Theo tư liệu của địa phương và tập “Trưng triều công thần Hồng Nương tướng quân ngọc phả” còn lưu tại đền truyền lại: Xưa ở trang Thám Thanh (xã Hợp Hưng – Vụ Bản) có gia đình ông Mai Công Lượng và bà Trần Thị Khánh chuyên làm thuốc cứu dân, tuy sống đạm bạc mà giàu lòng từ thiện. Sau một dịp đi lễ chùa Hương, ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ, bà sinh một bé gái xinh xắn, đặt tên là Mai Thị Hồng. Lớn lên Mai Thị Hồng kết hôn với Vũ Du làm nghề đánh cá ở thôn Vụ Nữ. Tô Định thấy Mai Thị Hồng xinh đẹp bèn giết Vũ Du, ép Mai Thị Hồng làm vợ, bà liền theo Hai Bà Trưng mưu trả thù nhà, nợ nước. Bà được phong Thủy sư Tả tướng, từ đó bà lo tuyển thêm hàng trăm trai tráng ở quê cùng giúp việc quân.
Thắng Tô Định, bà được phong Phó tướng chỉ huy thủy quân trấn giữ vùng Sơn Nam. Bà xây dựng hành cung Thám Thanh và Phường Nứa ở hai quê nội ngoại, khuyến khích dân chăm chỉ nông trang, lo cứu giúp người ngèo khổ.
Khi Mã Viện sang đánh báo thù, bà hội quân về kinh đô đánh giặc. Hai Bà Trưng lui quân về Cấm Khê cố thủ, sau núng thế và tuẫn tiết. Mai Thị Hồng chạy về Đông Cao và gieo mình xuống sông tự trẫm. Xác bà trôi về quê, nhân dân Phường Nứa vớt được chôn cất vào ngày 12-2 năm 43, và lập đền thờ ở Phường Nứa. Trên thôn Thám Thanh, dân cũng lập đền thờ bà và tiên tổ họ Mai. Xung quanh địa bàn thôn Vụ Nữ hiện nay còn có những vùng đất: Bối La, Hạnh Lâm, Triệu, Phạm, Thám Thanh, tương truyền xưa là gò cao rậm rạp, nơi bà luyện quân chống giặc, khu am (lăng mộ bà) nằm trên gò đất cao bên một dòng sông cổ - nơi tụ khí thiêng của nữ tướng anh hùng.
Xưa nay mọi người còn truyền: Thám Thanh đất thiêng trời sinh thánh. Trên bức đại tự đền Vụ Nữ còn ghi: Lạc Trưng nữ tướng (vị nữ tướng thời Trưng Vương).
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), đền Vụ Nữ là nơi bảo vệ Đại tướng Văn Tiến Dũng về hoạt động. Các đồng chí cán bộ của tỉnh và huyện như Nguyễn Thạch, Trần Huy Hoan, Phạm Văn Đê cũng từ nơi này chỉ đạo kháng chiến. Tháng 2 năm 1950 từ Vụ Nữ, lực lượng du kích đánh lui cuộc tấn công của địch ở đồn Bất Di và vài ngày sau du kích địa phương (Vụ Nữ) đã chiến đấu ngoan cường chống càn thắng lợi. Người ta còn kể lại rằng Sư tổ Đỗ Thế Giới, trong thời kỳ tạm chiếm, cùng một số cán bộ trung kiên cắt máu ăn thề ở đền Nữ Tướng rằng: Nếu bị địch bắt, thà chết không khai, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ kháng chiến đến cùng. Mảnh đất Hợp Hưng không phụ công tiền nhân đã tham gia hàng trăm trận đánh, cùng toàn dân góp phần cho kháng chiến thắng lợi.
Từ Nam Định đi theo đường 12 về chợ Dần (9km) rồi rẽ phải vào đường 56B qua Ủy ban nhân dân xã Hợp Hưng rẽ trái (1km) theo đường liên thôn là đến di tích. Cũng từ Nam Định theo đường 21 đến Cầu Họ (13km) vào đường 56A về chợ Lời (3km) tiếp tục rẽ trái theo đường 56B (1km) lại rẽ phải (1km) là đến đền Vụ Nữ.
Đền Vụ Nữ xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản xây dựng trên khu đất biệt lập phía tây làng. Công trình ở đây bao gồm chính cung, tiền đường, tả hữu giải vũ cùng với hệ thống bình phong, cột trụ, tường hoa cấu trúc hài hòa thâm nghiêm dưới bóng râm mát của những cây cổ thụ. Ngoài sự trang trí đẹp trên bờ bảng, góc đao, bộ mái cong… Công trình còn được gia công công phu từ hàng tàu, lá mái, từ đường bẩy, đường then câu, chạm hình rồng, phượng hoa lá uyển chuyển mềm mại. Cách đền độ 500m là khu lăng mộ nữ tướng khuất trong tán cây cổ thụ bốn màu xanh tươi. Đến với đền Vụ Nữ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bước cuốn thư, ngai thờ, khám thờ chạm khắc tài hoa. Đền Vụ Nữ còn có một chiêng đồng đường kính 0,60cm. Đây là chiếc chiêng của thế kỷ XIX có giá trị nghệ thuật cao về hình dáng và họa tiết trang trí.
Những ngày kỷ niệm của cha mẹ bà Mai Thị Hồng hoặc kỷ niệm ngày sinh của bà (10- 10) nhân dân địa phương tổ chức lễ một ngày. Riêng ngày kỵ 12 tháng 2 âm lịch hàng năm nhân dân tổ chức 3 ngày, coi đó là ngày hội lớn có tế lễ, rước kiệu. Ngoài ra còn tổ chức nhiều trò chơi liên quan đến lúc sinh thời bà luyện quân đánh giặc như thi vật, võ, đánh gậy, múa cờ, thổi cơm thi, bơi thuyền và một số trò chơi dân gian khác. Môn võ gậy được dân Vụ Nữ yêu thích, nhiều cụ đã bảy tám mươi vẫn còn ham tập luyện để góp vui trong lễ hội quê nhà và thi đấu ở các lễ hội huyện khác.
Xưa đến Vụ Nữ còn đơn sơ bằng tranh tre nứa lá. Đến thời Hậu Lê mới to dần lên và đến thời Nguyễn, công trình mới tu sửa dần ngày càng uy nghi, đẹp đẽ. Ngày nay đền Vụ Nữ càng được sửa sang để xứng đáng là di tích lịch sử - văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định