Đền - chùa Hà Cát nằm gần trung tâm xã Hồng Thuận cách thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy khoảng 4km về phía đông nam.
Căn cứ vào các nguồn tư liệu còn lưu giữ tại di tích và truyền thuyết ở địa phương, đền – chùa Hà Cát là nơi ghi dấu công lao to lớn của ông tổ 10 dòng họ: Lê, Đặng, Phạm, Đoàn, Hoàng, Trần, Vũ, Bùi, Hà, Nguyễn từ nơi làng cũ thuộc xã Thiên Bản ( nay là xã Lộc An, ngoại thành Nam Định) về đây khai hoang, lấn biển tạo lập làng xã từ đầu thế kỷ XVIII.
Dưới thời Lê, năm Giáp Dần, niên hiệu Hoằng Định thứ 15 (1615) quan đại thần Lưu Đình Chất được Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng tiến cử làm Dinh điền Chánh sứ tại vùng biển Giao Thủy đã cho xuất tiền công chiêu mộ dân tiếp tục khai hoang mở đất lập ra 12 xã trong đó có xã Hà Cát. Xã Hà Cát ( nay là xã Hồng Thuận) được hình thành vào thời Hậu Lê, một thời kỳ chính sách ruộng tư đang phát triển, nhu cầu tín ngưỡng trong đời sông cộng đồng dân cư làng xã đã trở thành trào lưu rộng lớn. Nhiều ngôi đình, chùa được xây dựng ở khắp nơi để thờ thần, thờ thánh và thờ Phật. Trong trào lưu chung của xã hội đương thời, tại Hà Cát, nơi làng xã mới được tạo lập nhân dân đã dựng ngôi đền thờ vị thành hoàng (rước chân nhang từ quê cũ Thiên Bản về thờ) tên húy là: Lê Đình Hương, vị hiệu là: “Đình công bảo quốc hộ dân, Dực thánh Đại vương Thượng đẳng phúc thần”. Về sau dân xã tri ân công đức của Lưu Công (Lưu Công Chất) và mười vị tổ, lại viết thần hiệu phối thờ cùng với vị thành hoàng để ghi nhớ công lao của những người mở đất lập làng, nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau phải biết giữ gìn thuần phong mỹ tục.
Toàn cảnh đền chùa Hà Cát |
Dưới thời Lê, niên hiệu Đức Nguyên thứ 2 (1674), Lại bộ Hữu thị lang Thân Toàn đi kinh lý về vùng Hà Cát đem việc xã tâu lên, triều đình sắc phong Dinh điền Chánh sứ Lưu Công là: “Phụng thiên khai cơ chiêu dân lập ấp bảo thành trợ thuận, hoẵng nhân giáo nghĩa Lưu tướng công phúc thần” và tước bá cho mười vị tổ, lại địa phương được miễn trừ công dịch, tỏ rõ việc triều đình trọng vọng sự khuyến nông. Cùng với việc triều đình phong sắc, nhân dân dựng đền thờ tự khắc bia tri ân công đức các vị tổ, đền Hà Cát còn thờ vị quận công thời Lê người xã Hà Cát xưa. Ông tên là Vũ Đích sinh năm Chính Hòa thứ nhất (1680) làm quan ba mươi năm trải ba đời vua Lê: Lê Dụ Tông (1705 – 1729), Lê Đế (1729 – 1732) và Lê Thuần Tông (1732 – 1735). Vào năm Đinh Mùi (1727), trong lần đi giảm thuế ở đạo Sơn Nam, khi về đến Hà Cát thấy dân nghèo đói phiêu bạt, Vũ Công đã xin triều đình chiêu mộ dân hồi cư tái lập làng xã dần ổn định cuộc sống. Về sau ông còn đi dẹp loạn ở vùng Nghệ An, Thanh Hóa lập nhiều công lớn. Ông mất vào ngày 25 tháng 5 (không rõ năm) tại Huế, triều đình cho đưa linh cữu về quê an táng, nay còn khu lăng mộ ở cánh đồng trwocs cửa đền. Ông còn được ban tặng chức Quận công và phong là “Anh liệt tướng quân”.
Hiện nay trong lăng của quận công có bài vị thờ ghi: “Tái lập làng thôn người trong xã Thiên tri lại phiên thi cận tổng thái giám, gia tặng: Anh liệt tướng quân Vũ Công tự là Hòa An, thụy là Trung Mẫn”. Công lao của ông mãi mãi được thế hệ người dân ở Hà Cát tôn thờ ngưỡng vọng.
Đền – chùa Hà Cát nằm trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, có hệ thống nghi môn khang trang, vườn cây tươi tốt. Xung quanh là cánh đồng lúa, hồ ao và khu dân cư.
Đền Hà Cát là công trình gồm hai tòa nhà xây theo kiểu chữ đinh. Tiền đường là ba gian rộng, tường xây gạch thất để mộc, phía trong có các bộ vì kết cấu chồng rường giá chiêng, bẩy tiền mê cốn chạm trổ cầu kỳ. Các con rường chạm khắc họa tiết cánh sen mềm mại. Phần trụ non trên các cột trốn chạm “Tứ linh”, đầu dư chạm đầu rồng ngọc, các đầu xà, đầu cột điểm xuyết họa tiết lá lật, đầu bẩy chạm “Tứ linh”, cá hóa long, hệ thống cột, hoàng rui gỗ lim bền vững, mái lợp ngói nam bằng phẳng.
