Khu di tích đình - đền - chùa thôn Phạm Xá, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên nằm ở bờ bắc sông Đào, cách hang Lồ, núi Lê Xá, xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản khoảng 8km, nơi có dấu vết người Việt cổ cư trú vào thời tiền sử.
1. Đình Phạm Xá là nơi thờ Triệu Quang Phục - người có công đánh giặc Lương vào thế kỷ VI.
Cuốn gia phả họ Ngô ở thôn Bạch Trúc, xã Yên Phúc, huyện Ý Yên cho biết sau khi giúp Lý Bí đánh đuổi quân Lương thành lập nhà nước Vạn Xuân vào năm 544, Triệu Quang Phục đã chiêu tập dân phiêu tán về khai phá đất đai một dải từ Đống Cao (Yên Lộc), Phạm Xá, Độc Bộ, Dương Phạm (Yên Nhân) với tổng số 540 mẫu ruộng.
Năm 545, nhà Lương quay trở lại xâm lược nước ta. Sau khi Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương, lãnh đạo quân đội giành thắng lợi vào năm 550.
Năm 571, Triệu Việt Vương bị cha con Lý Phật Tử lập mưu ám hại, phải tuẫn tiết ở cửa Đại Nha (Độc Bộ - Yên Nhân). Sau khi ông mất, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ tưởng nhớ, coi là sự linh dị. Đối với vùng đất Phạm Xá, việc lập đình thờ tự không chỉ là cảm phục uy đức của một vị quân vương mà còn là sự tri ân công đức của vua đối với mảnh đất này. Câu đối tại đền đã ghi nhận điều đó:
Trường ức đế công lưu tự sự
Bất vong tiên đức khẩn hoang điền
(Công lao vua, giữ gìn nơi thờ từ ngàn năm để tưởng nhớ
Ơn đức khẩn hoang đồng ruộng, mãi mãi không quên)
Đình Phạm Xá ban đầu được làm là tường vách mái tranh. Đến đời vua Minh Mệnh năm thứ 18 (1837) làm tòa hậu cung và tòa đệ nhị tường gạch mái ngói. Đời vua Khải Định năm thứ 6 (1921) khởi công xây dựng tòa bái đường có quy mô bề thế như ngày nay.
Đình Phạm Xá làm kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh, gồm có 3 tòa, tiền đường, trung đường và cung cấm. Vật liệu chủ yếu là đá xanh, gỗ lim và ngói nam.
Tòa tiền đường rộng 12,3m dài 18,6m. Chia làm 5 gian với 6 bộ vì kiểu mê cốn bằng gỗ lim. Gánh đỡ các bộ vì là hệ thống cột đá thân vuông, dọc thân có tạo khung viền gờ chỉ để khắc câu đối và các họa tiết trang trí như tứ linh, phượng hàm thư, vân ám…
Tòa trung đường kiến trúc kiểu 8 mái, đầu đao được uốn cong. Tòa này gồm 3 gian, có 2 bộ vì kiểu chắp mê. Trên các bức mê cốn, xà lòng, xà nách được chạm khắc hoa văn lá lật, ô trám, chữ thọ và triện tàu lá dắt.
Hai gian bên của tòa trung đường đặt tượng Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc là hai người cháu của Triệu Việt Vương có công phò giúp ông trong việc đánh giặc Lương.
Tòa cung cấm gồm ba gian kiến trúc kiểu tiền đao hậu đốc. Tòa này có tượng bằng đồng thờ Triệu Việt Vương. Tại đây còn lưu giữ được bộ cánh cửa có kích thước dài 1,15m; rộng 0,42m, được chạm khắc rồng với phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
2. Đền thôn Phạm Xá được xây dựng trên một khu đất rộng rãi phía sau đình. Đền Phạm Xá là nơi thờ hai vị đại khoa là những người con quê hương là Phạm Đạo Phú và Phạm Đạo Bảo.
Tiến sĩ Phạm Đạo Bảo sinh năm 1456, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Phó đô Ngự sử và được cử đi trấn thủ Nghệ An. Ông mất ngày 27 tháng 1 năm Quý Tỵ (1497) tại quân doanh. Thi hài ông được đưa về ấp Cô Bần nay là thôn Hưng Thịnh xã Hoàng Nam huyện Nghĩa Hưng để an táng.
Tiến sĩ Phạm Đạo Phú sinh năm 1463, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490). Ông là thành viên hội Tao Đàn nhị thập bát cú (Hội thơ do vua Lê Thánh Tông sáng lập). Năm 1495 Phạm Đạo Phú được tham gia Hàn lâm viện với chức: Hàn lâm viện Kiểm thảo, sau ông được thăng tới chức Hình bộ tả Thị lang. Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông là người trung thành với nhà Lê nên đã treo ấn từ quan về quê dạy học. Ông mất vào ngày 2 tháng 8 năm Nguyên Hòa thứ 7 (1539). Sau khi ông mất vua Lê Thế Tông (1573-1599) truy tặng hàm: Tham tri, ban cho là Trung ý Trung đẳng thần.
Theo truyền thuyết của địa phương, sau khi Tiến sĩ Phạm Đạo Phú, Phạm Đạo Bảo qua đời, năm 1592 nhân dân xã Phạm Xá đã lập đền thờ hai ông cùng với tổ họ Phạm tại gò Dủ Giải thuộc cánh đồng cát phía bắc làng Phạm Xá.
Đến thời Nguyễn, nhân dân địa phương đã chuyển ngôi đền về vị trí hiện nay. Đời vua Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), dưới sự chỉ đạo của Tri phủ Nghĩa Hưng, ngôi đền đã được đại trùng tu theo kiểu tiền đao hậu đốc, gồm tiền đường 3 gian, trung đường 2 gian và hậu cung 1 gian, bộ khung bằng đá xanh kết hợp với gỗ lim, mái lợp ngói nam. Trải qua thời gian, phong cách kiến trúc đó vẫn được nhân dân gìn giữ cho đến ngày nay.
3. Chùa Phạm Xá có tên chữ là Cảnh Linh tự, được xây dựng cạnh đền thờ hai vị đại khoa. Trước chùa là tam quan kiến trúc kiểu chồng lâu, tầng trên có treo quả chuông lớn nặng 200kg, trên chuông có ghi niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843). Chùa kiến trúc theo kiểu tiền đao hậu đốc. Các mảng chạm khắc trên đá, trên gỗ tại chùa mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Hằng năm di tích đình - đền - chùa thôn Phạm Xá có diễn ra các ngày lễ như: kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của các vị thánh thờ tại đình, đền; ngày Phật đản (15-4 âm lịch); ngày xá tội vong nhân (15-7 âm lịch). Nhưng tiêu biểu hơn vẫn là lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của Triệu Việt Vương (13 tháng 8 âm lịch). Trong lễ hội có nghi thức tế “Tam kỳ”, lập đàn tế Triệu Việt Vương tại ngã ba sông Độc Bộ cùng nhiều trò chơi dân gian như đấu cờ người, thi nấu cỗ. Lễ hôị làng Phạm Xá với nhiều nghi thức độc đáo cần được bảo lưu.
Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, những năm qua các cấp lãnh đạo chính quyền và nhân dân địa phương đã từng bước bảo tồn tôn tạo khu di tích đình - đền - chùa Phạm Xá ngày một khang trang xứng đáng là Di tích lịch sử - văn hóa của quốc gia.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định