Đền Thượng Lao và đền Xối Thượng, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực là nơi thờ hai vị đại khoa thời Trần: Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tam giáp Tiến sĩ Lê Hiến Tứ. Căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử và một số thư tịch cổ còn lưu giữ tại di tích, đặc biệt là bản: “Sự tích hai vị đại khoa thời Trần” được Phó bảng Đỗ Huy Uyển chép lại vào niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848) thì đền Thượng Lao và Xối Thượng ngày nay là nơi ở cũ của hai vị đại khoa cùng gia đình thuở sinh thời. Sau khi hai ông mất, nhà vua cho phép nhân dân địa phương tu sửa thành ngôi đền thờ để tri ân công đức. Vì vậy đền Thượng Lao và Xối Thượng còn bảo tồn được những giá trị lịch sử đầu tiên mang ý nghĩa tưởng niệm sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của hai vị đại khoa.
Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ vốn là con của ông Lê Hiến Thái và bà Lê Thị Nga. Vào cuối thời Trần cháu tằng tôn củ quan Thái phó Tô Hiến Thành là Tô Hiến Chương đã từng làm quan tại đất Gia Viễn (Ninh Bình) vì sợ mưu sát nên đổi tên họ là Lê Hiến Thái, dời đến ở tại trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, sau lấy người con gái cùng trang là Lê Thị Nga, hai người ăn ở với nhau hòa thuận. Ngày 10 tháng 2 năm Tân Tỵ (1341) bà Lê Thị Nga sinh được hai con trai, ông bà liền đặt tên là: “Đại Đồng” và “Tiểu Đồng”, khi lớn lên đi học mới đổi tên là Lê Hiến Phủ và Lê Hiến Tứ. Hai ông tư chất thông minh, học hành chăm chỉ, thi Hương đỗ đầu khoa. Mùa xuân tháng 2 năm Giáp Dần (1374) đời vua Trần Duệ Tông tổ chức thi ở cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường. Vì húy Thượng hoàng Nghệ Tông là Phủ nên Lê Hiến Phủ đổi thành Lê Hiến Giản. Khoa ấy Lê Hiến Giản đổ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tam giáp tiến sĩ. Tại đền Thượng Lao ngày nay còn đôi câu đối ca ngợi:
Nhất môn khoa hoạn song đăng bảng
Vạn cổ cương thường biệt lập căn.
(Một nhà khoa bảng hai người đỗ
Muôn thuở cương thường một nếp riêng)
Sau khi đỗ đạt, Bảng nhãn Lê Hiến Giản được triều đình bổ làm Trấn thủ phủ Thiên Trường, ông có công mở đất vùng Giao Thủy nay là các vùng lân cận huyện lỵ Xuân Trường, ít lâu sau được triệu về cung làm quan tới chức Ngự sử Trung Đại phu. Còn ông Lê Hiến Tứ ban đầu đi trấn thủ tại Cao Bằng có công dẹp giặc ở vùng Quảng Nguyên (nay là Quảng Ninh) về sau cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành thắng lợi được nhà vua thăng chức: Trấn nam tướng quân và làm quan đến chức Hạ đại phu. Mặc dù làm quan to trong triều đình nhưng hai ông vẫn nhớ quê hương, nên đã xin nhà vua cho về xây dựng hành cung tại trang Thượng Lao, giúp dân tiền của khơi sông đào ngòi “dẫn thủy nhập điền” đắp đường chia ruộng thành ô kiểu chữ tỉnh, khuyên dân ăn ở cho tiện cấy trồng và mở mang đồng ruộng. Các ông cho đào một con ngòi dẫn nước quanh làng, thông với sông Đào, sông Hồng để tưới tiêu cho cánh đồng các xã: Thượng Lao, Xối Thượng, Xối Tây, Xối Trì nay là bốn thôn của xã Nam Thanh. Từ đây thuyền bè đi lại thông ra sông Hồng được dễ dàng.
Di tích đền Xối Thượng, xã Nam Thanh (Nam Trực). |
Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ làm quan vào thời kỳ mà nhà Trần suy thoái, Hồ Quý Ly chuyên quyền, phế lập vua Trần Phế Đế, uy quyền xã tắc lung lay, vận nước nguy ngập. Vì giận Hồ Quý Ly sát hại những người trung nghĩa nên Lê Hiến Giản đã kịch liệt phê phán hành động bạo ngược của Hồ Quý Ly và bí mật tâu vua giết đi.
