Từ thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu theo đường 56 đi khoảng 3km là đến đền Bảo Ninh thuộc xã Hải Phương- một trong những di tích lịch sử- văn hóa, cơ sở tin cậy của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đền Bảo Ninh xây dựng trên một khu đất cao, với diện tích 3.600m2 ở giữa cánh đồng, mặt quay về hướng tây. Xung quang đền có nhiều cây lưu niên, bốn mùa xanh tươi, tạo cho di tích một cảnh quan hấp dẫn và không khí mát mẻ, trong lành. Phía trước đền là hệ thống cột đồng trụ và cửa ra vào được tạo dáng đẹp, trang trí nhiều đề tài: Nghê chầu, hổ phù, tứ linh, tứ quý cùng các câu đối nhấn nổi bằng chữ Hán. Từ hệ thống cửa và cột đồng trụ vào đền là một sân rộng lát gạch phẳng phiu, xung quang có tường xây bao bọc kín đáo.
Đền Bảo Ninh gồm 6 tòa với 30 gian lớn, nhỏ, trong đó khu vực thờ tự chính có 15 gian được thiết kế theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ công. Tòa chữ nhất nằm ở vị trí trung tâm đối diện với hệ thống cửa ra vào và cột đồng trụ; công trình gồm 5 gian có chiều dài 12m, rộng 7,8m với bộ mái phẳng, lợp ngói nam. Trên nóc mái xây đại bờ, hai bên hồi có hệ thống bờ bảng và cột đồng trụ mang đậm phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn. Chính giữa chân mái phía trước xây một bức trương theo kiểu chồng diêm, mái cong. Các đầu đao, kìm nóc được thể hiện bằng họa tiết lá lật cách điệu. Hai bên của bức trương đắp đôi rồng thời Nguyễn với thân hình uốn lượn mềm mại. Bên trong tòa chữ nhất thiết kế các vì kèo theo kiểu uốn vành mai, được đặt trên hệ thống cột trụ hình vuông xây bằng gạch. Mặc dù kích thước các cột trụ khá lớn nhưng do trang trí các đường chỉ nổi, ống tơ cả bốn mặt nên đã tạo được vẻ mềm mại , thanh thoát.
Đền Bảo Ninh thuộc xã Hải Phương, huyện Hải Hậu. |
Liền sau tòa chữ nhất là tòa chữ công 10 gian gồm tiền đường 5 gian chiều dài 6,50m, rộng 4,50m, trung đường 3 gian dài 5m; rộng 3,50m và hậu đường dài 4m60 rộng 2m40. Bên trong tòa chữ công không thiết kế các vì kèo mà xây kiểu vòm cuốn, bên ngoài lợp ngói nam. Với cách bố trí như vậy đã tạo cho công trình một không gian cao, rộng nhưng vẫn đảm bảo độ bền vững , chắc chắn.
Cùng với khu vực thờ tự chính, ở hai bên đền Bảo Ninh còn có nhà thờ tổ và phủ thờ Mẫu đều được thiết kế kiểu chữ đinh. Các công trình này đã góp phần bổ sung, hỗ trợ, tạo cho di tích một quần thể hoàn chỉnh. Các công trình xây dựng ở đây tuy có những nét vẻ khác nhau nhưng đều mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện rõ phong cách kiến trúc cổ truyền của Việt Nam.
Ngoài vẻ đẹp và có quy mô về kiến trúc, đền Bảo Ninh còn lưu giữ được một số đồ thờ có giá trị như ngai, khám, nhang án, câu đối, đại tự v.v… với nghệ thuật chạm khắc công phu, sơn thếp lộng lẫy, tất cả góp phần làm tăng thêm không khí trang nghiêm nơi thờ tự.
Căn cứ vào các tư liệu thành văn còn giữ được tại di tích thì đền Bảo Ninh là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – người anh hùng dân tộc, vị tướng lừng danh đã từng ba lần đánh tan đế quốc Nguyên – Mông xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc của Đại Việt ở thế kỷ XIII. Hải Hậu là mảnh đất được hình thành từ sự nghiệp khai hoang, lấn biển cho nên cùng các di tích khác trong huyện , đền Bảo Ninh còn thờ những người có công lao mở đất, lập làng. Đó là bốn tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập, các họ: Lại, Nguyễn, Lê, Đỗ, Bùi, Phan, Đoàn, Trần, Vũ cùng những thế hệ con cháu kế tiếp sau này, trong đó có nhà khoa bảng đầu tiên của Hải Hậu – Tiến sĩ, Dinh điền sứ Đỗ Tông Phát.