Cung cấm ba gian xây dọc, liên kết giao mái bất vần với tiền đường theo kiểu tứ trụ: hai cột cái và hai cột quân, đặc biệt các kẻ xối liên kết giữa hai vì đầu và hoành mái với các cột, tạo nên không gian thoáng đãng nơi thờ tự. Trên các kẻ xối chạm khắc hoa văn rồng chầu mặt nguyệt, hoa lá cách điệu với kỹ thuật: Kênh, bong, lộng, nổi đều đặn, tinh xảo, cân xứng. Từ đầu các cột cái đến cột quân đều chạm “long cuốn thủy”, với thân rồng uốn lượn, bờm râu mềm mại đang bơi lội trong nước cùng rùa, cá chép xen kẽ với các họa tiết cánh sen. Tại bức thuận giữa trang trí mặt hổ có phù có bờm và tay, mặt giống sư tử lân thể hiện sức mạnh của một linh vật, Phía sau đền là chùa có tên “ Long Quang tự” tức chùa Long Quang, chùa có lịch sử xây dựng từ lâu đời nay do tác động của thiên nhiên ngôi chùa cổ đã được nhân dân trùng tu khang trang hơn, song vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ truyền. Chùa là nơi thờ Phật cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa dân gian đáp ứng một phần đời sống tinh thần không thể thiếu của dân Hà Cát xưa và nay.
Trải qua biến thiên của lịch sử, tác động của con người, khu đền – chùa Hà Cát vẫn giữ được quy mô bề thế với phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc, thể hiện tài năng sáng tạo, thẩm mỹ cao củ những nghệ nhân xưa ở một vùng quê gần sông sát biển này.
Khu di tích đền – chùa Hà Cát còn là nơi gắn bó, chứng kiến mọi sự thăng trầm hưng vong của làng xã. Đặc biệt thời kỳ đấu tranh cách mạng. Đền – chùa Hà Cát là địa điểm thành lập chi bộ Đảng Hà Cát vào ngày 22 tháng 4 năm 1940, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Giao Thủy.
Chi bộ Đảng Hà Cát ra đời đánh dấu một bước phát triển quan trọng của phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương. Sau đó Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã cử đồng chí “Giáo Xương” sang Hà Cát – Giao Thủy để phối hợp huấn luyện phổ biến công tác hoạt động bí mật của Đảng.
Tháng 8 năm 1942, Đảng bộ tỉnh Thái Bình lại cử đồng chí Lương Quang Chấp sang Hà Cát dự mít tinh kỷ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Đến năm 1941 – 1942, đồng chí Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang) được Trung ương cử về chỉ đạo phong trào cách mạng ở khu vực Giao Thủy – Nam Định, đồng chí đã tổ chức nhiều cuộc họp, tập huấn cán bộ của Liên khu ủy C (gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) để tuyên truyền về tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê nin tại đền – chùa Hà Cát.
Thời kỳ cả nước tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền dân chủ nhân dân, cùng trong khí thế hào hùng của dân tộc, ngày 21 tháng 8 năm 1945 cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Giao Thủy đã hoàn toàn thắng lợi, chính quyền cách mạng lâm thời huyện nhà được thành lập đã làm nức lòng mọi tầng lớp nhân dân. Hà Cát là một thôn duy nhất của huyện Giao Thủy thành lập được Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Tại sân đền – chùa Hà Cát chính quyền mới đã ra mắt trước đông đảo quần chúng nhân dân.
Chính quyền cách mạng ra đời chưa được bao lâu thì tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp lại diễn ra trong cả nước. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, toàn dân đứng lên kháng chiến. Đến cuối năm 1949, thời gian thực dân Pháp tạm chiếm huyện Giao Thủy, cũng là thời kỳ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Định gặp muôn vàn khó khăn. Địch đặt tỉnh: tự trị Bùi Chu, tập trung trấn áp phong trào ở khắp nơi. Đền – chùa Hà Cát lại trở thành cơ sở tin cậy của tổ chức cách mạng huyện, xã nơi liên lạc của phong trào kháng chiến giữa huyện Giao Thủy và tỉnh Thái Bình.
Từ cuối năm 1953, quân và dân huyện Giao Thủy nói chung, ở Hà Cát – Hồng Thuận nói riêng phong trào đấu tranh đã không ngừng lớn mạnh. Tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng càng được phát triển sau mỗi cuộc chống càn thắng lợi. Ở quê hương Hà Cát – Hồng Thuận, qua những năm kháng chiến, nơi đền – chùa tôn nghiêm đã trở thành địa điểm huấn luyện của dân quân, du kích, là nơi nuôi giấu cán bộ của các tổ chức cách mạng ở Trung ương và địa phương về tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng với các tầng lớp nhân dân, nhằm củng cố hậu phương vững chắc, đảm bảo kháng chiến đến thành công. Tất cả những sự kiện lịch sử diễn ra tại đền – chùa Hà Cát đã góp phần làm tăng thêm những giá trị tiêu biểu của di tích.
Hàng năm tại đền – chùa Hà Cát diễn ra lễ hội “ Hạ điền” vào ngày 25 tháng 5 (âm lịch). Đây là lễ hội mang đặc trưng của cư dân trồng lúa nước. Trong lễ hội có nghi thức lễ cáo yết thành hoàng, cáo yết thần nông tiếp đến nghi lễ “xuống đồng” và cuối cùng là nghi lễ “cấy lúa”, tại thửa ruộng đã được chọn trước. Người được chọn cấy lúa gọi là “chúa đồng” với các tiêu chuẩn: người có tuổi cao, thạo nghề cấy hái, am hiểu đồng đất, thời vụ, phúc hậu, khỏe mạnh, đông con nhiều cháu, gia đình không vướng vào tang ma. Lễ hội “Hạ điền” mang ý nghĩa cầu mong cho trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân an quốc thái.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định