Nằm cách thị trấn Yên Định trung tâm huyện lị Hải Hậu khoảng 5km về hướng tây bắc, chùa Phúc Sơn thuộc xã Hải Trung, huyện Hải Hậu là di tích gắn liền với công cuộc khai hoang, lấn biển, cách dây hơn 5 thế kỷ.
Ngày ấy mảnh đất này còn là một bãi biển mênh mông hoang hóa chỉ có sình lầy và sú vẹt mọc um tùm. Phía hữu ngạn sông Hồng phù sa lắng đọng phân nhánh thành hai cửa: Lạch Lác và Lạn Môn. Tại phía nam cửa sông Lạch Lác (sau đổi thành Cường Giang) nơi có nhiều bãi bồi đã sớm hình thành những mũi khai khẩn đầu tiên. Theo sách “Quần Anh tiểu sử” thì những người có công đầu giúp dân khai hoang mở đất thành lập nên xã Quần Anh vào năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) phải kể đến công lao của bốn ông tổ Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập.
Song song với việc khai khẩn đất đai tạo dựng xóm làng, 4 tổ khai sáng ban đầu cùng 9 họ kế tiếp về sau còn quan tâm đến việc xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng. Tiêu biểu cho những công trình ấy phải kể tới cầu Ngói, chùa Lương, đền thờ Tống Hậu, các quán Trâu, Sách Lâm, Kim Lăng... Đây chính là dấu ấn đánh giá quá trình lao động bền bỉ thông minh, sáng tạo, vượt khó khăn gian khổ của “Tứ tính cửu tộc” và con cháu các dòng họ đã biến một vùng đất hoang hóa trở thành một ấp Quần Cường rồi thành một xã Quần Anh trù phú.
Trải qua quá trình phát triển đi lên, tháng 3 năm 1804 vua Gia Long ký lệnh phân chia Quần Anh làm 3 xã: Thượng, Trung, Hạ. Mặc dù Quần Anh chia làm 3 xã nhưng vì cùng là dân trong “Thập giáp” nên các phong tục, lễ nghi của hai xã Thượng và Trung không có gì khác biệt.
Hàng năm vào dịp lễ tết, hội hè, nhân dân xã Trung vẫn đến lễ Phật tại chùa Lương xã Thượng. Về sau nhân dân xã Trung đã tiến hành xây dựng chùa của riêng mình.
Căn cứ vào văn bia “Quần Phương Trung, Phúc Sơn tự bi” (bia chùa Phúc Sơn, xã Quần Phương Trung) thì người khởi xướng việc xây dựng chùa Phúc Sơn là sư tổ Lại Thanh Sơn (người xã Quần Phương Trung) trụ trì tại chùa Thiên Biên xã Hà Nam (Nay là xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu). Chùa Phúc Sơn được xây dựng vào đời vua Tự Đức năm thứ 12 (1859), lúc đầu chỉ là 1 am nhỏ bằng tranh cỏ đơn sơ gọi là Tĩnh Ngọc Lâm. Dần dần Tĩnh Ngọc Lâm được mở rộng và xây dựng to lên thành chùa Ngọc Lâm, nhân dân quanh vùng quen gọi là chùa Tĩnh. Tới đời vua Thành Thái năm thứ 7 (1895) khi bàn việc dựng nhà thờ tứ tổ khai sáng, nhân dân đã đề xuất nâng cấp xây dựng thêm nhà tổ, phủ thờ Mẫu, gác chuông do vậy chùa Phúc Sơn đã trở thành một ngôi chùa đẹp ở trong vùng.
Khu di tích chùa Phúc Sơn xây dựng trên một khu đất cao, rộng ở giữa làng, mặt quay ra cánh đồng theo hướng nam. Phía trước chùa là một hồ bán nguyệt xây bằng gạch, in bóng cây đa cổ thụ bốn mùa xanh tươi cùng với hệ thống cửa tam quan và hệ thống tường hoa xung quanh kết hợp với nhiều hạng mục công trình như: chùa thờ Phật, đền thờ tứ tổ khai sáng, phủ thờ Mẫu, vườn cảnh, tháp mộ... Tất cả tạo thành khuôn viên hài hòa kín đáo.