Không chỉ thờ tự những người có công lao với quê hương , đất nước, phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân địa phương, đền Bảo Ninh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn là một cơ sở tin cậy của cách mạng, đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp chung giải phóng đất nước.
Hải Phương là một xã nằm sát huyện lỵ Hải Hậu, xung quanh có nhiều đồn bốt của địch. Trong xã tỉ lệ nhà thờ khá nhiều và kẻ địch đã lợi dụng vào một số ít cha cố phản động dùng nhà thờ để làm nơi chống phá cách mạng. Mặc dù vậy đền Bảo Ninh vẫn là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng. Trước âm mưu của địch mở rộng đánh chiếm đồng bằng Bắc Bộ và 6 huyện miền nam của tỉnh Nam Định, ngày 16-10-1949, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính của tỉnh đã tổ chức cuộc họp để triển khai nhiệm vụ lãnh đạo các lực lượng chiến đấu chống địch càn quét. Đồng thời chuẩn bị đưa công tác giáo dục tư tưởng, tổ chức hoạt động từ vùng tự do vào nơi bị địch chiếm đóng. Thi hành Nghị quyết của Tỉnh ủy Nam Định, vào cuối tháng 10 năm 1949, Ban chấp hành Huyện ủy huyện Hải Hậu họp tại đền Bảo Ninh để phổ biến âm mưu của địch đánh chiếm huyện Hải Hậu. Cũng trong cuộc họp này đã phân công các bộ phận lãnh đạo chiến đấu, bảo vệ dân sơ tán, bố trí cơ sở và những người ở lại bám đất, bám dân , tiến hành công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng chịu đựng gian khổ hi sinh, chờ đợi thời cơ thuận lợi để đánh giặc giải phóng quê hương.
Để phối hợp với bộ đội chủ lực liên khu 3 về đánh đồn Văn Đàn, tại đền Bảo Ninh, Huyện ủy Hải Hậu đã triệu tập cuộc họp với bí thư các xã bàn kế hoạch lãnh đạo quần chúng võ trang chiến đấu, tước vũ khí của bọn tề dõng địa phương. Sau khi cuộc tập kích đồn Văn Đàn vào đêm 8-1-1952 không thành công, cũng tại đền Bảo Ninh, đồng chí Trần Lẫm, Ủy viên liên khu ủy 3 đã tổ chức cuộc họp với ban thường vụ huyện ủy Hải Hậu và cán bộ quân sự để chuẩn bị kế hoạch chặn đánh quân tiếp viện của địch cho đồn Văn Đàn. Được sự giúp đỡ của nhân dân thôn chợ Hàng, trung đoàn 52 thuộc đại đoàn 320 đã tổ chức vượt sông sang xã Hải Hưng, Hải Thanh bố trí mai phục chờ quân tiếp viện của địch. Trưa ngày 16-1-1952, địch huy động 7 xe cơ giới chở lính Âu Phi từ Bùi Chu kéo về chợ Cầu Đôi. Chờ cho quân địch lọt vào trận địa phục kích , quân ta nhất tề nổ súng nhanh chóng tiêu diệt gọn một đại đôi lính Âu Phi, phá hủy 5 xe của chúng, số còn lại hoảng loạn tháo chạy. Chiến thắng Cầu Đôi đã làm cho quân thù hoang mang, dao động, đồng thời cổ vũ , khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Trong thời gian bao vây bốt Văn Đàn, ông Nguyễn Trọng Luật, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy (sau này từng là Vụ trưởng Vụ Bảo tồn, Bảo tàng) đã về lãnh đạo chi bộ xã Hải Phương. Cùng với nhà cụ Phạm Văn Vỵ, đền Bảo Ninh đã trở thành cơ sở để ông Luật đi về hoạt động và tổ chức các cuộc họp phân công nhiệm vụ, bao vây đồn địch cho lực lượng dân quân, du kích địa phương.
Tháng 8-1953 khi giặc Pháp quay trở lại chiếm đóng tràng Đông Biên lần thứ 2 thì đền Bảo Ninh là nơi tập trung lực lượng dân quân du kích để trực chiến, chặn đánh các cuộc càn quét, cướp phá của địch. Đồng thời tại đây còn tổ chức cứu chữa thương binh, khâm niệm , mai táng bộ đội và du kích bị hi sinh trong chiến đấu.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, đền Bảo Ninh được huyện ủy huyện Hải Hậu dùng làm địa điểm mở lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, tổ chức kết nạp đảng viên mới . Năm 1998 đền Bảo Ninh đã được Bộ Văn hóa- thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định