Chùa Hà Lạn

05:05, 29/05/2014

    Từ thành phố Nam Định theo quốc lộ 21 chừng 35km, tới chợ Cầu Đôi ( Hải Hậu) rẽ tay trái khoảng 3km là đến chùa Hà Lạn thuộc xã Hải Phúc huyện Hải Hậu.

    Chùa Hà Lạn có tên chữ là “Trung Quang tự” (chùa Trung Quang) do Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (1603 – 1678) người huyện Giao Thủy (nay là làng Ngọc Thỏ, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực) đặt.

    Trước cách mạng tháng Tám, Hải Phúc nằm trong địa bàn xã Hà Lạn thuộc tổng Kiên Trung, huyện  Hải Hậu xưa. Chùa Trung Quang nằm trên địa bàn Hà Lạn nên nhân dân trong vùng quen gọi là chùa Hà Lạn.

    Cũng giống như một số vùng đất mới của huyện Hải Hậu, chùa Hà Lạn là công trình tín ngưỡng được hình thành gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển nơi đây mà người đứng đầu là An phủ sứ Vũ Duy Hòa.

    Trong cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Hải Hậu ( xuất bản năm 1994) có ghi: “Vào những năm 1619 – 1628 tại cửa sông Hà Lạn lại xuất hiện một đoàn khẩn hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa đứng ra tổ chức cùng các con và họ hàng bè bạn với nhân dân Cẩm Hà trang hình thành những mũi khai hoang lấn biển, mở ấp lập làng”.

    Cùng với việc khai khẩn đất đai, tạo dựng hàng xóm, An phủ sứ Vũ Duy Hòa và các dòng họ còn quan tâm đến việc xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của nhân dân ở vùng đất mới. Ngày 25 tháng giêng năm Giáp Tý, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) cụ Vũ Duy Hòa qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân trong vùng. Theo tộc phả họ Vũ ở Hải Phúc cùng truyền thuyết địa phương thì sau khi cụ Vũ Duy Hòa mất, nhân dân đã dựng ngôi chùa Hà Lạn. Ngoài thờ Phật theo phái Đại Thừa như các chùa khác trong vùng, chùa Hà Lạn còn là nơi ghi dấu công lao, nơi thờ các tổ khai sáng mà đứng đầu là An phủ sứ Vũ Duy Hòa. Đó cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Hà Lạn, đúng như câu đối trong chùa đã ghi:

“Hữu nhân hữu tự đương tự đức
Vô học vô lương khởi thức công”

(Có người mới có chùa, nhớ ơn xây dựng
Không học mà không nghĩa hiểu sao nổi công lao)

    Chùa Hà Lạn được xây dựng trên một khu đất cao ráo với diện tích khoảng 4.000m2 quay mặt về hướng đông nam.

    Phía trước chùa là cánh đồng, phía sau kề sát đường giao thông 56, hai bên là khu dân cư đông đúc.

    Khu di tích chùa Hà Lạn gồm nhiều hạng mục công trình như: gác chuông, chùa thờ Phật, phủ thờ Mẫu, nhà tổ, nhà khách, khu tháp mộ, vườn cây cảnh… tất cả được bảo vệ trong hệ thống tường bao kín đáo. Trải qua những biến cố của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá chùa bị hư hại nhiều, dù thường xuyên được tu sửa. Song, nhìn chung các công trình của chùa vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc.

    Phía trước chùa là gác chuông được xây theo kiểu chồng diêm tám mái, hai bên là hai cổng ra vào được nối tiếp với hệ thống tường bao bảo vệ. Ở góc đông nam sân chùa là một giếng lớn xung quanh kè đá chắc chắn, bên trong trồng nhiều hoa súng. Ngoài ý nghĩa mang tinh thần của phong thủy mong muốn cho chốn tổ đường được hưng vượng, giếng ở đây còn làm tăng thêm sắc diện thiền môn.

    Nổi bật trong tổng thể di tích là chùa thờ Phật. Đây là công trình quan trọng nhất được làm theo kiểu chữ đinh gồm tòa bái đường 5 gian và tam bảo 5 gian chủ yếu bằng gỗ lim. Các cấu kiện của công trình tuy không chạm khắc cầu kỳ nhưng các nghệ nhân đã thể hiện tài hoa của mình bằng việc tạo ra những mảng chạm lá lật cách điệu với những đường nét đục, nhấn tỉa mạch lạc.

    Sau chùa thờ Phật qua khu vườn cây cảnh là nhà tổ. Nơi đây ngoài thờ các sư tổ của chùa còn thờ cụ tổ Vũ Duy Hòa. Công trình cũng được làm theo kiểu chữ đinh. Trong số các công trình phụ trợ nằm trong khuôn viên chùa như phủ Mẫu, nhà khách, tăng phòng… đáng chú ý là khu tháp mộ tọa lạc trong khu vườn phía tây chùa. Đây là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị sư tổ chùa Hà Lạn. Trong số bảy ngôi tháp nổi bật là tháp mộ cụ Vũ Duy Hòa được xây riêng biệt với diện tích mặt bằng 260m2. Đây chính là sự thể hiện niềm ngưỡng mộ, tôn kính của nhân dân trong vùng với người có công đầu trong công cuộc khẩn hoang lấn biển.

    Ngoài vẻ đẹp quy mô mang phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc, trong chùa còn có một số đồ thờ tiêu biểu cũng góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho khu di tích. Đó là hệ thống 19 pho tượng Phật trên tam bảo được tạc công phu, sơn thếp lộng lẫy. Tiêu biểu nhất là ba pho tượng A di đà, tượng Phật bà và tượng Tuyết sơn. Ngoài ra còn một số di vật bằng đá cũng có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử. Đặc biệt là tấm bia đá csao 0,45m rộng 0,35m có niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) ghi tư liệu về quá trình tham gia vào phong trào Văn Thân chống Pháp của nhà sư Trần Quang Thái – vị sư đời thứ ba trụ trì tại chùa. Chùa Hà Lạn chính là nơi nhà sư đã tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước chống ngoại xâm cho các tăng ni, tín đồ phật tử và nhân dân trong vùng.

    Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Hà Lạn là cơ sở tin cậy của cách mạng, là nơi nuôi giấu cán bộ đồng thời là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến xã Hưng Đạo. Nơi đây từng là kho cất giữ lương thực phục vụ kháng chiến…  Cũng từ nơi này nhiều người đã xung phong lên đường đánh giặc cứu nước, trong đó có nhà sư Thích Thanh Quảng đã anh dũng hy sinh được Nhà nước công nhận là liệt sỹ. Hai nhà sư khác cũng được nhà nước tặng thưởng huân, huy chương.

    Chùa Hà Lạn còn là nơi diễn ra lễ hội vật truyền thống hàng năm vào đầu tháng giêng âm lịch. Ngoài việc dự hội, thưởng thức các màn võ vật cổ truyền, đây còn là dịp để nhân dân địa phương đi làm ăn xa về tụ họp gia đình cùng nhau thăm chùa, lễ phật, tưởng nhớ công lao khai hoang mở đất của tổ tiên. Bên cạnh hội chùa còn gắn với lễ tổ, lễ Mẫu, rước kiệu tổ... Những hoạt động tín ngưỡng này vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa mang đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của những người dân vùng đất biển.

    Từ những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của chùa Hà Lạn và những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, chùa Hà Lạn được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com