[links()]
(Tiếp theo)
Người Nam Định rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ, các anh hùng dân tộc, những người tài cao học rộng, những ông tổ nghề nghiệp, những vị thần có công với nước. Những ngày giỗ, lễ, tết đều được tổ chức long trọng, trang nghiêm. Hai nơi có lễ hội lớn là lễ hội đền Trần ở Tức Mặc, Bảo Lộc (Mỹ Phúc) thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (tháng tám) và hội Phủ Giầy ở Kim Thái (Vụ Bản) thờ Mẫu Liễu Hạnh (tháng ba). “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, thu hút du khách thập phương về chiêm ngưỡng, lễ bái. Hầu như làng xã nào ở Nam Định cũng có ngôi đình, đền, miếu , phủ, từ đường để suy tôn, tưởng nhớ những người có nhiều công đức.
Lễ hội Phủ dày. |
Ngoài tín ngưỡng thì nhiều tôn giáo cũng phát triển ở Nam Định, sớm nhất là đạo Phật, đến đạo Thiên Chúa và Tin Lành.
Đạo Phật xuất hiện ở Nam Định cách đây khoảng 2000 năm , thịnh hành nhất vào thời Lý – Trần, nhiều nhà sư rất nổi tiếng như Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải. Vua Trần Nhân Tông quê ở Tức Mặc (xã Lộc Vượng ngoại thành Nam Định) đã có công lớn trong việc Việt hóa Đạo Phật, được mệnh danh là ông tổ của phái Trúc Lâm thiền tông. Người Nam Định phần lớn theo đạo Phật (khoảng 67% dân số) và hầu như làng xã nào cũng có một ngôi chùa thờ Phật, đã thống kê được 752 ngôi, tiêu biểu là Tháp Phổ Minh (xã Lộc Vượng), chùa Tháp Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), vừa là trung tâm đạo Phật, vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc độc đáo.
Đạo Thiên Chúa du nhập vào Nam Định sớm nhất cả nước. Năm 1533 thời Lê Trang Tông, một số giáo sĩ người phương Tây đến truyền giáo ở Quần Anh (Hải Hậu), Ninh Cường (Trực Ninh), Trà Lũ (Xuân Trường), dần dần phát triển rộng ra khắp nơi. Từ cuối thế kỷ XVIII với sự truyền giáo của các giáo sĩ người Pháp, đạo Thiên Chúa phát triển mạnh mẽ, dần dần hình thành các trung tâm truyền giáo đầu não là Bùi Chu (Xuân Trường), Vĩnh Trị (Ý Yên) sau chuyển về Kẻ Sở (Thanh Liêm). Những nhà thờ ở đây cũng là những nhà thờ đầu tiên ở Việt Nam. Đến thời thuộc Pháp, đạo Thiên Chúa được khuyến khích phát triển và Nam Định cùng với Phát Diệm (Ninh Bình) trở thành trung tâm Thiên Chúa giáo lớn nhất Đông Dương. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa chiếm trên 20% dân số toàn tỉnh, tập trung đông ở các huyện ven biển (Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy). Hiện nay, toàn tỉnh có 139 nhà thờ xứ, 506 nhà thờ họ, 36 nhà nguyện, 17 cơ sở, 5 dòng tu.
Sau đạo Phật, đạo Thiên Chúa, ở Nam Định còn số ít theo đạo Tin Lành, tập trung ở thành phố Nam Định, chiếm khoảng 0,3% dân số toàn tỉnh với một số nhà thờ.
(Còn nữa)