Hồ Quý Ly rất căm ghét Ngự sử Trung Đại phu Lê Hiến Giản nhưng vẫn tìm mọi cách dụ dỗ mua chuộc, song không làm lay chuyển lòng trung nghĩa của ông đối với vương triều Trần. Một lần Hồ Quý Ly vào phủ đường, ông sai gia tướng là Nguyễn Thế Việt dắt dao hành thích, việc không thành, ông bị Hồ Quý Ly mưu hại vào ngày 12 tháng 12 năm Kỷ Mão (1939). Lê Hiến Giản được vua thương tiếc sai liệm thi hài vào quan đồng quách đá, đưa xuống thuyền từ Thăng Long xuôi sông Hồng vào sông Đào (Cổ Lễ) an táng trên cồn Cây Sơn, cánh đồng Quần Trà bên cạnh con ngòi do hai ông giúp dân đào lúc sinh thời. Còn tiến sĩ Lê Hiến Tứ sau này ông cũng bị Hồ Quý Ly hại và an táng ở phía đông nam núi Thần Thiệu (thuộc Gia Viễn – Ninh Bình). Ngày Lê Hiến Tứ mất cũng là ngày 12 tháng 12. Vì vậy đến nay tại Thượng Lao chỉ có một khu lăng mộ của ông Lê Hiến Giản, không có lăng mộ của ông Lê Hiến Tứ.
Lăng Lê Hiến Giản được xây dựng từ đời vua Thành Thái năm thứ nhất (1889), theo kiểu chồng diêm tám mái xưng tụng. Tương truyền khi hai ông mất, bốn mĩ nữ theo hầu vì quá thương tiếc nên gieo mình xuống con ngòi tuẫn tiết, về sau nhân dân đặt tên con ngòi là “Mỹ nữ hàn khê” (Ngòi mỹ nữ). Tại nghi môn đền Thượng Lao còn đôi câu đối viết về sự kiện này:
Trinh tầm bất dẫn Đào giang thủy
Thắng tích do truyền mỹ nữ khê.
(Tấm lòng son sắt giữ gìn cùng nước Đào giang còn chảy mãi
Di tích tốt đẹp còn truyền kia khe nỹ nữ vẫn nêu tên)
Ngày nay trong tâm thức của nhân dân địa phương hai vị đại khoa không chỉ là những vị quan văn võ song toàn, trung nghĩa đối với nhà Trần, mà các ông còn được suy tôn là “bậc thánh”. Đó là Đức thánh cả Lê Hiến Giản, Đức thánh hai Lê Hiến Tứ.
Quan niệm này cũng được truyền tụng lại và ghi nhiều trong sử sách: Đời Hậu Trần (1407-1414) Giản Định đế truy phong tước vương của hai ông Lê Hiến Giản và Lê Hiến Tứ là “Nhất tự tịnh kiện vương”. Tương truyền vào năm Bính Ngọ (1426) Bình Định vương Lê Lợi, khi tiến quân ra bắc qua vùng Thượng Lao, được hai ông báo mộng. Năm 1428 khi dẹp xong giặc Minh, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua đã ban sắc phong cho hai ông là: “Thượng đẳng phúc thần” và thờ làm thành hoàng.
Vào thời vua Lê Chiêu Tông bị nhà Mạc cướp ngôi, Thái tử Duy Ninh cùng Thái úy Nguyễn Kim đem quân đóng ở trước đền, đêm nằm mơ thấy thần dâng mũ ngọc xin giúp việc quân về sau ứng nghiệm. Khi Thái tử lên ngôi vua (Lê Trang Tông) gia phong cho Lê Hiến Giản bốn chữ “Quan phục linh ứng”.
Đến thời Nguyễn, xét hai ông trung nghĩa và cả nước chưa có ai như hai ông đạt bốn chữ “đồng”.
- Đồng sinh (sinh cùng một ngày).
- Đồng khoa (cùng đỗ một khoa).
- Đồng liêu (cùng làm quan một triều)
- Đồng tử (cùng chết một ngày).
