Đình - chùa Đô Quan

06:05, 15/05/2014

    Từ thành phố Nam Định theo quốc lộ 10 tới ga Cát Đằng rẽ trái theo đường 57C đến ngã ba cống Cầm rẽ phải đến trung tâm xã Yên Khang huyện Ý Yên là đến được đình và chùa Đô Quan.

    Đình Đô Quan là di tích thờ Trần Nhân Trứ, một nhân vật xuất chúng thời Trần. Trần Nhân Trứ sinh ngày 10 tháng 2 niên hiệu Kiến Gia (1221) tại phường Quán Đổ, huyện Kim Xuyên (nay là thôn Đô Quan, xã Yên Khang, huyện Ý Yên). Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, lớn lên thích đi du ngoạn, lại có biệt tài đánh đàn và chơi cờ, nên người đời suy tôn là “Đàn tiên, cờ trạng”. Ông đã từng đánh cờ với Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc và vua Trần Thánh Tông.

    Trần Nhân Trứ còn là người giỏi thơ văn, am hiểu binh pháp, võ nghệ và có sức khỏe hơn người. Vì thế khi triều đình tuyển chọn nhân tài, ông được vua Trần Thái Tông ban chức Túc vệ thượng đô. Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 (1242), ông được phong làm Thân vệ tướng quân, nhận nhiệm vụ đem quân trấn thủ biên giới phía bắc. Sau này ông còn theo vua Trần Thánh Tông đi dẹp loạn ở các động Nẫm Bà La, lộ Bố Chính (nay thuộc Quảng Bình). Trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông ông đều lập công xuất sắc, được ghi vào sách Trung hưng thực lục. Do có biệt tài và đóng góp nhiều công lao nên Trần Nhân Trứ được ban 200 mẫu ruộng ở Cánh Voi (Phụng Hóa) và 300 mẫu ở Trại Mía (Tây Chân).

chùa Đô Quan xã Yên Khang nằm về phía tây nam huỵên Ý Yên.
Đình - chùa Đô Quan thuộc xã Yên Khang,  huỵên Ý Yên.

    Đất nước trở lại thái bình, Thân vệ tướng quân Trần Nhân Trứ trở lại phường Quán Đổ, thiết lập quân doanh trên bờ sông Đáy tạo thế phòng thủ, đồng thời cho binh lính mở mang đồng ruộng, thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”. Khi thượng hoàng Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông để lên núi Yên Tử tu hành thì Trần Nhân Trứ cũng cáo quan, dựng chùa Phúc Lâm bước vào con đường tu hành.

    Trần Nhân Trứ đã thuê thợ tạc tượng Phật, làm cột phướn dùng trong đại lễ và đặc biệt là làm bệ đá hoa sen đặt tại tòa tam bảo. Hơn 700 năm trôi qua, chiếc bệ đá vẫn còn tồn tại. Bệ đá hoa sen là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá cầu kỳ tinh tế ở đường nét, khỏe mạnh ở kiểu dáng, phong phú về đề tài. Theo các nhà nghiên cứu đây là chiếc bệ đá hoa sen thời Trần duy nhất trên đất Nam Định.

    Trần Nhân Trứ mất ngày 14 tháng 7 năm Quý Sửu (1313), thọ 93 tuổi, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho họ tộc và nhân dân. Vua Trần Minh Tông nghĩ đến công phò giúp bốn triều vua của ông, nên sai Thừa chính Nguyễn Từ Loa và Thiền sư Quách Nhẫn về chùa Phúc Lâm làm lễ cầu siêu, phong cho ông làm Phúc thần, cho xã Dương Đường 36 mẫu ruộng ở phía tây khu dinh thự để làm đình thờ ông và tạc bia tri ân công đức. Cùng với việc thờ Trần Nhân Trứ , đình Đô Quan còn thờ Bạch Đê Đại vương và Côn Lang Đại vương – là hai vị thiên thần giúp dân từ những ngày đầu về đây khai hoang, sinh cơ lập nghiệp.

    Ở tòa đệ nhị còn thờ bốn ông tổ họ Cao, họ Hoàng, họ Phạm và họ Nguyễn đã về đây khai khẩn đất hoang.

    Ngoài các giá trị về lịch sử, di tích đình chùa Đô Quan còn là một công trình kiến trúc quy mô mang đậm phong cách cổ truyền dân tộc. Các tòa ngang dãy dọc của đình, chùa có tới 30 gian lớn nhỏ, được xây dựng trên một khu đất cao rộng ở trung tâm xã tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đến tham quan, chiêm ngưỡng.

    Ngôi đình kiến trúc theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh, gồm tiền đường 5 gian, đệ nhị 3 gian và chính tẩm 3 gian. Tòa tiền đường được trùng tu vào năm Kỷ Hợi (1899), bộ khung bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Tòa đệ nhị ba gian được thiết kế theo kiểu chồng rường, bẩy kẻ. Trên các bẩy, câu đầu, đầu xà chạm rồng, hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Phía trong tòa đệ nhị là ba gian chính tẩm. Tại hai cột cái cùng hai cột quân ở vì cửa gian chính tẩm đều được chạm kín họa tiết rồng leo, ly chầu, nghê, hổ phù, quy, theo các kiểu dáng khác nhau. Mỗi mảng chạm kênh bong ở đây có riêng một vẻ đẹp khác nhau. Hệ thống con rường được chạm tỉa họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, từng chú ly ẩn hiện, đan xen là mây tản lá hỏa. Hệ thống bạo cửa chạm nổi hoa lá, dải lụa, phong thư làm cho cửa cung cấm vừa uy nghi, vừa thẩm mĩ.

    Bên cạnh đình là ngôi chùa thờ Phật làm theo kiểu chữ đinh, gồm tòa bái đường 5 gian, tam bảo 3 gian, bộ khung bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Cũng như đình, các mảng chạm ở chùa là những đề tài được các nghệ nhân thể hiện rất khéo léo.

    Đình chùa Đô Quan là một công trình kiến trúc tuy không đồ sộ, nhưng nhìn chung từ cấu kiện của phần mộc, đến bờ bảng, mái ngói, đặc biệt là các đề tài chạm khắc từ thế kỷ XVII-XVIII đã làm tăng giá trị của di tích.

    Hàng năm, từ ngày 23 đến 26 tháng 11 âm lịch, dân làng tổ chức thi cỗ chay, đánh cờ thẻ, múa sư tử, bơi chải… Buổi tối các ngày 24 và 25 tháng 11 âm lịch tổ chức hát chèo và múa rối nước. Ngày xưa múa rối nước được tổ chức cả ban ngày và ban tối. Buồng trò của phường rối nước thôn che mành tre trên treo y môn và cờ phướn ngay ở dòng sông Cầm. Dân gần xa nô nức kéo đến xem rất đông. Trò múa rối ở hội làng Đô Quan là một di sản văn hóa đặc sắc trong lễ hội truyền thống ở huyện Ý Yên.

    Đình- chùa Đô Quan đã được Bộ Văn hóa – thông tin công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

 

 

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com