Nổi bật trong tổng thể di tích là ngôi chùa được làm theo kiểu chữ đinh gồm bái đường 5 gian và tam bảo 3 gian. Với lối kiến trúc chồng diêm, mái phẳng, lợp ngói nam, trên nóc mái có đại bờ trang trí mặt nguyệt ở giữa, hai bên thể hiện đề tài rồng chầu, tứ quý và câu đối, các nghệ nhân xưa đã thể hiện được sự khéo léo tài hoa của mình.
Bên trong bái đường thiết kế bốn bộ vì kiểu chồng rương, giá chiêng, kẻ bẩy. Cùng với hệ thống cột, các cấu kiện giằng giữ như câu đầu, xà lòng, xà nách... tuy không chạm khắc cầu kỳ nhưng bằng những đường soi chỉ, những đường nét đục chạm lá lật cách điệu được sơn thếp lộng lẫy đã làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm nơi cửa Phật. Trong quần thể di tích, đối xứng với phủ thờ Mẫu ở phía đông là đền thờ các tổ khai sáng ở phía tây. Công trình cũng làm theo chữ đinh với tiền đường ba gian, chính tẩm ba gian, mặt tiền ngôi đền được khắc nổi ba chữ Hán “Khải xã từ”(đền thờ các tổ có công lập xã). Ngôi đền gợi nhớ về những thành quả lao động của bốn tổ và chín dòng họ kế tiếp trên vùng đất mới, đúng như câu đối còn ghi giữa tiền đường:
“Thừa đế mệnh phá thiên hoang giang sơn khởi sắc
Hộ dân sinh khai địa quảng thảo mộc hồi nhan”
(Vâng mệnh vua khai phá thiên nhiên, non sông rạng rỡ
Giúp người dân vỡ đất rộng, cây cỏ đẹp tươi)
Tại quần thể di tích chùa Phúc Sơn còn lưu giữ được một số đồ thờ có giá trị về nghệ thuật. Đó là hệ thống tượng Phật tại tòa tam bảo, tiêu biểu là hai tác phẩm có giá trị cao đó là tượng A Di Đà và tòa Cửu Long. Ngoài ra còn có các đồ thờ tự khác như: Ngai, khám, hệ thống bát biểu, câu đối, đại tự, kiệu võng,... đều được chạm khắc công phu với các đề tài long cuốn thủy, hổ phù, tứ quý, hoa cúc... lại được sơn thếp đẹp đẽ làm tăng giá trị thẩm mỹ cho di tích này.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chùa Phúc Sơn là nơi tập trung lực lượng quần chúng kéo về tham gia cướp chính quyền, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của huyện Hải Hậu. Thời kỳ cách mạng tháng 8 năm 1954, chùa Phúc Sơn là cơ sở đi về, trú quân, luyện tập, hoạt động, là nơi nuôi dưỡng che chở cán bộ, nơi cất giấu vũ khí, lương thực của các lực lượng cách mạng huyện Hải Hậu.
Để biết ơn các tổ đã khai sáng ra vùng đất quê hương cũng như khai thác và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hàng năm cứ vào dịp trung tuần tháng 3 âm lịch nhân dân Hải Trung lại tổ chức lễ hội. Trước đây trong lễ hội có lễ rước kiệu và múa rồng, múa sư tử trên những đôi kheo là phương tiện đi lại trong khi kéo lưới, bắt cá của những cư dân vùng biển. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo trong lễ hội của vùng quê ven biển.
Ngày nay trong lễ hội, ngoài phần nghi lễ trang nghiêm còn có các hình thức vui chơi giải trí, các sinh hoạt văn hóa như tổ chức đêm thơ ca, chiếu chèo. Đặc biệt là cuộc thi tìm hiểu giá trị truyền thống quê hương trong lễ hội chùa Phúc Sơn nhằm ôn lại truyền thống lao động cần cù của ông cha trước đây, nhắc nhở cháu con hãy nhớ về cội nguồn, đồng thời tạo ra một không khí vui tươi nhộn nhịp mang đậm màu sắc ngày hội ở vùng quê trù phú.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định