[links()]
(Tiếp theo)
Khi quốc gia Văn Lang được thành lập, vùng đất Nam Định thuộc bộ Giao Chỉ. Dưới thời Bắc thuộc, đất nước ta bị chia thành quận, huyện, Nam Định thuộc huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ và từ thời Tam quốc trở đi (giữa thế kỷ thứ III) Nam Định thuộc quận Vũ Bình.
Sau khi giành được quyền độc lập tự chủ (thế kỷ thứ X) đến nay, vùng đất Nam Định trải qua nhiều cuộc biến đổi về địa giới hành chính, khi nhập, khi tách và tên gọi cũng thay đổi qua các thời, lúc là đạo, là lộ, là thừa tuyên, khi là xứ, là trấn, là tỉnh. Thời Lý, Nam Định thuộc lộ Hải Thanh và lộ Hoàng Giang. Thời Trần (1225 - 1400), phần lớn đất Nam Định được gọi là phủ Thiên Trường
Sau khi quân Minh xâm lược nước ta chúng đổi phủ Thiên Trường thành phủ Phụng Hóa. Khi Lê Lợi kháng chiến thắng lợi lấy lại tên cũ là phủ Thiên Trường. Đến năm 1469, Lê Thánh Tông đặt thừa tuyên làm đơn vị hành chính, sau đổi thừa tuyên thành xứ, Nam Định thuộc xứ Sơn Nam. Năm 1741, Lê Cảnh Hưng tách xứ Sơn Nam thành Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, thì Nam Định thành Sơn Nam Hạ bao gồm cả phần đất Thái Bình. Tới triều Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Sơn Nam Hạ được đổi gọi là Trấn Nam Định. Năm 1831 đổi trấn lập tỉnh, Nam Định gồm có 4 phủ 18 huyện. Năm 1890, tách hai phủ lập tỉnh Thái Bình, Nam Định còn hai phủ là phủ Thiên Trường và phủ Nghĩa Hưng.
Phủ Thiên Trường, lỵ sở đóng ở Giao Thủy đời Lý là Hải Thanh, đời Trần là Thiên Thanh, sau đổi là Thiên Trường (1226). Thời thuộc Minh là phủ Phụng Hóa, đến đời Lê là Thiên Trường, gồm có năm huyện là:
- Giao Thủy, đời Lý là hương Giao Thủy đến thời thuộc Minh, thăng lên là huyện Giao Thủy (sau triều Nguyễn tách thành Giao Thủy và Xuân Trường)
- Nam Chân, đời Trần là Tây Chấn, đời Lê đổi là Nam Chân.
- Chân Ninh, đời Nguyễn (năm Minh Mệnh thứ 14) chia Nam Chân ra thành Nam Chân và Chân Ninh (Nam Trực và Trực Ninh).
- Thượng Nguyên, đời Trần là huyện Thượng Hiền, thời thuộc Minh là huyện Thuận Vi, đến đời Lê đổi là Thượng Nguyên (đến triều Nguyễn nhập một phần vào huyện Thuận Vi và chuyển một số xã vào huyện Vụ Bản và Bình Lục).
- Mỹ Lộc, thời thuộc Minh thuộc phủ Phụng Hòa, đời Lê đổi là Mỹ Lộc.
Phủ Nghĩa Hưng, lỵ sở đặt ở huyện Đại An, đời Lý là Hiển Khánh, đời Trần là Kiến Hưng, thời thuộc Minh là Kiến Bình, đời Lê, niên hiệu Hồng Đức đổi là Nghĩa Hưng, gồm có bốn huyện:
Đại An xưa có tên là Đại Ác, đời Lý niên hiệu Minh Đạo (1042 - 1043) đổi là Đại An, thời thuộc Minh gọi là Đại Loan, sang đời Lê lấy lại tên cũ là Đại An.
Thiên Bản, thời xưa có tên Thiên Bản, thời thuộc Minh đổi là An Bản, đời Lê lại lấy tên cũ Thiên Bản, về sau triều Nguyễn đổi là Vụ Bản.
Ý Yên đời Trần đặt là huyện Ý Yên.
Phong Doanh thời xưa là Kim Xuyến, thời thuộc Minh là Vọng Doanh, năm Minh Mệnh thứ 13 đổi là Phong Doanh. Đến triều Nguyễn nhập Phong Doanh vào huyện Ý Yên.
Theo thời gian, vùng đất Nam Định ngày càng được mở rộng, lấn nhanh ra biển. Năm 1888 thành lập huyện Hải Hậu (tách hai tổng của Trực Ninh và hai tổng của Giao Thủy cùng với vùng đất mới khai khẩn do lấn biển lập thành huyện mới).
Từ năm 1926 (theo Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn) toàn tỉnh Nam Định gồm 2 phủ, 7 huyện, 78 tổng, 708 xã (thời gian này cấp phủ chỉ tương đương cấp huyện vì cấp phủ trung gian đã bị bãi bỏ).
Nam Định trở thành vùng đất hứa càng ngày càng rộng thêm, có sức lôi cuốn con người đến khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp. Thưở hàn vi, Đinh Tiên Hoàng đã từng đến Giao Thủy đánh cá. Sau này, một loạt các vị tướng có công dẹp loạn 12 sứ quân đã được nhà vua ban cho thái ấp, để mộ dân khai khẩn hưởng lợi ở nhiều huyện trong tỉnh. Lã Đường là một vị sứ quân có công, đã được cấp 200 mẫu ở Quang Xán (xã Mỹ Hà – Mỹ Lộc). Đến triều Lý, các vua nhà Lý cũng lập hành cung Lý Nhân và Ứng Phong (nay thuộc huyện Vụ Bản) thực chất là để theo dõi, điều hành sản xuất nông nghiệp.
Đầu thế kỷ XIII, dòng họ Trần ở Tức Mặc đã phát tích lập nên vương nghiệp triều Trần lừng lẫy những chiến công chống Mông – Nguyên trong lịch sử dân tộc. Những thái ấp Quốc Hương (Vụ Bản, Bình Lục) của Thái sư Trần Thủ Độ; thái ấp An Lạc (Mỹ Phúc – Mỹ Lộc) của An Sinh Vương Trần Liễu; thái ấp Độc Lập (nay thuộc Vụ Bản) của thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải..., ngoài ra nhà vua cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu mộ những người không có sản nghiệp làm nô tỳ rồi đưa đi khai khẩn lấn biển, nhiều thái ấp được hình thành, mở đầu cho sự hình thành các điền trang từ đây. Nhiều thái ấp không chỉ ở quê hương Mỹ Lộc mà còn lan ra các huyện phía bắc tỉnh cho đến phía nam: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường và tới cả Trường Yên - Ninh Bình. Đặc biệt, nơi hành cung Thiên Trường được xây dựng nguy nga, trở thành kinh đô thứ hai tạo nên thế “Ỷ giốc” cho kinh đô Thăng Long. Khu hành cung Tức Mặc – Thiên Trường có cuộc sống phồn vinh và cảnh trí rất tươi đẹp.
Thời Lê, vùng đất này có khá nhiều dấu tích di cư của tôn thất nhà Lê ra lập nghiệp (ở Mỹ Thịnh, tập trung nhất ở làng Lê Xá) ven sông Ninh Giang, con sông nối sông Hồng với sông Đáy có nhiều lộc điền của các tướng lĩnh nhà Lê. Lê Thánh Tông lập trên đất Nam Định các đồn điền như Vọng Doanh (Ý Yên) tuyển quân lính và mộ nông dân đến làm để sản xuất lương thảo cho quân sĩ của triều đình.
(Còn nữa)