Vì vậy triều đình nhà Nguyễn ban quốc tế vào những ngày mở hội lớn (ba năm hoặc sáu năm một lần) nhân dân địa phương dựng rạp trước cửa đền để quan tỉnh vâng mệnh về tế, khu đất ấy có tên là “áng quan”. Chuyện linh thiêng về “Đức thánh cả” “Đức thánh hai” giúp bình định vương Lê Lợi và vua Lê Trang Tông đánh thắng giặc hẳn là một biến thể của niềm tin và kính phục của người đời đối với hai vị đại khoa không riêng gì ở Thượng Lao, Xối Thượng mà còn ở Xối Tây, Xối Trì xã Nam Thanh, đền Thánh Cả ở xã Gia Viễn, Ninh Bình (núi Thần Thiệu)… Việc tế lễ trước đây được diễn ra vào ngày hai ông mất (12 tháng 12), nhân dân đã làm lễ rước thánh vị của hai ông ở các nơi về đền chính “Đức thánh cả” Thượng Lao hợp tế. Ngày nay nghi thức có đơn giản hơn nhưng niềm tin vào sự linh nghiệm của hai vị thánh thể hiện qua lễ hội vẫn còn.
Ngoài việc thờ phụng hai vị đại khoa, di tích đền Thượng Lao và Xối Thượng còn là cơ sở của tổ chức cách mạng, cán bộ đảng viên và đội du kích xã đi về hoạt động, tham gia chỉ đạo kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Bên cạnh những giá trị lịch sử văn hóa quan trọng đã được sử sách ghi nhận, công trình đền Thượng Lao và Xối Thượng cũng có một giá trị nghệ thuật kiến trúc rất cao. Đền Thượng Lao được xây ở đầu thôn Thượng Lao là nơi thờ Lê Hiến Giản và thân phụ thân mẫu của ông. Với tổng thể kiến trúc gồm ba tòa kiểu chữ “tam”. Tòa tiền đường 5 gian có hệ thống cột đá và cột lim vững chắc, các bộ vì được liên kết theo kiểu chồng rường, giá chiêng, trốn cột. Các cấu kiện đều được chạm khắc hoa lá cách điệu, nhấn tỉa soi chỉ mềm mại đường nét tinh xảo.
Tòa trung đường ba gian, được xây vòm cuốn, trên cùng là hệ thống lâu gác: “cổ đẳng hai tầng tám mái”. Các đao góc uốn cong nhẹ nhàng. Cung cấm là công trình làm theo lối giá chiêng mê cốn, chạm khắc phong phú. Hệ thống cửa bức bàn kín đáo càng làm tăng vẻ trang nghiêm nơi thờ tự. Tại đây còn tấm bia soạn khắc năm Minh Mệnh thứ 14 (1883) nội dung ghi chép công lao sự tích của Lê Hiến Giản.
Đền Xối Thượng được xây dựng ở đầu thôn Xối Thượng cách đền Thượng Lao khoảng hơn 500m trên một khu đất rộng rãi, mặt quay về hướng tây, giáp đường giao thông liên xã có nhiều cây cổ thụ càng làm cho di tích thêm thoáng đẹp và thuận lợi cho công việc phát huy tác dụng di tích. Công trình mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc, được làm theo kiểu tiền chữ “nhất” hậu chữ “đinh”. Nghi môn xây ba cổng giống như đền Thượng Lao. Tòa tiền đường gồm 5 gian với các bộ vì thiết kế kiểu chồng rường giá chiêng bẩy tiền bẩy hậu, chạm khắc hoa văn hoa lá cách điệu. Cách tiền đường một khoảng sân là đến tòa trung đường. Công trình này gồm ba gian làm hoàn toàn bằng gỗ lim còn một số mảng chạm khắc trên bẩy tiền có niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Hệ thống cửa bức bàn chạm tứ linh xây cuốn gạch khép kín. Đền Xối Thượng còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như sắc phong, câu đối, đại tự, bia ký, thần tích và tượng của “Đức thánh hai” Lê Hiến Tứ.
Di tích đền Thượng Lao và Xối Thượng ngày nay đã trở thành một trung tâm văn hóa làng xã nhằm tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân địa phương đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và công lao to lớn của hai vị đại khoa Lê Hiến Giản và Lê Hiến Tứ.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định