống tường gạch, tạo nên không gian hoàn chỉnh, khép kín. Trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, ngôi đình vẫn giữ được những nét kiến trúc, nghệ thuật truyền thống. Đình được xây dựng theo hình chữ “Đinh”. Tòa tiền đường gồm 3 gian, cao 8 mét, được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Các cấu kiện gỗ như câu đầu, xà thượng, xà hạ, con rường đều được soi chỉ, điểm các hàng lá lật mềm mại. Tất cả kết hợp cùng những đầu đao cong vút, mái ngói nam phủ rêu phong tạo nên nét cổ kính, uy nghiêm. Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm với hệ thống kiến trúc độc đáo, tinh xảo được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, thể hiện rõ nét tài hoa của các nghệ nhân làng nghề. Các hình tượng rồng, tứ quý, tứ linh... trên các cánh cửa, các bộ vì được chạm bong, chạm lộng với kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét. Đình Cát Đằng, xã Yên Tiến lại có những đặc trưng của một làng nghề sơn mài truyền thống. Nơi đây thờ hai anh em Đinh Đức Đạt và Đinh Đức Thông, những người con quê hương đã có công phù giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan sứ quân Phạm Bạch Hổ.
Đình làng La Xuyên, xã Yên Ninh được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1994. |
Ngoài ra, đình Cát Đằng còn là di tích thờ ông tổ nghề sơn mài là Ngô Đức Dũng. Ngôi đình đến nay vẫn bảo lưu được đường nét văn hóa truyền thống. Phía trước đình có hệ thống nghi môn cột lớn và hai nhà bia làm theo kiểu chồng diêm hai tầng mái giả ngói ống. Các đao góc uốn cong xung quanh trang trí đề tài tứ linh, tứ quý và nhiều họa tiết truyền thống. Từ hệ thống nghi môn vào tòa tiền đường là một sân rộng, lát gạch phẳng phiu. Ngôi đình được xây theo kiểu "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh" gồm ba tòa: tiền đường, trung đường, hậu cung. Tại gian chính giữa tòa trung đường treo bức cửa võng bằng gỗ vàng tâm chạm họa tiết tứ linh, tứ quý sơn son thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX. Hai gian bên mỗi bên treo một bức phù điêu bằng gỗ chạm bong cảnh long vân khánh hội. Đây là hai bức phù điêu mang phong cách nghệ thuật của thời Hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII. Ngoài vẻ đẹp và quy mô về kiến trúc, đình Cát Đằng còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong có niên đại từ thời Vua Lê Vĩnh Tộ (1619-1628) đến thời Vua Nguyễn Khải Định (1916-1925) cùng nhiều câu đối đại tự. Còn đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến, nơi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngày 13-8-1958. Đây là nơi thành lập HTX nông nghiệp đầu tiên của tỉnh và là HTX thí điểm của miền Bắc xây dựng XHCN Bác về dự đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh họp tại đình và động viên phong trào địa phương. Nơi đây đồng chí Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã về thăm và trồng cây đa lưu niệm trước cổng đình.
Những ngôi đình cổ ở Ý Yên có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Hằng năm, tại đình làng La Xuyên diễn ra các kỳ lễ hội để nhân dân bày tỏ lòng thành kính với các vị thần. Hội chính của làng La Xuyên mở từ ngày mùng 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm và được mở với quy mô lớn vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Trong ngày hội làng có nhiều nghi thức như: lễ rước nước từ sông Sắt ở khu vực cầu Tào đưa về đình, lễ rước thánh từ đình lên chùa. Đội hình của lễ rước rất đông và trang trọng, dẫn đầu đoàn rước là đội cờ ngũ hành, tiếp theo là phường bát âm với những nhạc cụ cổ truyền, tiếp đến là các nghi trưởng như bát biểu, chấp kích, theo sau là đội tế nữ quan, ngũ lôi, hội đồng hương lão và đông đảo người dân. Ngày làng mở hội cũng là ngày mọi gia đình sắm sửa hương hoa ra đình cầu phúc, cầu mọi sự tốt lành. Trong dịp hội làng còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người tham dự như đánh cờ người, đấu vật, chơi đu tiên, kéo chữ… Ngoài đình La Xuyên, nhiều ngôi đình khác trên địa bàn huyện Ý Yên vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống. Tại đình - chùa Đô Quan, xã Yên Khang, hằng năm, từ ngày 23 đến 26 tháng 11 âm lịch, dân làng tổ chức thi cỗ chay, đánh cờ thẻ, múa sư tử, bơi chải… Buổi tối các ngày 24 và 25 tháng 11 âm lịch tổ chức hát chèo và múa rối nước, dân gần xa nô nức kéo đến xem rất đông. Múa rối ở hội làng Đô Quan là một di sản văn hóa đặc sắc trong lễ hội truyền thống ở huyện Ý Yên… Tại đình - đền - chùa thôn Phạm Xá có lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của Triệu Việt Vương. Trong lễ hội có nghi thức tế tam kỳ, lập đàn tế Triệu Việt Vương tại ngã ba sông Độc Bộ cùng nhiều trò chơi dân gian như đấu cờ người, thi nấu cỗ.
Những ngôi đình cổ ở Ý Yên ngày nay vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương. Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, những năm qua nhiều ngôi đình ở Ý Yên đã được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân ở các địa phương trùng tu, tôn tạo. Tại các điểm di tích đình làng đều thành lập ban quản lý, ban bảo vệ di tích để gìn giữ phát huy những giá trị lịch sử, văn hoá của những ngôi đình cổ ở các làng quê./.
Bài và ảnh: Viết Dư